Sợ thực phẩm bẩn nhiều người "cõng" thực phẩm quê lên phố

Sợ thực phẩm bẩn nhiều người "cõng" thực phẩm quê lên phố

2016-04-22 16:00
- Với những gia đình có hai bên nội ngoại trồng rau sạch, mua được thịt sạch sẵn sàng dành thời gian ngày nghỉ để về quê lấy thực phẩm đưa lên ăn dần.

Thực phẩm bẩn là nỗi lo thường trực hàng ngày của chị em và bất cứ gia đình nào. Trong khi, đâu đó vẫn có những cơ sở sản xuất bất chấp lương tâm sản xuất ra những thực phẩm không đảm bảo chất lượng thì mỗi gia đình đã lên phương án bảo vệ cho chính mình. Cách làm được nhiều người lựa chọn là đưa thực phẩm sạch từ quê lên thành phố để cung cấp cho gia đình.

Gia đình chị Trang (Quê Yên Bái, hiện sống ở Tây Hồ, Hà Nội) đã duy trì việc này từ cách đây gần 1 năm. Làm việc liên quan đến truyền thông đại chúng, chị Trang đọc và tiếp xúc với rất nhiều vụ việc về bắt giữ thực phẩm bẩn. Nhìn tận mắt, thấy tận nơi hay đọc qua báo chí đã giúp chị nâng cao được cảnh giác. Trước đây, chị vẫn nhắm mắt mua thực phẩm ở một số người quen. Nhưng rồi câu chuyện về thịt có chất cấm, rau trồng nghĩa địa hay phun thuốc trừ sâu, gà ăn chất vàng ô... càng khiến chị khiếp đảm. 

Theo lời chị Trang, thực tế rất khó để nhận biết bằng mắt thường các chất độc hại. Cho nên cách hữu hiệu là tự trồng rau hay tìm nguồn cung cấp. Tuy nhiên, việc đưa thực phẩm từ quê lên Hà Nội cũng không phải thường xuyên hàng tuần song chị Trang cho rằng hạn chế mua bên ngoài chừng nào tốt chừng đó cho sức khỏe.

"Khoảng 2 tuần/lần, tôi hoặc chồng lại về quê để lấy rau sạch, trứng, thịt các loại, đưa nhiều lên phố cũng chỉ ăn được 1 tuần. Nếu có việc bận thì cũng phải mua ở chợ dân sinh gần nhà. Nhưng học được các cách lựa chọn thực phẩm nên tôi cũng yên tâm phần nào. Cách tốt nhất là mùa nào thực nấy, không ăn đồ trái mùa. Thực phẩm đưa ở quê lên cũng không phong phú như ngoài chợ nhưng cái được là an tâm, không lo dư lượng thuốc trừ sâu hay trồng không sạch", chị Trang cho hay.

Còn anh Hiệp (Hà Đông, Hà Nội) mấy lần đi chợ thay vợ cũng thường chọn các mớ rau nhiều sâu, không tươi non mơn mởn như cảnh báo. Tuy nhiên, khi về nhà, luộc rau bằng nước sạch, để lâu có hiện tượng nước rau chuyển từ màu xanh non sang màu xanh đậm như mực. Càng để lâu độ trong của rau càng biến mất, thậm chí có lúc anh Hiệp tá hỏa không tin vào mắt mình.

"Mấy lần mua rau về sợ quá, tôi không dám ăn. Từ đó phải tìm mảnh đất nhỏ trong khu đô thị gần nhà chưa được xây dựng để trồng rau. Thêm vào đó, cứ 1 tháng/lần, ông bà hai bên lại gửi thêm rau, thịt gà, thịt lợn sach được nuôi tại nhà lên. Cho nên cả nhà yên tâm phần nào về thực phẩm. Hầu hết các thứ khác vẫn mua ở chợ, nhưng gia đình tôi tránh mua các thực phẩm có màu sắc sặc sỡ", anh Hiệp nói.

Dân công sở đắt khách

Đánh trúng tâm lý chị em công sở bận rộn không có nhiều thời gian lựa chọn thực phẩm, một số người "ăn nên làm ra" nhờ dịch vụ rau sạch cung ứng tận bàn làm việc.

Chị Phương (Quê ở Quảng Ninh) đang làm việc ở một công ty truyền thông mỗi lần về quê lại khệ nệ các loại rau từ rau muống, rau đay, rau xà lách, rau cải...để bán cho chị em đồng nghiệp. Theo lời chị Phương, mức giá bán đắt hơn ở các chợ dân sinh từ 2.000 đồng - 5.000 đồng nhưng nhiều người vẫn mua.

Lý giải cho mức giá này, chị Phương cho biết, số lượng trồng ít, công chăm bón lâu hơn và tiền công hái. "Nếu như rau sản xuất đại trà, số lượng nhiều, công chăm bón ít thì mức giá rẻ hơn. Khách hàng của tôi không chỉ có người trong công ty mà cả người quen nữa", chị Phương nói thêm.

Sợ thực phẩm bẩn nhiều người 'cõng' thực phẩm quê lên phố

Còn chị Hường (quê Hà Nam) cũng dành thời gian 1 tuần/lần về quê gom rau sạch, thịt gà và thịt lợn sạch để cung ứng cho đồng nghiệp. Cơ quan có phòng ăn nên chị tận dụng để làm nơi tiếp thị, dán thông báo hàng tuần. "Tôi bán thế này lấy công làm lãi. Phần vì nhà tôi có thực phẩm sạch để ăn mà mọi người cũng tránh mua phải các loại rau bẩn. Bán hàng ai chẳng muốn lãi nhưng đúng là "nhịn" lãi vì đồng nghiệp. Mỗi kg thịt lãi chưa đến 100.000 đồng, chứ ai dám lấy đắt", chị Hường nói.

Hiện nay, có nhiều điểm bán quảng cáo rau sạch, thịt sạch. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cảnh giác. Sai khi mua về nấu lần đầu tiên cần quan sát chất lượng rau, thịt để quyết định có tiếp tục mua hay không. Khi mua vẫn cần quan sát kỹ chất lượng, đặc biệt tránh mua miếng thịt có lớp bì rất mỏng có thể bị nuôi bằng chất tạo nạc.

 

Mọi ý kiến đóng góp, bài vở, hình ảnh, clip đồng hành cùng Chiến dịch “Chống thực phẩm bẩn” xin quý vị vui lòng gửi về địa chỉ:
Tòa soạn Emdep.vn
Địa chỉ: Tầng 3 - Tòa nhà Đại Phát - Ngõ 82 Duy Tân - Hà Nội
Điện thoại:  0437959783
Email: toasoan@emdep.vn, banbientap@i-com.vn
Hotline: 0914926900

Phương Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Dù 'im hơi lặng tiếng' nhưng Cao Thái Sơn có biệt thự khắp nơi gây choáng

Đọc nhiều nhất