Khi sếp nữ... "gạ tình"

Khi sếp nữ... "gạ tình"

Phạm Quyên 2016-09-15 19:00
- "Chuyện nhân viên bị sếp gạ gẫm, tôi đã thấy nhiều nhưng khi chính mình rơi vào hoàn cảnh đó, tôi thật sự sợ hãi. Bởi lẽ, sếp tôi là... nữ".

Chuyện nhân viên nữ bị sếp gạ gẫm, quấy rối không có gì mới lạ, nhưng với hai cô gái trong bài viết này, vấn đề có vẻ nhạy cảm hơn, bởi các cô bị sếp nữ chứ không phải sếp nam "nhắm tới".

Nhắn tin gạ tình

Bạn N.T.N (23 tuổi, Kế toán, Quảng Ninh) kể, sau khi tốt nghiệp ra trường, N không cố gắng ở lại Thủ đô như nhiều bạn đồng lứa khác mà quyết tâm về quê lập nghiệp. Nhờ các mối quan hệ và không ít tiền bạc, N đã được vào làm kế toán một công ty than. Mọi chuyện tưởng chừng vô cùng tốt đẹp nếu như N không gặp phải tình huống "khó nói". Ngay từ khi được nhận vào công ty, N đã được chị trưởng phòng "quan tâm đặc biệt".

"Lúc đầu, mình chỉ nghĩ vì mình hợp tính chị ấy, nên được ưu ái, nhưng sau mới biết không phải thế", N nói.

Làm việc được một thời gian, N nhận ra những hành động vượt quá giới hạn cho phép của trưởng phòng đối với mình.

"Chị ấy nhiều lần cố tình chạm vào người mình, áp sát vào mình, vuốt tóc mình, thậm chí có lần, công ty mở tiệc, chị ấy còn vờ say ôm mình. Khi thấy mình tỏ thái độ không thích, chị ấy liền xin lỗi. Nhưng sau đó chị ấy vẫn chứng nào tật ấy, thậm chí còn thường xuyên "khủng bố" mình bằng những tin nhắn cuộc điện thoại mang nội dung gạ tình".

Khi sếp nữ... 'gạ tình'

Hoảng sợ và không tìm ra cách nào thoát ra khỏi "sự quan tâm biến thái" đó, N đã quyết tâm bỏ việc, dù công việc đó phải vất vả lắm cô mới có được. Ảnh: NVCC.

Bị... "trả thù"

Tương tự với trường hợp của N, bạn gái V.T.H (25 tuổi, nhân viên kinh doanh, Quảng Ninh) cũng nhận được sự quan tâm "đặc biệt" của sếp nữ. Công việc của bạn ở tổng công ty rất suôn sẻ, cho đến khi sếp mới về nhận chức.

Sếp mới trong mắt H là một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, là con của chủ tịch HĐQT, mới du học về. Lúc đầu, H ngưỡng mộ sếp vô cùng, coi chị là thần tượng. Khi được sếp rủ đi cafe, xem phim, shopping, H vui vẻ đồng ý.

Nhưng sau đó, H phát hiện ra sếp thường xuyên có cử chỉ "khác lạ" với mình và một số nữ nhân viên khác. Cô nhận ra sếp là người đồng tính. Sợ hãi, lo lắng khi biết điều này, H đã cự tuyệt lời rủ rê của sếp. Và ngay sau đó, cô bị điều chuyển công tác xuống chi nhánh công ty ở vùng sâu vùng xa. 

"Tuy bị điều chuyển nhưng mình lại thấy đó là điều may mắn" - H nói.

Cách ứng xử khi bị gạ tình đồng tính

Cả H và N đều có chung tâm trạng sợ hãi, hoang mang, lo lắng khi mình trở thành đối tượng "gửi gắm tình cảm" của sếp - người đồng tính. 

"Vấn đề của hai bạn không phải vấn đề làm thế nào từ chối tình cảm của sếp mà vẫn giữ yên công việc như lẽ thường, mà sâu hơn là vấn đề cách cư xử, nhìn nhận và thái độ với người đồng tính" - chuyên gia tâm lý Vũ Đình Long, văn phòng Tư vấn hôn nhân và gia đình Uông Bí, Quảng Ninh nhận định. 

"Khi chưa biết giới tính thật của sếp, hai bạn đều rất vui vẻ, thoải mái. Nhưng khi biết sếp là người đồng tính, lại có tình cảm đặc biệt với mình, hai bạn đều cự tuyệt "phũ phàng", thiếu tế nhị. Bình thường, khi rơi vào hoàn cảnh này, kể cả khi sếp là nam, hai bạn cư xử thế đều "chưa ổn", việc phải bỏ việc hay điều chuyển là cái kết không đáng có, nếu như hai bạn có cách cư xử "chuyên nghiệp" hơn.

Hai bạn cần hiểu, đồng tính luyến ái bản chất là một biến thể bình thường và tích cực của tính dục con người, không phải là một "bệnh" hay sự lệch lạc tâm lý, bởi vậy không nên có tâm trạng sợ hãi, hoang mang, xa lánh như thế. Thứ hai, hãy coi việc sếp đồng tính để ý mình cũng chỉ như một sếp nam, một bạn trai để ý mình, như thế, hai bạn sẽ tự tìm ra biện pháp từ chối tình cảm khéo léo mà không ảnh hưởng đến công việc của mình" - chuyên gia nhận định.

Phạm Quyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹo hay chia sẻ status bằng âm thanh trên Zalo tạo ấn tượng

Đọc nhiều nhất