Cuộc trò chuyện "không lời" với người sửa khóa câm điếc giỏi ngoại ngữ

Cuộc trò chuyện "không lời" với người sửa khóa câm điếc giỏi ngoại ngữ

2016-01-05 07:15
- Để trò chuyện với chúng tôi, ông Tường phải viết ra một cuốn sổ để trải lòng về cuộc đời nhiều thử thách nhưng giàu nghị lực.
Tàn nhưng không phế
Khi hỏi đến ông Nguyễn Bách Tường (SN 1957) một người thợ sửa khóa chuyên nghiệp trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10, TP.HCM hầu như ai cũng biết. Thậm chí, những người dân sống lân cận còn kể vanh vách về cuộc sống cũng như gia cảnh của người thợ tài hoa nhưng bạc mệnh này. 
Theo sự hướng dẫn của người dân, vào một ngày trung tuần cuối năm chúng tôi tìm đến tiệm sửa khóa của ông Tường trên một con đường đông đúc thuộc loại bậc nhất của Sài Gòn. Trái ngược với cảnh nhộn nhịp của đường phố là một người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, đang lặng lẽ gọt giũa những chiếc chìa khóa cho khách hàng. 
Thấy sự xuất hiện của vị khách lạ, ông Tường đưa tay ra hiệu để hỏi. Ngay lập tức, chúng tôi liền rút chiếc chìa khóa giơ lên cao. Như đã hiểu được ý của khách, ông Tường gật đầu liên tục vài cái và đưa tay lên ra hiệu đồng ý.
Từ đó, cuộc trò chuyện “không lời” được bắt đầu giữa những con người xa lạ. Để thuận lợi cho việc trò chuyện, chúng tôi đưa cho ông Tường một cuốn sổ nhỏ và một cây viết. Cuộc trò chuyện diễn ra trong im lặng, lâu lâu lại có những tiếng cười vang lên giống như hai con người đã tìm được điều gì đó đặc biệt. 

Ông Tường tận tụy với công việc sửa khóa vỉa hè.

Với gương mặt xám xịt khắc khổ và chiếc áo sơ mi khoác vội lên người, ông Tường chia sẻ về những vất vả của mình trên những dòng chữ vội: “Cái bàn sửa khóa này giống như một kỷ vật gắn liền với cuộc đời của tôi. Tôi đến với công việc này cũng là số phận đã định sẵn từ vài chục năm về trước”
Được biết, ông Tường sinh ra trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em. Tuy nhiên, từ nhỏ cuộc sống của ông đã không gặp được may mắn như bao nhiêu đứa trẻ khác. Ông sinh ra đã là một đứa trẻ bị câm điếc bẩm sinh. Trong khi những người bạn đồng trang lứa vui đùa, la hét thì ông chỉ quanh quẩn trong nhà và chỉ biết ú ớ với người thân. 
Hồi tưởng lại ký ức buồn của mình, ông Tường cho hay: “Hơn 15 năm trời tôi sống trong bệnh tật và buồn tủi. Nhìn thấy mọi người làm việc, học hành mà tôi thấy tủi thân. Nhiều khi tôi cảm thấy tuyệt vọng với chính mình và muốn buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, trong một lần đi dạo ngoài đường tôi thấy một tiệm sửa khóa rất đông khách, nên từ đó niềm tin vào cuộc sống của tôi bắt đầu trỗi dậy”. 
Với ý nghĩ “tàn nhưng không phế”, ông Tường cố gắng mày mò học hỏi nghề sửa khóa. Sau 2 năm chăm chỉ, ông Tường đã mở được một tiệm sửa khóa nhỏ cho chính mình. Thoạt đầu, khách hàng đến với ông rất ít, vì tâm lý họ ngại giao tiếp với người câm. Bên cạnh đó, ông Tường vừa câm, điếc bẩm sinh nên ông chỉ ú ớ mà không thể nào hiểu được ý muốn của khách hàng. Từ đó, làm cho nhiều “thượng đế” cảm thấy mất thời gian và không hài lòng.
Vươn lên nỗi sợ hãi và khả năng ngoại ngữ “siêu phàm”
Trước tình cảnh khách hàng quay lưng lại với mình, ông Tường thêm một lần nữa mặc cảm với xã hội và sợ hãi sự thất bại. Tuy nhiên, trong sự tuyệt vọng ấy ông Tường nghĩ rằng, nếu mình biết đọc, biết viết để giao tiếp thì mới mong có khách hàng được. 
Với niềm hi vọng cuối cùng, ông Tường cặm cụi học ngày, học đêm không biết mệt mỏi. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã học thuộc được bảng chữ cái tiếng Việt mà chính ông cũng không dám tin mình có thể làm được. Đến năm 21 tuổi, ông Tường đọc và viết thành thành tiếng Việt.
Từ đó, việc giao tiếp với khách hàng càng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Không những thế, với bản tính cần cù và tỉ mỉ, ông Tường luôn đặt chữ tín lên hàng đầu trong công việc của mình. Đồng thời, nhiều người cũng cảm thông với hoàn cảnh của ông nên dù có ở xa họ cũng tìm tới ông để sửa khóa. Từ đó, khách hàng của ông mỗi ngày một đông hơn. 

Ông Tường ghi chép cẩn thận công việc mỗi ngày.

Sau khi đã học xong tiếng Việt, ông Tường tiếp tục học tiếng Anh và nhiều tiếng nước ngoài khác. Với tinh thần cầu tiến và ham học hỏi, ông thường mua những cuốn từ điển về để trao dồi kiến thức. Tranh thủ những lúc vắng khách là ông Tường lại mang cuốn sổ tay và từ điển ra học. Không những thế, ông còn lên mạng internet trò chuyện và kết bạn với những người bạn nước ngoài để học hỏi thêm về ngoại ngữ.
Ban đầu, ông Tường gặp không ít khó khăn trong việc giao tiếp với người nước ngoài. Tuy nhiên, với sự chăm chỉ luyện tập và một phần năng khiếu bẩm sinh, ông Tường đã nhanh chóng thông thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài chỉ trong một thời gian ngắn.  Ông có thể giao tiếp rành rõi với nhiều người bạn từ nhiều nước khác nhau như: Đức, Hà Lan, Pháp Nga, Mĩ, Anh….. 
Cuộc trò chuyện 'không lời' với người sửa khóa câm điếc giỏi ngoại ngữ

Những giờ vắng khách, ông Tường lại chăm chỉ học ngoại ngữ.

Là một người thợ sửa khóa nhưng cho đến nay ông Tường “sở hữu” và sử dụng thành thạo hơn 10 thứ tiếng nước ngoài là điều hiếm thấy. Thậm chí, có nhiều giáo sư, tiến sĩ hiện nay cũng chưa thể sử dụng được gần 10 thứ tiếng nước ngoài như ông. Với khả năng kỳ diệu của mình, ông Tường được người dân xung quanh gọi với tên “kỳ nhân vỉa hè”
Trong hành trình vượt lên chính mình, số phận một lần nữa mỉm cười với ông Tường khi ông gặp được người phụ nữ của đời mình vào năm ông 28 tuổi. Mặc dù, ông bị câm, điếc bẩm sinh nhưng người phụ nữ ấy vẫn một lòng hết mực yêu thương. Họ đến với nhau bằng tình yêu giản dị và đồng cảm với số phận của nhau. Những ngày tháng hạnh phúc vẫn cứ êm đềm trôi khi hai người có với nhau 3 người con chung. Tuy nhiên, số phận lại một lần nữa trớ trêu khi cướp mất người phụ nữ mà ông yêu thương nhất. Năm 46 tuổi, ông Tường phải đối mặt với cảnh gà trống nuôi con. Cuộc sống của 4 cha con chỉ trông chờ vào cái nghề sửa khóa. 
Cứ tưởng cuộc sống của gia đình ông Tường đã rơi vào bế tắc, khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, với ý chí vươn lên trong cuộc sống và không khuất phục số phận, ông tìm mọi cách gồng gánh để nuôi các con ăn học nên người. Giờ đây, cái nghèo đã tạm đi qua, 3 người con của ông cũng đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng niềm hạnh phúc không bao giờ tắt với gia đình ông.
Phạm Thị 
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách tắt nhạc nền trên ảnh bìa Zalo, Iphone, iOs

Đọc nhiều nhất