Cách tiết kiệm chi phí cho cặp đôi sắp cưới
2015-10-11 08:21
- Đi du lịch gần, hẹn hò bằng cách nấu ăn và xem phim tại nhà, lập một tài khoản chung,… là những cách các cặp đôi sắp cưới nên áp dụng.
Tin liên quan
Những ngày đầu tháng 10 là thời kỳ cao điểm của mùa cưới. Muốn có một khoản tiền dư giả sau khi kết hôn là điều không phải cặp đôi nào cũng biết. Vì vậy, để tương lai không phải lâm vào cảnh thiếu tiền tiêu, các cặp đôi nên lập kế hoạch tiết kiệm chi tiêu khi chuẩn bị dọn về “góp gạo thổi cơm chung”.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là tới ngày chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) lên xe hoa về nhà chồng. Niềm vui của chị được nhân đôi vì trước thời điểm cưới, chị và ông xã tương lai đã tiết kiệm được một khoản kha khá để dự phòng khi có việc đột xuất chỉ với một vài mẹo nhỏ.
1. Hẹn hò bằng cách nấu ăn và xem phim tại nhà
Khác với các cặp đôi mỗi lần hẹn hò là ra ngoài ăn, tới rạp xem phim; chị Hà và chồng tương lai thường cùng nhau đi chợ mua đồ ăn, tìm những bộ phim yêu thích rồi cùng nhau xem tại nhà. Chị Hà cho biết, sau một thời gian tìm hiểu; hai anh, chị xác định sẽ gắn bó lâu dài nên việc cùng nhau tiết kiệm là điều cần thiết.
“Chúng tôi chỉ ra ngoài ăn và xem phim vào một vài dịp đặc biệt như Lễ tình nhân, ngày sinh nhật của tôi và anh ấy, ngày 8/3;… còn lại chúng tôi hẹn hò tại gia. Làm như vậy vừa tiết kiệm, 2 đứa lại có những khoảng không gian riêng tư, cùng nhau tìm ra sở thích chung mà hẹn hò ở ngoài không bao giờ có được”, chị Hà chia sẻ.
2. Tự tổ chức đi chơi gần để tiết kiệm chi phí
Những ngày rảnh rỗi hoặc dịp nghỉ dài ngày, chị Hà và bạn trai thường cùng nhau đi picnic ở những địa điểm vui chơi xung quanh Hà Nội. Thay vì ăn uống ở ngoài, chị Hà thường tự tay chuẩn bị đồ ăn để 2 người thưởng thức.
“Đến các khu vui chơi, chi phí ăn uống đắt đỏ lại không đảm bảo vệ sinh nên tôi thường dành thời gian chuẩn bị đồ ăn ở nhà rồi mang đi. Nếu đi chơi xa, tôi sẽ chọn nhà trọ bình dân hoặc khách sạn giá rẻ vì cả 2 mới ra trường, lại ăn lương nhà nước nên tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó. Trước mỗi chuyến đi, tôi cũng tự lên kế hoạch tìm kiếm các chương trình khuyến mại như vé máy bay giá rẻ, tour du lịch giảm giá hoặc mua chung tour cùng bạn bè. Đặc biệt, tránh đi chơi vào ngày nghỉ lễ để không phải chịu cảnh đông đúc, đắt đỏ là một trong những tiêu chí hàng đầu trước khi quyết định mỗi chuyến đi của chúng tôi”, chị Hà nói.
Bên cạnh đó, chị Hà và ông xã tương lai cũng đặt ra mục tiêu về tài chính và động viên cùng nhau đạt được mục tiêu đó. Chỉ có làm như vậy, các kế hoạch chi tiêu sẽ rõ ràng và cả hai sẽ điều chỉnh được mức chi để không “lạm chi” vào những khoản không cần thiết.
3. Cùng nhau nấu nướng, tiết kiệm chi phí sinh hoạt
Vì thuê trọ ở gần nhau nên chị Hà và ông xã tương lai cùng nhau nấu cơm, hạn chế đi ăn ngoài. Đối với các loại thực phẩm tươi, ngon, rẻ chị Hà thường dậy sớm đi chợ. Đối với các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như bàn chải, kem đánh răng, xà phòng, dầu gội đầu,… chị Hà thường tìm kiếm các cơ hội nhận hàng khuyến mại hoặc mua 1 tặng 1 để về cả hai anh, chị đều có thể dùng.
"Săn" hàng giảm giá là cách tiết kiệm chi phí phổ biến nhất, đặc biệt là các mặt hàng đồ gia dụng.
Trước khi quyết định mua một món đồ, chị Hà cũng tính toán xem đồ vật đó có sử dụng lâu dài, có thực sự cần thiết. Sau đó, chị lập danh sách những đồ dùng cần mua để tránh mua thiếu đồ. Vì có sở thích đọc sách giống nhau nên hai anh chị cùng đưa ra ý kiến xem mua loại sách gì để khi có hội chợ sách giảm giá sẽ lên danh sách mua và trao đổi sách qua lại.
Ngoài ra, chị Hà và ông xã tương lai cùng nhau lập một tài khoản chung, cả 2 cùng đứng tên sở hữu. Hàng tháng; hai anh chị trích ra một khoản tiền lương cố định cho vào tài khoản để tích cóp để sau này có khoản dư để mua nhà hoặc sử dụng khi có việc cần thiết.
Hoàng Sa
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Điểm danh 6 món chè thanh mát mùa hè mẹ đảm không thể bỏ qua