Từ hai bàn tay trắng đến doanh thu tỉ đô, cuối cùng Forever 21 lại phá sản vì lí do này
Tin liên quan
Giống như Zara, Uniplo và H&M, Forever 21 là một trong những thương hiệu 'thời trang ăn liền' (fast fashion) phổ biến nhất thế giới với chuỗi thời trang phát triển mạnh mẽ, có mặt ở khắp các trung tâm mua sắm và được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Thế nhưng, hào quang này có lẽ chỉ còn trong quá khứ khi mới đây, Forever 21 thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển cho tới lúc phá sản của Forever 21, rất nhiều người đã cảm thấy nuối tiếc cho 'giấc mơ Mỹ' của cặp vợ chồng người Hàn từ bàn tay trắng tạo dựng nên đế chế thời trang nổi tiếng.
Lịch sử sáng lập
Forever 21 (hay F21) là một thương hiệu thời trang bán lẻ quần áo được thành lập vào năm 1984 bởi hai vợ chồng người Hàn Jin Sook và Do Won Chang, có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ. Ban đầu thương hiệu này có tên là Fashion 21 và chủ yếu kinh doanh thời trang cho phái nữ. Sau đó được đổi tên, trở thành công ty thời trang Forever 21. Đến nay, thương hiệu Forever 21 đã mở rộng các sản phẩm đa dạng từ nam, nữ, người lớn và cả trẻ em. Ý nghĩa quan trọng từ tên thương hiệu chính là con số 21. Hãng thời trang lấy ý nghĩa ''Mãi mãi tuổi 21'' nhằm nhấn mạnh sự trẻ trung và thời khắc đáng trân trọng nhất của tuổi trẻ.
Vợ chồng nhà sáng lập Forever 21 Do Won Chang và Jin Sook.
Định hướng phong cách của Forever 21 là sự kết hợp giữa thời trang Hàn Quốc và tinh thần hiện đại của văn hoá Mỹ. Không chỉ đáp ứng đông đảo các tín đồ thời trang có thu nhập trung bình mà Forever 21 còn thu hút giới khách hàng trung lưu trên toàn thế giới.
Quá trình phát triển
Trong suốt quá trình phát triển, dù không ít lần Forever 21 phải đối mặt với khó khăn song hãng này vẫn được công nhận là một trong những thương hiệu bán lẻ thành công và phổ biến nhất thế giới với mức giá hợp lý nhưng đáp ứng mọi nhu cầu của một tín đồ thời trang.
Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của Forever 21 là khâu sản xuất và phân phối. Thương hiệu này đã đặt rất nhiều nhà máy tại các nước Châu Á (mà nhiều nhất là tại Trung Quốc) nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.
Năm 1989, Forever 21 ra mắt cửa hàng trong trung tâm thương mại đầu tiên tại Panorama City, California. Vào năm 2008, hai con gái của Do Won Chang là Linda và Esther tham gia vào công ty với vai trò trưởng phòng marketing. Năm 2010, sau khi ổn định hệ thống thương hiệu tại thị trường Mỹ, CEO Do Won Chang tiếp tục tấn công thị trường Châu Âu. Sau khi chinh phục giới trẻ tại 2 thị trường phát triển nhất thế giới, Forever 21 bắt đầu hướng về Châu Á. Năm 2012, Forever 21 tấn công vào thị trường Trung Quốc đại lục. Năm 2015 là thời kỳ kinh doanh đỉnh cao của Forever 21 với hơn 600 cửa hàng rải rác rộng khắp thế giới và doanh thu lên đến 4,4 tỷ USD. Tình hình kinh doanh thuận lợi khiến hãng tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng và bán các sản phẩm cho nhiều đối tượng chứ không chỉ dừng lại ở giới trẻ.
Một cửa hàng Forever 21 tại Quảng trường Herald ở Manhattan.
Kể từ 2018, các cửa hàng của Forever 21 tại trung tâm thương mại bắt đầu thưa thớt khách. Doanh thu của hơn 800 cửa hàng chỉ còn 3 tỷ USD. Chính sách "rẻ, đẹp, mẫu mã thay đổi liên tục" của Forever 21 chưa đủ để cạnh tranh với những đối thủ cùng tầm như Zara, H&M, Topshop...
Đến năm 2018, Forever 21 có hơn 800 cửa hàng trên toàn cầu.
Forever 21 trở thành thương hiệu toàn cầu nhưng công ty vẫn vận hành theo kiểu gia đình. Do Won Chang giữ chức CEO trong khi bà Jin Sook đảm nhận chức vụ giám đốc bán hàng. Hai con gái Linda và Esther cũng lần lượt nắm giữ chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp của gia đình.
Ông Do Won Chang cùng hai con gái.
Tuyên bố phá sản và nguyên nhân
Mới đây, Forever 21 vừa thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản khiến nhiều tín đồ thời trang bàng hoàng. Theo quyết định trên, Forever 21 sẽ đóng cửa 350 trên tổng số khoảng hơn 800 cửa hàng trên khắp thế giới. Riêng tại Mỹ, sẽ có 178 cửa hàng bị đóng. Hãng cũng cho biết sẽ ngừng hoạt động ở 40 quốc gia tại châu Âu và châu Á với mục tiêu hiện tại là thu hẹp hoạt động và cắt lỗ.
Lý do Forever 21 phá sản bởi thương hiệu bình dân này đang 'kiệt sức' sau quãng thời gian kinh doanh thua lỗ và cạn kiệt vốn.Thời gian qua, Forever 21 đầu tư quá nhiều vào hệ thống cửa hàng tốn kém trên toàn cầu và không kịp thích ứng với xu thế mua sắm online. Trong khi đó, sự ra đời của các nền tảng thương mại điện tử giúp việc mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn, làm suy giảm lượng khách hàng tới trung tâm mua sắm truyền thống. Doanh số bán hàng sụt giảm nhưng chi phí thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại đắt đỏ khiến hãng rơi vào bế tắc.
Bên cạnh đó, Forever 21 cũng trở nên lỗi thời khi không tận dụng được 16 triệu lượt theo dõi đang có trên Instagram, trong khi các thương hiệu cạnh tranh khác liên tục tung ra các chương trình quảng cáo mang tính viral cao trên mạng xã hội.
Trang Instagram của Forever 21 hiện đang có hơn 16 triệu người follow.
Tuyên bố phá sản có thể xem là một giải pháp sống còn cho Forever 21. Theo Linda Chang, phó chủ tịch điều hành của công ty, đây là một bước quan trọng và cần thiết để bảo đảm tương lai của công ty bởi điều này sẽ cho phép các nhà lãnh đạo tổ chức lại hoạt động kinh doanh, tái định vị thương hiệu.
Tuy nhiên, dường như câu chuyện kinh doanh chưa kết thúc tại đây. Theo CNBC, Forever 21 đã nhận được 275 triệu USD từ JPMorgan Chase và 75 triệu USD từ TPG Sixth Street Partners để duy trì hoạt động trong thời gian xin bảo hộ phá sản.
Và bên cạnh đó, đây chắc chắn cũng không phải là điểm dừng chân của Do Won Chang sau những nỗ lực, ý chí trong suốt hơn 30 năm qua mà ông đã thể hiện cho cả thế giới thấy. Ngược lại, câu chuyện của Do Won Chang chính là nguồn cảm hứng dành cho tất cả mọi người có hoài bão, ý chí dám vươn lên thực hiện những ước mơ của mình.
July
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất