Hàng loạt cửa hàng “trút bỏ đồng phục” kinh doanh ế ẩm trên tuyến phố kiểu mẫu ở Hà Nội
Tin liên quan
Biển “đồng phục” gây khó cho khách hàng
Từ khoảng một tháng trở lại đây, nhiều biển quảng cáo dạng đồng phục với 2 màu xanh đỏ tại đường Lê Trọng Tấn đã bị thay đổi tùy theo ý của chủ cửa hàng hoặc theo đúng với với thương hiệu sản phẩm mà họ kinh doanh.
Trên tuyến phố được coi là “kiểu mẫu” đầu tiên ở thủ đô, giữa những biển hiệu đều tăm tắp, giống nhau cả về kích thước, ngoại hình lẫn màu sắc bỗng đột ngột xuất hiện những biển hiệu trông rất khác biệt, nổi bật và bắt mắt hơn hẳn.
Chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo - người vừa quyết định “xé rào” quy định về bảng hiệu cách đây không lâu - thực thà tâm sự: “Yếu tố sống còn của các cửa hàng thời trang là sự bắt mắt. Khách đi ngang qua, nhiều khi chỉ vì thấy ưng mắt sẽ quyết định tạt vào hay không.
Do đó, sau nhiều đắn đo, chúng tôi cũng phải thay đổi biển quảng cáo vì nếu không khách hàng sẽ rất khó nhận ra cửa hàng. Thực thà mà nói, việc kinh doanh từ khi lắp biển quảng cáo “xanh đỏ” gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lúc đọc đúng địa chỉ mà khách còn tìm không ra”.
Bên cạnh những cửa hàng “liều lĩnh” quyết thay mới toàn bộ biển hiệu, nhiều cửa hàng khác cũng rất muốn thay đổi, nhưng họ rụt rè hơn. Thay vì đó, họ vẫn sử dụng biển “đồng phục” nhưng bổ sung thêm các biển phụ, biển chỉ dẫn, lắp mái hiên hoặc lắp đèn led nhấp nháy để thu hút tối đa sự chú ý của khách hàng.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh trên “tuyến phố kiểu mẫu” đã quyết định “xé rào” các quy định về biển hiệu.
“Khách hàng phàn nàn về việc các biển quảng cáo quá giống nhau nên nhiều người thậm chí còn không tìm thấy cửa hàng quen của mình ở đâu. Tôi buộc phải thay đổi nếu không sẽ mất khách” - anh H - chủ một nhãn hiệu ăn uống - nói.
Ghi nhận thêm tại tuyến phố này cũng cho thấy, một số nhãn hiệu nổi tiếng đã quyết “trở lại chính mình” khi sử dụng lại logo truyền thống như sơn Dulux, gas Ngọn lửa thần, bia hơi Hà Nội, Biti’s…
Thương hiệu bị ảnh hưởng
Theo thạc sĩ Nguyễn Phan Anh - chuyên gia marketing online, giảng viên Trường ĐH Thương mại - thì ý tưởng “may đồng phục” cho biển hiệu là tốt về mặt quản lý, tốt về ý tưởng nhưng về mặt quảng cáo thì lại hạn chế sự sáng tạo của thương hiệu và gây nhầm lẫn về thương hiệu.
“Các thương hiệu có bản sắc riêng sẽ phải xem xét, nếu như thuê mặt bằng tại đây. Ví dụ, họ có sự nhận diện đồng nhất về màu sắc với 2 màu xanh-đỏ. Như vậy, vô hình trung việc này đã làm giảm giá trị mặt bằng cho thuê” - ông Phan Anh nói.
Một chuyên gia về quảng cáo khác, ông Nguyễn Như Hòa - Giám đốc Công ty CP Quảng cáo Hòa Bình - thì lại cho rằng, việc áp đặt mẫu bảng hiệu tại khu vực này sẽ vô tình “đuổi đi” những thương hiệu lớn hoặc vô tình lại làm khó cho đơn vị kinh doanh trong việc trang trí nội thất.
Ông Hòa phân tích: “Nếu doanh nghiệp đã có một bộ nhận dạng thương hiệu tốt, chắc chắn sẽ không thuê mặt bằng tại khu vực này. Bởi họ sẽ rất khó để cho khách hàng biết rằng họ vừa mở một cửa hàng mới ở đây, vì không ai nhận ra họ.
Thậm chí khách hàng có thể nghĩ là có người vừa nhái một thương hiệu nổi tiếng, nhưng bảng hiệu lại làm xấu hơn. Còn những cửa hàng muốn trang trí nội thất thật đẹp, thật sang trọng thì cái mẫu biển hiệu xanh - đỏ này lại quá bình dân”.
Ông Phạm Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai - cho biết, phường đã nắm được hiện tượng này và sẽ sớm đưa ra hướng giải quyết cụ thể để mọi việc thật thấu tình, đạt lý.
Theo Lao Động
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất