Tình cảnh chưa từng có của bà con trồng rau, chăn nuôi ở Hải Dương: 'Bây giờ bán lỗ cũng chịu...'
Tin liên quan
Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nông dân nhiều khu vực ở Hải Dương gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Không chỉ có các gia đình trồng rau, củ mà có những hộ nuôi gà đến thời kỳ xuất chuồng cũng đang đau đầu với vụ chăn nuôi khó khăn.
Cả ngàn con gà trong chuồng
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thật (Văn An, Chí Linh Hải Dương) cho biết, từ ngày 20 Tết lại nay, đàn gà của chị hầu như chưa bán được con nào. Đàn gà đã nuôi hơn 3 tháng, đến thời kỳ xuất chuồng, song không ai có thể vào thu mua.
"Mấy hôm trước, khi Chí Linh sắp hết phong tỏa 21 ngày, tôi đã liên hệ với người thu mua, hẹn ngày vào bắt gà. Tuy nhiên, tiếp tục cách ly xã hội toàn tỉnh trong đó có Chí Linh nên không thể bán được. Đến nay, trong chuồng có 1200 con, cứ một ngày trôi qua là gia đình tôi chịu lỗ. 1200 con gà ăn hết 6 bao cám/ngày, mỗi bao cám giá 300.000 đồng", chị Thật cho hay.
Hàng ngàn con gà của nhà chị Thật đang cần được xuất chuồng (Ảnh: Facebook).
Nhờ có cháu gái cạnh nhà đăng lên mạng xã hội, mấy ngày qua cũng có người hỏi mua nhưng số lượng không được nhiều. Mức giá bán chị Thật đưa ra là 50.000 đồng/kg, nhưng nếu bây giờ có người mua hết số gà này với giá 48.000 đồng/kg vẫn chịu lỗ để bán nhằm thu hồi được đồng nào hay đồng đó.
"Khi bắt đầu nuôi đợt này, tôi đã phải mua gần 20 triệu đồng tiền gà giống, chi phí mua thuốc men hơn 10 triệu đồng, đến nay tổng tiền cám hơn 100 triệu đồng. Nếu như số gà này chưa thể xuất chuồng đợi hết cách ly xã hội toàn tỉnh Hải Dương mới bán được thì tôi sẽ tốn thêm cả trăm triệu tiền cám nuôi gà, số lỗ càng nhiều hơn", chị Thật trải lòng.
Theo chị Thật, cả ngàn con gà chưa xuất chuồng được nhưng gà giống đợt mới đã được phía cung cấp giống đưa đến khiến bản thân hết sức lo lắng. "Tôi nuôi gà đã mấy năm, nhưng chưa bao giờ gặp tình cảnh thế này. Những năm trước giá có thể hạ một chút nhưng vẫn có thể bán được. Gà này chủ yếu xuất đi Quảng Ninh, nhưng lái xe cũng không thể vào thu mua được, thật sự chưa biết làm thế nào", chị Thật bày tỏ sự lo lắng.
Nhiều ruộng rau phải phá bỏ
Cũng chung tình cảnh như chị Thật là gia đình chị Song Anh (Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương). Mẹ của chị Song Anh cần mẫn trồng các loại rau màu suốt mấy tháng qua trên diện tích đất 1,2 mẫu, hi vọng đến Tết có thể mang lại nguồn thu nhập nhưng năm nay coi như không thu được gì.
Ngô cũng là mặt hàng được nhiều người kêu gọi "giải cứu".
Những năm trước, khách đến thu mua ngay tại ruộng, chỉ mấy ngày là hết. Năm nay, do dịch bệnh, không có người thu mua và cũng không bán được nên chị Song Anh đã phải đăng tải lên mạng xã hội hi vọng có người mua.
"Từ hôm tôi đăng bài trên mạng xã hội có mấy anh chị trong các đoàn thiện nguyện hoặc một số người gọi hỏi mua nông sản. Đến nay, người ta cũng mua được một chút như 1 tạ cà chua, 1-2 tạ cà rốt, bắp cải.. Nhưng đến thời điểm này, số lượng vẫn còn nhiều lắm". chị Song Anh than thở.
Những ruộng cà chua chín mà không có ai thu mua. (Ảnh: Song Anh).
Năm ngoái, giá rau cũng rẻ nhưng còn tiêu thụ được, năm nay trúng đợt bùng phát dịch ở Hải Dương nên các gia đình trồng rau màu trong làng cũng như gia đình chị Song Anh chịu ảnh hưởng. Nhìn những ruộng rau xanh non mơn mởn, đổ biết bao nhiêu công chăm sóc không ai thu mua, già dần theo ngày... ai cũng xót xa, não nề.
"Một số nhà xung quanh đây còn phải đổ bỏ đi, nhiều nhất là súp lơ. Trước đây, các gia đình cũng mang rau củ quả cho các chốt kiểm dịch, các bếp ăn phục vụ người cách ly nhưng số lượng đó cũng không thấm vào đâu. Khi số lượng rau, củ phải thu hoạch tăng lên thì không thể cho hết". chị Song Anh cho biết.
Hàng tạ ra củ của bà con Hải Dương được tập kết tại một địa điểm "giải cứu" ở Hà Nội.
Rớt giá mạnh nhất là cà chua, trước đây giá 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2000 đồng/kg. Tuy nhiên, đặc điểm cà chua nhanh hỏng, nên có gia đình phải hái những trái sắp hỏng cho gà, cá ăn. Thậm chí có những ruộng cải muối dưa đến lúc thu hoạch cũng đành phá bỏ. Nguyên nhân vì thị trường chủ yếu tiêu thụ loại rau này ở trong tỉnh, các quán ăn hay thu mua về muối dưa cũng đóng cửa, chợ ngừng bán hàng... nên tồn lại.
"Những phần đã phải phá bỏ do không ai mua thì bây giờ phải trồng vụ mới, không có tiền cũng đành vay mượn xuống giống. Nhìn chung năm nay bà con vất vả, khó khăn. Bản thân như gia đình tôi, chồng làm cắt tóc phải đóng cửa, tôi thì đi làm công việc ở tỉnh khác nhưng do dịch bệnh nên đang phải nghỉ tại nhà", chị Song Anh bày tỏ.
Anh Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất