Sáu cách tiết kiệm tiền để tháng nào cũng dư dả của mẹ 1 con

Sáu cách tiết kiệm tiền để tháng nào cũng dư dả của mẹ 1 con

2020-11-14 21:08
- Dù có 1 con nhỏ, lại ở giữa Hà Nội chi tiêu hàng ngày đắt đỏ nhưng nhờ mẹo tiết kiệm đơn giản này mà mẹ bỉm sữa 28 tuổi cả năm lúc nào cũng dư dả và không lo Tết Nguyên đán tới.

Vợ chồng chị Huyền cưới nhau được 4 năm nay. Chị là nhân viên công sở, lương tháng chỉ 9 triệu đồng. Chồng chị là nhân viên một cửa tiệm sửa xe, lương tháng 13 triệu đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng chị mỗi tháng 22 triệu đồng. 

Do đã có căn nhà riêng nhỏ nên mỗi tháng vợ chồng chị Huyền tiêu 10 triệu, còn 12 triệu dành tiết kiệm. “Trước mình chẳng có động lực tiết kiệm, có đồng nào tiêu hết đồng ấy. Nhưng từ khi mang bầu, mình tập dần thói quen tiết kiệm trong tất cả mọi thứ. Thời buổi khó khăn, nhân viên công sở lương ba cọc ba đồng, vì thế phải tiết kiệm một khoản để dành những lúc có biến cố đột xuất hoặc tích lũy cho tương lai”, chị Huyền nói. 

Tổng thu nhập của vợ chồng chị Huyền mỗi tháng 22 triệu đồng, nhưng mỗi tháng chị tiết kiệm được một nửa. 

Chia sẻ về kinh nghiệm tiết kiệm được 12 triệu/tháng, chị Huyền cho biết khá đơn giản và dễ áp dụng, song phải kiên trì và thực hiện đều đặn theo 6 cách sau: 

Luôn đi chợ mua thực phẩm tự nấu 

Đi chợ mua đồ về nhà tự nấu nhìn bề ngoài cứ tưởng chẳng tiết kiệm được là bao nhưng thực tế lại tiết kiệm được rất nhiều so với khi thường xuyên ăn ngoài hàng. Nếu trước đây, một ngày chị Huyền phải tiêu tầm 300.000-400.000 đồng cho việc đi chợ thì hiện nay chị chỉ tiêu 200.000 đồng với 3 bữa sáng, trưa, tối. 

“Cần tính toán khéo léo một chút để đi chợ với 200.000 đồng trong túi mà đủ mua đồ nấu cả bữa sáng, bữa trưa và bữa tối cho 3 người ăn. Thậm chí, mua được cả hoa quả, sữa chua tráng miệng nữa. Song, rõ ràng việc mua đồ về nấu sẽ tiết kiệm hơn nhiều, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Đơn cử như thay vì mua ly cà phê sữa 20.000 đồng thì mình có thể mua hộp sữa đặc 20.000 đồng pha với cà phê uống được tầm 10 ly luôn”, chị Huyền khoe. 

Tự đi chợ mua thực phẩm về nấu rẻ hơn nhiều so với đi ăn bên ngoài 

Tự động trích lương vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng 

Chị Huyền còn thực hiện chính sách tiết kiệm trước, tiêu xài sau. Hàng tháng cứ đến ngày có lương, chị nhờ ngân hàng tự động trích 12 triệu vào tài khoản tiết kiệm. 

“Hiện ngân hàng nào cũng có dịch vụ này. Chỉ cần bạn mang thẻ ATM, chứng minh thư ra ngân hàng đăng ký là mỗi tháng, khi lương về ngân hàng sẽ tự động trích một số tiền nhỏ mình đăng ký vào tài khoản tiết kiệm. Như vậy, mình chỉ có thể tiêu xài phần tiền còn lại mà thôi”, chị Huyền chia sẻ. 

Chịu khó bỏ ống heo hàng ngày 

Để tiết kiệm những khoản tiền lặt vặt, chị Huyền mua một chú heo đất to. Mỗi ngày chị dạy con bỏ 10.000, 20.000,... vào trong heo đất. Số tiền nhỏ này không ảnh hưởng đến chi tiêu gia đình. Tuy nhiên, sau 1 năm mở ra, nhà chị Huyền có đủ một khoản để đi du lịch. 

“Trung bình một ngày bỏ 10.000 đồng, cả năm đã có 3,6 triệu đồng. Chưa kể tiền thưởng các ngày lễ, tiền người thân cho con, mình cũng nhét tất vào đó. Nhiều khi nhét được 500 ngàn đồng, 1 triệu, 2 triệu vào heo/ngày. Khoản này nhà mình sẽ để dành để đi du lịch 2-3 ngày với nhau 1 lần/năm”, chị Huyền nói. 

Hạn chế vay mượn tiền của người khác 

Để tiết kiệm, vợ chồng chị Huyền đều bảo nhau hạn chế vay mượn tiền của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Có bao nhiêu tiền thì tiêu bấy nhiêu để không tạo thói quen xấu và chủ động được tài chính trong gia đình. Điều này cũng khiến cho anh chị không phải đối mặt với cái vòng luẩn quẩn suốt ngày vay mượn, rồi phải trả nợ khi có tiền. 

Bỏ lợn đất tiền lẻ hàng ngày cũng là một cách tiết kiệm 

Chia tiền ra nhiều phong bì mỗi tháng để chi tiêu 

Tháng nào chị Huyền cũng chia tiền ra nhiều phần. Mỗi phần là một phong bì riêng như: tiền đi chợ, tiền đóng học, tiền sữa, tiền hiếu hỉ... Việc chia tiền thành nhiều phần nhỏ giúp chi tiêu sát sao hơn và không bị lạm phát, quản lý tiền khoa học mà không thể tiêu hoang phí. 

Ngoài ra, chị Huyền còn có một thói quen ghi chép tất cả các khoản chi tiêu vào điện thoại để biết tuần này gia đình dùng tiền hết bao nhiêu để còn hạn chế. 

Chỉ mua đồ khi có khuyến mãi khủng 

Với những đồ dùng nội thất, nhà bếp, quần áo, sản phẩm điện máy, nhà chị Huyền hầu hết toàn mua sắm khi đang có sale lớn. “Mình thường canh đợt nào siêu thị giảm giá hay các đợt sale khủng như Black Friday, khuyến mãi khai trương, khuyến mãi nhân ngày lễ lớn... để mua những món đồ bản thân và gia đình thực sự cần. Mua vào các đợt giảm giá này giúp tiết kiệm được khá nhiều tiền”. 

3 năm nay, người phụ nữ 1 con này thường áp dụng chi tiêu gia đình theo các mẹo trên. Nhờ đó mỗi tháng chị Huyền tiết kiệm được một nửa thu nhập của hai vợ chồng. 

“Số tiền này vợ chồng mình để đó đầu tư, buôn bán sinh lời, cứ thế dần dần có tích lũy, dư dả. Tết đến vẫn ung dung vì đã có tiền chi tiêu rồi. Nói chung nhà mình thực hiện phương châm tiết kiệm chi tiêu, bởi có giàu mà không biết tiết kiệm thì theo mình tiền nhiều thế nào cũng sẽ cuốn gói ra đi hết”. 

Theo Vietnamnet

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Ở nhà phòng dịch, tập ngay 3 động tác đơn giản giúp 'đánh bay' vai u thịt bắp, có ngay bờ vai thon dài, gợi cảm

Đọc nhiều nhất