Con đi du học: Chuyện kể của người trong cuộc

Con đi du học: Chuyện kể của người trong cuộc

2015-07-16 19:21
- Cho con đi du học đang được nhiều gia đình khá giả ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng có những gia đình lâm vào thế khó khi con đi học xa.

Cho con đi du học ngoài chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ, việc phụ huynh chuẩn bị nguồn lực tài chính cũng là điều cần được tính tới. Với những em có được học bổng 100% không đáng lo nhưng những em chỉ xin được học bổng 50% hoặc tự túc thì tài chính cũng quan trọng không kém.

Gia đình có 2 đứa con gồm 1 trai - 1 gái, chị Lan (Hà Nội) từ lâu đã ước mơ cho cả 2 đứa đi du học. Tuy nhiên, con trai lớn cưới vợ sớm nên mọi việc đành gác lại. Cho nên, mọi ước mơ của chị dồn hết vào đứa con gái. Gia đình chị có thu nhập khá cao từ công việc kinh doanh nên để lo cho con đi du học không phải quá khó khăn. Bản thân chị Lan đã chấp nhận đầu tư cho con số tiền khổng lồ trong 4 năm để được học ở Anh. Với hình thức học tự túc như vậy, ngoài học phí, chi phí sinh hoạt, thuê nhà... mỗi tháng gia đình chị Lan tốn kém số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Tính sơ chi phí cả 4 năm cũng lên đến hàng tỷ đồng.

Bữa cơm tự lập của 1 du học sinh.

Thương con không chịu được vất vả, nên chị Lan không cho con đi làm thêm. Thời gian hàng ngày tập trung vào việc học tập. Con gái chị từ bé đã chăm ngoan có ý thức học tập tốt nên chị cũng phần nào yên tâm.

"Riêng tiền thuê nhà mỗi tháng cả chục triệu đồng, chưa kể sinh hoạt phí, tiền học, tài liệu, mua sắm quần áo của con. Có những tháng tôi phải gửi cho con khoảng 50 triệu đồng. Số tiền đó rất lớn nhưng đổi lại con sẽ được học nhiều điều mới mẻ", chị Lan chia sẻ. 

Còn với gia đình anh Long (Thanh Xuân, Hà Nội) muốn con không chỉ học kiến thức mà được mở mang tầm hiểu biết thông qua du lịch. Cho nên, gia đình anh Long ngoài chu cấp tiền học, ăn ở còn cho con tiền đi du lịch khắp châu Âu cũng như nhiều nước trên thế giới. 

Dở khóc dở cười con đi du học

Gia đình chị Thủy (Láng Hạ, Hà Nội) có con đi du học. Điều kiện kinh tế gia đình ở mức khá, số tiền dư dả không có nhiều. Kết thúc đại học, đứa con trai lớn đùng đùng quyết đi du học để học thạc sỹ. Cố gắng lắm, con trai chị Thủy vừa đủ điểm IELTS theo quy định của học bổng cho nên chỉ xin được học bổng 50% ở một tiểu bang của Mỹ. Ngày con nhận được visa đi học vui bao nhiêu thì gia đình chị chất chứa nhiều nỗi lòng bấy nhiêu. Không cho con đi học thì không được, bởi đó là ước mơ của con từ lâu. Người làm mẹ như chị Thủy cũng không đành ngăn con dù biết kinh tế gia đình sẽ eo hẹp hơn rất nhiều.

Bởi với 50% học bổng thì gia đình chị vẫn còn phải chi cho con một số tiền đáng kể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho ăn, ở, đi lại, sách vở và tài liệu. Với thu nhập hai vợ chồng trên dưới 15 triệu đồng, trong khi còn hàng trăm khoản chi tiêu và đứa con út học cấp 3, gia đình chị Thủy cũng phải tiết kiệm hết mức. Ban đầu gia đình chị dự tính sẽ gửi tiền cho con đều đặn nhưng sau đó một thời gian con trai sẽ bớt thời gian đi làm thêm phụ giúp tiền học cũng như sinh hoạt. Song thời gian dành cho học tập quá nhiều, kiến thức nặng thêm vào đó là quá trình thích ứng với môi trường mới cũng mất thời gian khiến cho con trai chị phải căng sức học trên giảng đường và thư viện. 

Trong khi con đang học ở nước ngoài, chồng chị đột ngột bị bệnh phải nằm bệnh viện, Bao nhiêu chi phí thuốc men, bồi bổ phải dành cho chồng thêm vào đó còn khoản tiền cho con trai, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ. Đường cùng chị đành bán nốt miếng đất mà vợ chồng chị đã tích góp để mua được cách đây vài năm nhằm trang trải mọi chi phí.

"Đường cùng lắm, không còn cách nào khác, tôi đành bán đất để lấy tiền trang trải. Có tiền trong tay cũng đỡ phần nào nhưng bán không được bao nhiêu, tôi phải dè sẻn hết mức mới đủ cung cấp cho con. Hi vọng số tiền đó đủ cho đến khi con trai học xong thạc sĩ ở nước ngoài", chị Thủy nói.

Có kinh tế khá giả hơn chị Thủy, thậm chí không phải lo đến chuyện tiền nong nhưng vợ chồng anh Đường (Thanh Xuân, Hà Nội) lại đau đầu chuyện con không biết tự lập. Cô con gái mới 18 tuổi lên đường đi du học, vợ chồng anh khóc thút thít vì nhớ con. Là con gái 1 trong nhà, vợ chồng anh đã quen với việc lo cho con từ bữa ăn giấc ngủ hàng ngày. Thậm chí, nhiều người hàng xóm, láng giềng thấy vợ chồng anh chăm bẵm con quá mức dù là đã đến tuổi trưởng thành với ánh mắt ái ngại. Mặc dù, đã có kế hoạch cho con đi du học từ lớp 10 nhưng vì bản tính thương con nên vợ chồng anh cũng không tập tành cho con nấu ăn, giặt quần áo hay tự lo cuộc sống.

Những ngày đầu con đến "xứ người" học tập, điện thoại hoạt động hết công suất. Con gọi về, bố mẹ gọi qua, ai cũng khóc vì nhớ nhung. Con gái đứng giữa căn hộ đi thuê ngao ngán nhìn đồ đạc mà không biết bắt đầu từ đâu. Ở Việt Nam còn ăn cơm sinh viên, ăn cháo ngoài hàng, ở xứ người phải vào nhà hàng trong khi địa bàn chưa thạo, con gái anh Đường không gỡ nổi tình huống oái ăm.

"Mấy ngày đầu, vợ chồng tôi phải gửi cho con hướng dẫn nấu từng món ăn chính để có thể đi siêu thị mua thực phẩm, tự chế biến. Những ngày sau đó, tôi chat qua Internet hướng dẫn con làm việc nhà, vệ sinh nhà cửa. Sau gần 3 tháng, mọi thứ mới đi vào ổn định", anh Đường nhớ lại.

Phương Huyền
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 mẹo trang điểm hoàn hảo cho ngày nắng nóng

Đọc nhiều nhất