Tích trữ thực phẩm là thói quen của nhiều bà nội trợ với quan niệm để cả nhà ăn dần, đỡ thời gian đi chợ... Trong mùa dịch, nhằm hạn chế tiếp xúc với mọi người, không ít chị em cũng chọn cách trữ hàng loạt thực phẩm đủ ăn trong thời gian 1-2 tuần. Đây được xem là giải pháp cần làm trong mùa dịch nhưng nếu không cẩn thận, bà nội trợ vô tình biến tủ lạnh thành "ổ vi khuẩn". Nguyên nhân xuất phát từ thói quen sắp xếp lộn xộn, không sơ chế, để riêng từng loại mà cố nhồi nhét đến lúc đầy ắp,
Nguyễn Thao cho rằng, nhiều người có thói quen đi chợ về là nhét các túi vào tủ lạnh. Điều này khiến cho tủ lạnh lộn xộn, thực phẩm nhanh hỏng.
Mới đây, trên một hội nhóm về bếp núc, có hàng chục ngàn chị em tham gia, chị Nguyễn Thao (sống ở TP.HCM) đã có những chia sẻ bí quyết bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý. Mục tiêu của Nguyễn Thao hướng đến không chỉ giữ thực phẩm tươi lâu, mà còn tạo cho không gian tủ lạnh sự thông thoáng.
Các không gian được bố trí cẩn thận, không nhét đủ loại túi vào từng ngăn.
Trò chuyện với Emdep.vn, chị Thao cho biết, bản thân cũng có thói quen dự trữ thực phẩm từ 3-5 ngày. Sau đó, sẽ lên kế hoạch sử dụng thực phẩm cho từng bữa ăn, tránh thừa phải bỏ đi. "Khi biết tin Sài Gòn thực hiện chỉ thị 16, tôi không quá lo lắng về chuyện thiếu đồ ăn. Lúc đó, tôi lên danh sách thực phẩm và các đồ thiết yếu cần mua để dùng trong một tuần, tức kéo dài hơn so với trước đây nhằm hạn chế đi ra ngoài", chị Thao chia sẻ.
Các loại thực phẩm được chia ra cẩn thận, dễ lấy khi dùng.
Qua quan sát thực tế, chị Thao nhận thấy, nhiều chị em dự trữ thực phẩm nhưng không bảo quản đúng cách dẫn đến tủ lạnh đầy ắp, hơi lạnh không toả được đều, thực phẩm nhanh hỏng.
Chị Thao chia sẻ: "Mọi người thường có xu hướng, sau khi đi chợ về sẽ cho hết đồ vào tủ lạnh. Tuy nhiên, mỗi loại rau, củ, quả khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, nhiêt độ cũng khác nhau. Có những thứ phải rửa sạch trước khi cho vào tủ lạnh, cũng có thứ phải bọc giấy báo...Ngoài ra, vị trí đặt các thực phẩm cũng khá quan trọng, ví dụ: không đặt khoai tây gần hành tây, không đặt chuối, cà chua vào tủ lạnh...".
Chia sẻ bí quyết về cách bố trí các không gian trong tủ lạnh, chị Nguyễn Thao đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm của bản thân"
- Ngăn mát: Hai ngăn trên cùng là đồ có thể ăn ngay, không cần chế biến lâu như: sữa tươi, sữa chua, trái cây, nước ép, đồ ăn nấu chín. Tiếp đến sẽ ưu tiên các hộp rau, củ, quả cỡ nhỏ, sau đó là cỡ trung và dưới cùng là cỡ lớn, để khi mở tủ ra có thể thấy ngay thứ mà mình cần.
- Ngăn đông: Sẽ ưu tiên để đá, kem và các túi zip đựng đồ dự trữ để xay sinh tố ở trên cùng, kế tiếp bên dưới là các hộp đông lạnh đựng thưc phẩm như: thịt, cá, tôm.
- Cửa tủ lạnh: Có để đồ nhưng hạn chế, chủ yếu các chai lọ.
Các loại trái cây như cam, bơ, chuối, xoài... thường được chị Thao để ở giỏ hoặc làn mây, đặt tại góc nhà tạo độ thoáng cho chúng.
"Ngoài ra, khoai lang, khoai tây, hành tây, hành khô, tỏi khô không cho vào tủ lạnh, có thể để trong giỏ riêng bên góc bếp. Cà chua được tôi để trên máy lọc nước. Tôi thích mọi thứ gọn gàng và đẹp mắt nên luôn cố gắng sắp xếp hợp lý nhất có thể, tận dụng mọi góc trong bếp", chị Thao bày tỏ.
Chị Nguyễn Thao chia sẻ một số bí quyết bảo quản thực phẩm và rau, củ trong tủ lạnh cùng độc giả Emdep.vn
1. Tỏi
- Tỏi rửa sạch, thấm khô hết nước
- Xay nhuyễn, cho vào khay đá tổ ong có nắp và cho vào tủ đá 4 tiếng, sau đó lấy ra cho vào lọ thủy tinh rồi để lại vào ngăn đá. Lúc nấu ăn, chị em có thể lấy từng viên ra dùng dần.
2. Hành lá
- Hành lá rửa sạch để ráo nước.
- Một phần cắt nhỏ để vào ngăn đông dự trữ lâu (dùng để chiên trứng, nấu ăn)
- Một phần cắt khúc cho vào hộp có lót giấy, phủ một lớp giấy khác trên mặt hành và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát.
Các loại rau, củ cũng được chia ra riêng biệt đảm bảo độ tươi, ngon.
3. Ớt
- Ớt rửa sạch, thấm khô hết nước
- Một phần để ngăn đông (sử dụng trong nấu nướng)
- Một phần cho vào hộp có lót giấy, phủ một lớp giấy khác trên mặt ớt và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát (làm nước chấm).
4. Giá và đậu phụ
Rửa sạch và cho vào hộp, đổ ngập nước lên giá/đậu phụ.
5. Cà chua
- Cà chua bi: Rửa sạch, thấm khô, để vào hộp có lót giấy và phủ một lớp giấy trên mặt cà chua, bảo quản trong ngăn mát.
- Cà chua loại lớn: Chị em có thể để ở ngoài,với nhiệt độ phòng.
6. Rau xanh
Tất cả đều không rửa nước, cho vào hộp có lót giấy, phủ thêm một lớp giấy trên mặt rau và đậy nắp kín, bảo quản trong ngăn mát.
Các loại rau tươi tuyệt đối không rửa trước khi cho vào tủ lạnh.
7. Cà rốt
Không cần rửa trước, cắt bỏ bớt lá cà rốt vì lá hút ẩm và khiến cà rốt hỏng nhanh. Sau đó, chị em gói cà rốt bằng giấy và cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát.
8. Bí ngòi, ớt chuông, súp lơ xanh
Không cần rửa trước, dự trữ trong túi giấy hoặc gói bằng giấy và cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát.
9. Khoai tây, khoai lang
- Bảo quản ở nơi thoáng khí, tối nhất là ở trong bếp. Chị em có thể để một quả táo vào giữa giúp các củ khoai tây sẽ không mọc mầm. Tuy nhiên, bạn cần tránh để khoai tây gần hành tây do nhanh bị hỏng.
- Khoai lang cũng phải bảo quản ở ngoài, đặt ơi thoáng khí.
Khoai tây, khoai lang, trái cây có thể bảo quản ở góc phòng, có đủ độ thoáng.
10. Thịt, cá, tôm các loại
- Rửa sạch, để ráo nước, chia theo từng bữa ăn để vào từng hộp cho vào ngăn đông.
- Nếu hộp lớn, chị em nên lót giấy nến để ngăn cách các phần, sau này lấy cho dễ.
11. Nguyên liệu làm sinh tố
Các nguyên liệu làm sinh tố đều phải rửa sạch, để ráo nước và cắt nhỏ (chuối, bơ và rau kale), sau đó chia thành từng lần ăn vàoúi zip và bảo quản ở ngăn đông.
Anh Minh
Ngụy trang nốt mụn kém duyên trong vòng 1 nốt nhạc chỉ với 6 bước thần thánh