Bố mẹ hướng dẫn trẻ cách phòng chống bắt cóc
2016-03-28 07:40
- Những cách dưới đây giúp trẻ thoát khỏi những kẻ có ý định bắt cóc, phụ huynh phải hướng dẫn hàng ngày.
Tin liên quan
Thời gian qua, câu chuyện nghi án trẻ bị bắt cóc dấy lên sự lo lắng với nhiều người. Tại Tp.HCM thậm chí còn có nghi án 2 thanh niên giật con khỏi tay mẹ khi đang đứng bên đường. Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra làm rõ những nghi án này liệu có phải là bắt cóc hay không. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ phụ huynh phải chú ý hướng dẫn để trẻ không mắc phải những tình huống như trên.
Không đi đâu với người lạ
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh, chúng ta vẫn thường nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Cuộc sống không nói trước được điều gì, cho nên phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ khả năng để đối phó nếu xảy ra tình huống bị bắt cóc. Bản thân mỗi phụ huynh không nên chần chờ và suy nghĩ rằng, đó là chuyện của thiên hạ không có liên quan đến gia đình mình.
Chuyên gia cho rằng, phụ huynh phải nói rõ cho trẻ việc chỉ đồng ý lên xe hoặc đi với người thân hoặc cô giáo. Ngoài ra, tuyệt đối không được nghe lời dụ dỗ của người lạ để đi theo. Thực tế, các tên tội phạm lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, hồn nhiên của trẻ.
"Phải hướng dẫn rõ ràng rằng, trẻ không nên ăn kẹo, uống nước, nhận đồ chơi của những người lạ đưa cho. Khi nhận xong rất dễ trẻ bị dụ dỗ ra chỗ vắng để lấy nữ trang hoặc đưa đi nơi khác. Khi có người lạ tiếp cận, trẻ phải chạy thật nhanh vào trường hoặc vào nhà, hoặc kêu lên...không nên tiếp tục câu chuyện", chuyên gia nói.
Ngoài ra, trẻ cần được hướng dẫn những kỹ năng này mỗi ngày. Phụ huynh đưa ra các giả định về tình huống để nói trẻ phải làm gì, làm như thế nào...nhằm thoát khỏi âm mưu của kẻ có ý định bắt cóc. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ, nếu đã tan học mà bố mẹ chưa đến nên đứng ở trong cổng trường, không ra bên lề đường. Khi đi bên vỉa hè, nếu có người lớn hỏi han hoặc bám theo phải nảy sinh nghi ngờ và chạy nhanh hoặc chạy vào nhà dân bên đường.
Nếu đoạn đường đó vắng phải kêu lên để người đi đường bị thu hút sự chú ý. Nếu kẻ gian bắt cóc phải vùng vẫy, kêu và hét lên để những người xung quanh giúp đỡ.
Nhớ số điện thoại gia đình
Còn với phụ huynh khi đón con về, nếu đi bộ phải nắm chặt tay con, cho trẻ đi vào phía trong vỉa hè. Không nên để trẻ đi sát lề đường. Nếu gặp tình huống bất ngờ phải tri hô để người dân xung quanh, người đi đường hỗ trợ.
Trẻ có thể bị lạc ở nơi đông người hoặc đi nhầm đường, do đó phụ huynh phải hướng dẫn cho trẻ biết chính xác về số điện thoại của gia đình, số điện thoại của bố mẹ, số nhà, tên đường, phường, nơi ở. Số điện thoại khó nhớ có thể ghi ra mảnh giấy và để trong ngăn cặp của trẻ.
"Một cách khác rất hiệu quả là phụ huynh ghi tên và số điện thoại lên cặp của con cũng là cách để người khác liên lạc khi không may trẻ bị lạc", chuyên gia Thu Hương nói.
Bên cạnh gia đình thì các trường học cũng phải có những bài học đơn giản về kỹ năng phòng chống bị bắt cóc. Các tình huống này có thể thể hiện dưới dạng tranh vẽ đơn giản, cụ thể và chi tiết giúp trẻ hình dung dễ dàng. Các kỹ năng không nên diễn đạt bằng câu chữ dài dòng làm trẻ khó hiểu.
Như nhiều lần khuyến cáo, phụ huynh không nên đưa ảnh con lên Facebook quá nhiều, đặc biệt tránh các thông tin như tên trường, lớp...không nên đưa họ tên đầy đủ cũng như số điện thoại của con. Đây có thể là điều gián tiếp khiến kẻ gian chú ý đến bé qua mạng xã hội.
Việc cung cấp các thông tin của con cái cần được cẩn trọng. Bởi nếu không cẩn thận, tội phạm có thể để ý, lần theo địa chỉ. Lúc đi đâu đông người phải nắm chặt tay con và thường xuyên để ý xung quanh.
Khi con bị bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh để báo ngay với cơ quan chức năng, không hoảng loạn. Hiện nay, thiết bị camera xung quanh nhà dân rất nhiều, cần xác định đường mà trẻ đã đi để truy xuất file nếu được.
Phương Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Các mỹ phẩm ĐẠI KỴ với nhau, nếu dùng chung làn da sẽ bị tàn phá nặng nề