Bí quyết chi tiêu 200 nghìn đồng/ngày của gia đình 5 người
2015-08-30 08:50
- Nếu biết cách tính toán khoa học, các bà nội trợ sẽ có bữa ăn đầy đủ chất cho gia đình 5 người chỉ với 200.000 đồng/ngày.
Tin liên quan
Những năm gần đây, kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp; việc thắt chặt chi tiêu nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng cho cả gia đình khiến không ít bà nội trợ phải đau đầu. Tuy nhiên, với những bà nội trợ đảm đang, không khó để có mâm cơm đầy đủ thịt, cá, rau củ, hoa quả chỉ với 200.000 đồng cho gia đình 5 người.
Nhà có 5 người, 2 người già, 1 cặp vợ chồng trẻ, 1 trẻ nhỏ; mỗi tháng gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội) chi tiêu 6 triệu đồng tiền ăn (tính ra 200 nghìn đồng/ngày) bao gồm 3 bữa sáng, trưa, tối nhưng vẫn đảm bảo bữa ăn có đầy đủ dinh dưỡng. Để mỗi ngày không phải đau đầu về việc suy nghĩ xem ngày hôm sau ăn gì, chị Quỳnh thường lên thực đơn ăn uống cho cả tuần.
Dậy sớm đi chợ là cách tiết kiệm chi tiêu của nhiều bà nội trợ.
“Là tay hòm chìa khóa chi tiêu trong nhà, giá cả thực phẩm như thế nào tôi nắm rất rõ. Vì vậy, việc lên thực đơn và dự đoán giá cả thực phẩm không hề khó. Hôm nào giá thức ăn có lên xuống 1 vài nghìn, tôi có thể “khéo co” được. Làm như vậy sẽ không bị “lạm chi”, giúp tôi tiết kiệm thời gian đi chợ và chuẩn bị bữa sáng cho ông xã đi làm và một cô con gái nhỏ đi học. Hơn nữa, việc mua thực phẩm tại chợ đầu mối vào sáng sớm, vừa rẻ, lại đảm bảo tươi ngon”, chị Quỳnh nói.
Chị Quỳnh chia sẻ thực đơn đầy đủ thịt, cá trong một vài ngày như sau:
Bữa sáng 40.000 đồng
Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện khiến không ít bà nội trợ lo lắng. Vì vậy, thay vì để các thành viên trong nhà đi ăn bên ngoài, chị Quỳnh chịu khó dậy sớm đi chợ nấu nướng; vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh. Thông thường, chị thường nấu xôi với trứng kho thịt, mỳ tôm thịt bò hoặc cơm rang thập cẩm,…
- Với thực đơn xôi + thịt kho: thịt 15.000 đồng; trứng cút 10.000 đồng, gạo nếp 15.000 đồng. Tổng cộng 40.000 đồng.
- Với thực đơn mỳ tôm thịt bò: Thịt bò 20.000 đồng, rau 3.000 đồng, mỳ tôm 16.000 đồng/5 gói. Tổng cộng 39.000 đồng.
- Hoặc với thực đơn cơm rang dưa bò: Thịt bò 25.000 đồng; cà rốt 3.000 đồng/củ, dưa chua 4.000 đồng, dưa chuột 2.000 đồng/2 quả, trứng vịt 5.500 đồng/2 quả; cơm trắng thường được chị cắm sẵn từ tối hôm trước. Tổng cộng 40.500 đồng.
…
Bữa trưa: 50 ngàn đồng
Do buổi trưa, chồng chị ăn tại công ty nên gia đình chỉ còn 4 người (do trường học ở gần nhà nên trưa chị đón con về nhà ăn cơm). Thực đơn 1 số buổi của chị như sau:
- Bữa trưa ngày 1: Hoa thiên lý xào thịt bò (thịt bò 20.000 đồng, hoa thiên lý 10.000 đồng), trứng tráng thịt (thịt 10.000 đồng, trứng vịt: 5.500 đồng), canh rau ngót 4.000 đồng. Tùy theo rau từng mùa để thay đổi khẩu vị xào với thịt bò.
- Bữa trưa ngày 2: Cá rô phi rán 35.000 đồng/kg (phần đầu và đuôi mua dưa về nấu canh chua, dưa chua 3.000 đồng), cà chua, rau thì là, hành 5.000 đồng; đậu phụ luộc 7.000 đồng/3 miếng.
- Bữa trưa ngày 3: thịt ba chỉ rang cháy cạnh 25.000 đồng/3 lạng, ngao nấu canh chua (12.000 ngao, rau gia vị 8.000 đồng), trứng sốt cà chua 10.000 đồng.
…
Buổi tối: 70 ngàn đồng
Bữa tối là thời điểm cả gia đình đông đủ nhất nên chị Quỳnh cũng chuẩn bị đồ ăn chu đáo nhất.
- Tôm rang 30.000 đồng, thịt chân giò luộc 25.000 đồng (nước thịt dùng để nấu canh), rau cải 5.000 đồng, bí đỏ xào tỏi 10.000 đồng.
- Chả cuốn lá lốt 35.000 đồng, rau muống xào 5.000 đồng (đã có món canh từ rau muống luộc), cá nục sốt cà chua 30.000 đồng.
Tiền hoa quả: 20 ngàn đồng
Hoa quả, chị Quỳnh thường mua theo mùa. Mùa hè có thể mua dưa hấu, dưa lê, vải thiều, mận, thanh long,… Mùa đông củ đậu, cam, quýt,...
Số tiền 200.000 đồng còn lại, chị Quỳnh để mua các loại dầu ăn, gia vị.
(Riêng tiền gạo, gia đình chị Quỳnh đưa vào thành một khoản riêng, không liên quan tới việc chi tiêu hàng ngày).
Bên cạnh đó; tiết kiệm tối đa chi tiêu; các loại gia vị để được lâu như hành, tỏi, mộc nhĩ, nấm hương, bột canh, nước mắm… chị Quỳnh thường mua khá nhiều để tích trữ bởi mua như vậy sẽ rẻ hơn so với mua lẻ. Tuy nhiên, số lượng chị Quỳnh mua cũng chỉ đủ dùng trong 1 tháng để tránh bị hư hỏng.
Việc mua các loại gia vị, đồ kho về tích trữ là một cách giúp tiết kiệm chi tiêu.
Đối với các loại thực phẩm sơ chế lâu, có thể tích trữ ở ngăn đá để tiết kiệm thời gian đi chợ; chị Quỳnh thường mua nguyên con hoặc nguyên cân. Ví dụ, thịt gà có thể mua nguyên con, nem rán có thể mua về chế biến, gói và chia thành 4, 5 bữa; cá nên mua nguyên con về kho chia làm 2 bữa,…
Hoàng Sa
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Bị réo tên trong drama Jack, K-ICM viết tâm thư, tuyên bố không muốn quay về 'thời kỳ đen tối'