Người xưa giấu tài để được yên thân, người nay lại thích sống ảo phô trương thứ mình không có

Người xưa giấu tài để được yên thân, người nay lại thích sống ảo phô trương thứ mình không có: Họa từ đây mà ra

I Am NGA 2021-11-04 10:54
- “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Người xưa giấu tài và sống khiêm nhường thế nào?

Cách đây hơn 200 năm, Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều những câu thơ về kiếp người tài hoa bạc phận: “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần” hay “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Cụ Tố Như khóc cho thân phận của Kiều cũng như khóc cho số phận của chính mình. Ông sống trong buổi giao thời loạn lạc, từng làm quan dưới triều Hậu Lê sau đó xin cáo quan về ở ẩn. Ông từ chối ra làm quan dưới triều Tây Sơn nhưng vẫn bị triệu ra làm quan triều Nguyễn.

Theo tư tưởng đạo Khổng thời xưa, quân tử không thờ hai vua, điều này đã khiến Nguyễn Du vô cùng đau khổ. Nhưng ai bảo ông “tài tình chi lắm” nên triều đình trọng dụng. Dù ông đã cố gắng sống rất khiêm nhường và kiệm lời nhưng hào quang từ tài năng của ông vẫn không thể bị che khuất. Trong cuộc đời của mình, Nguyễn Du đã giữ những chức quan to trong triều đình và có một sự nghiệp văn chương rực rỡ.

Người xưa giấu tài để được yên thân, người nay lại thích sống ảo phô trương thứ mình không có, họa từ đây mà ra

Người xưa luôn khiêm nhường, thận trọng.

Người thời xưa vốn sống rất khiêm ngường, thận trọng. Gần đây tôi có xem một bộ phim cổ trang Trung Quốc về đề tài gia đình có tên là Minh Lan truyện. Bộ phim kể về cuộc đời Minh Lan, thứ nữ nhà họ Thịnh, sau được gả cho Hầu gia Cố Đình Diệp và được sắc phong cáo mệnh phu nhân. Với chế độ đa thê thời xưa, con do thị thiếp sinh ra vốn không được coi trọng. Mẹ Minh Lan, vốn là một tiểu nương, bị một người thiếp khác của cha ghen ghét hãm hại mà qua đời. Người cha vốn sủng người thiếp mưu mô xảo trá kia nên thường thiên vị con của ả và lạnh nhạt với Minh Lan.

Từ nhỏ, Minh Lan đã thông minh hơn người, là người tài nhất trong số các chị em. Nhưng vì sớm mất mẹ, phải nhìn mặt đại nương tử (tức mẹ cả - chính thất của cha) và tiểu nương kia mà sống, nên Minh Lan luôn phải giả ngây giả ngô, giấu tài để được sống yên ổn và chờ thời cơ báo thù cho mẹ.

Người xưa giấu tài để được yên thân, người nay lại thích sống ảo phô trương thứ mình không có, họa từ đây mà ra

Phu thê Minh Lan, Cố Đình Diệp.

Khi Minh Lan xuất giá, cô lại phải đối phó với cả giang sơn nhà chồng, vốn là một gia tộc rất phức tạp với những mối quan hệ chồng chéo, mưu toan hãm hại nhau. Minh Lan vừa phải khéo léo mềm mỏng, vừa cứng rắn trong việc đối nhân xử thế. Mặc dù được phu quân hết lòng yêu thương, trân trọng, cho quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong nhà, Minh Lan vẫn phải tỏ ra với người ngoài rằng mình làm dâu không hề dễ dàng. Để người khác rủ lòng thương, thấy cô tội nghiệp mà không còn ghen ghét đố kỵ hay tìm cách hãm hại cô.

Trước khi lấy chồng, Minh Lan từng có mối tình đẹp với Tề Nguyên Nhược – một công tử danh môn. Nhưng vì Tề Nguyên Nhược thích thể hiện bản thân, quá nổi trội nên được bao nhiêu tiểu thư để ý và anh đã lọt vào mắt xanh của một vị huyện chủ. Tề Nguyên Nhược bị ép cưới người khác, mối duyên giữa họ lỡ dở từ đây. Sau này anh đã không ngừng trách móc bản thân đã để lỡ mất Minh Lan.

Thế nên mới thấy từ xưa, người khôn ngoan biết sống thận trọng và khiêm nhường thế nào. Họ có tài nhưng phải giấu tài đi để tránh kẻ khác soi mói, đố kỵ, hãm hại. Chính vì Minh Lan giả ngây giả ngô nên cô mới yên ổn khôn lớn lên người, nếu không cô đã bị tiểu nương kia “nhổ cỏ tận gốc” từ lâu.

Người nay gặp họa vì thói sống ảo và thích phô trương ra sao?

Dù thời đại có thay đổi ra sao thì có những quy luật vẫn không thay đổi, người tài thì luôn bị soi mói, ghen ghét, đố kỵ. Có một câu nói cực viral từ chương trình Táo quân mà nhiều người phải tâm đắc gật gù vì quá đúng: “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”. Ở thời đại nào thì người tài vẫn luôn được coi trọng, người ta không nhất thiết phải giấu nhẹm tài năng của mình để được yên thân. Có điều cái tài phải được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, hạn chế kích hoạt sự ghen ghét, đố kỵ của kẻ khác.

 Người xưa giấu tài để được yên thân, người nay lại thích sống ảo phô trương thứ mình không có, họa từ đây mà ra

Những người hữu xạ tự nhiên hương thì không nói làm gì, nhưng ngày nay với sự bùng nổ của mạng xã hội, con người mắc thêm chứng bệnh là bệnh sống ảo. Có một nghịch lý là nhiều người thích phô trương những thứ mình không có. Đăng lên story những món đồ hiệu nhưng là đồ đi mượn. Thể hiện rằng mình là người hiểu biết nhưng thực ra là một chiếc thùng rỗng. Cố tỏ ra mình hạnh phúc nhưng gia đình lục đục, hôn nhân rạn nứt. Đến khi bị “bóc phốt”, bị lột mặt nạ xuống mới bẽ bàng làm sao. Bao nhiêu cái “fame” cố công tạo dựng bị hủy trong một nốt nhạc. Bản thân những kẻ sống ảo, thích phô trương vốn đã không hề có hạnh phúc và niềm vui đích thực, vì họ luôn phải lừa mình dối người, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bóc mẽ.

Học hỏi theo cách ứng xử của người xưa, sống khiêm tốn, tiết chế bản thân, biết thể hiện tài năng của mình đúng lúc, đúng chỗ mới là việc nên làm. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, vì kẻ khờ ít bận tâm những chuyện thị phi, kẻ khờ không gây nguy hiểm trong mắt người khác. Đôi khi, giả bộ mình là kẻ khù khờ một chút cũng không đi đâu mà thiệt.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tóc mỏng đến hói cả trán sẽ bồng bềnh, dày dặn trong '1 nốt nhạc' nhờ 5 chiêu 'phù phép' nhanh gọn

Đọc nhiều nhất