Nguy cơ bùng dịch tại Hà Nội khi liên tiếp phát hiện ca cộng đồng
Tin liên quan
Đây là con số đáng báo động bởi trước đó, Hà Nội đã trải qua 5 ngày không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng. Số người dương tính với nCoV của thành phố thời gian qua cũng đang có xu hướng giảm.
Đứng trước tình hình này, Hà Nội sẽ cần chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống sự lây lan virus để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Trong khi đó, người dân phải tuyệt đối tránh lâm lý chủ quan sau khi Hà Nội quyết định nới lỏng giãn cách.
Chưa xác định được nguy cơ
Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết hiện vẫn chưa thể đánh giá được chính xác mức độ lây lan của SARS-CoV-2 từ những ca nhiễm trong cộng đồng vừa phát hiện. Nguyên nhân là thành phố cần đợi kết quả xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực liên quan.
Các cổng ra vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bị phong tỏa sau khi ghi nhận ca nhiễm nCoV. Bệnh nhân, người nhà, cán bộ y tế đều được yêu cầu ở lại bệnh viện. Ảnh: Việt Linh.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định việc Hà Nội ghi nhận liên tiếp các trường hợp dương tính với nCoV mới đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
“Các khu vực, đối tượng vừa xác định ca nhiễm trong cộng đồng đều là nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà máy..., hoặc liên quan việc giao hàng. Các đối tượng trên đều có sự giao lưu, lịch trình đi lại phức tạp, mang đến nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khá cao”, PGS Phu đánh giá.
Theo vị chuyên gia này, người dân tại những khu vực nói trên đều thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Do đó, việc các trường hợp nhiễm nCoV xuất hiện tại đây là điều đã nằm trong dự báo từ trước.
Liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi vừa phát hiện một trường hợp nhiễm nCoV, ông Phu cho rằng thành phố vẫn phải tiếp tục điều tra dịch tễ để đưa ra đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, việc một bệnh viện ghi nhận ca nhiễm nCoV sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ khá phức tạp.
Theo PGS Phu, chúng ta vẫn chưa thể xác định được nguồn lây tại cơ sở y tế này. Trong khi đó, việc người dân từ nhiều địa phương tới khám và điều trị tại bệnh viện, có sự tiếp xúc giữa các tỉnh, thành phố khác nhau mang đến những mối nguy hiểm nhất định.
Trong khi đó, các trường hợp đang điều trị tại đây nếu không may cùng lúc mắc 2 bệnh cũng sẽ có nguy cơ rất lớn, cần quan tâm đặc biệt.
Ông nhấn mạnh: “Với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta cũng đã thống nhất rằng việc đưa Hà Nội trở về ‘Zero Covid-19' là rất khó”.
Tuyệt đối không chủ quan
Theo PGS Trần Đắc Phu, lúc này, sau khi phát hiện được các trường hợp nhiễm nCoV trong cộng đồng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh truy vết và khoanh vùng.
“Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là làm sao nhanh chóng phong tỏa được ổ dịch. Chúng ta cần cố gắng kiểm soát ổ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, qua đó mới có thể khống chế tình hình”, ông nói.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà với khoảng 1.400 người. Ảnh: Việt Linh.
Trong khi đó, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh người dân Hà Nội thời gian này cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối không được chủ quan.
PGS Phu khẳng định: “Thành phố cứ nới lỏng, người dân lại chủ quan thì dịch Covid-19 chắc chắn sẽ lại bùng phát ngay”.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhận định việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất để giúp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 sẽ giảm.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc tiêm vaccine phòng Covid-19 không phải tránh cho người dân không nhiễm SARS-CoV-2 một cách triệt để. Những người đã tiêm vaccine vẫn có thể làm lây nhiễm virus cho người khác.
Việc này đặc biệt nguy hiểm với những gia đình có người cao tuổi, người mắc bệnh nền... Do đó, người dân dù đã được tiêm vaccine Covid-19 vẫn phải cẩn trọng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi giao tiếp.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.980 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, số nhiễm ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.608 ca, số trường hợp đã cách ly gồm 2.372 ca.
Trường hợp được phát hiện dương tính với nCoV tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là người nhà vào chăm sóc em rể điều trị tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) từ ngày 19/9. Người này được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xét nghiệm rRT-PCR trước khi ra viện cho kết quả nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm khẳng định sau đó của CDC Hà Nội cũng cho thấy trường hợp này nhiễm nCoV.
Theo Zing
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất