'Bí ẩn' nghề sửa hàng hiệu cho quý bà ở Hà Nội
Tin liên quan
Một chiếc túi hàng hiệu giá chục triệu hơi phai màu, cũ hay hỏng một chút vẫn có thể mang đến cửa hàng "tút tát" để lấy lại đẳng cấp. Những tưởng nghề tân trang đồ hiệu là nghề có thể "hốt bạc" dễ dàng và nhanh chóng làm giàu, nhưng người làm nghề này để thành công cũng phải trải qua nhiều cay đắng.
Khách cố gài bẫy khó cho người sửa
Cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng đồ hiệu của anh Đức Thắng (Ba Đình, Hà Nội) cũng từng điêu đứng vì nhận sửa một chiếc túi da có giá hơn chục triệu đồng bị vấy mực bút bi.
Trước khi ký nhận, anh Thắng đã cố cảnh báo trước với vị khách, nếu tẩy mực bút bi sẽ làm da bị đổi màu. Thế nhưng, vị khách vẫn khăng khăng yêu cầu tẩy vết mực để đảm bảo thẩm mỹ bên ngoài.
Sau 2 ngày, vị khách đến nhận túi không những không hài lòng mà còn ném thẳng túi xuống nhà và đòi được bồi thường 10 triệu đồng, vì màu da không được như ban đầu. Thậm chí, vị khách này còn đòi lên mạng xã hội để tố cáo cửa hiệu làm ăn không uy tín.
Chị Ái Như - làm nghề sửa chữa, làm mới áo da hàng hiệu (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không ít lần bị khách "ăn vạ". Chị cho biết, từng có một vị khách đưa chiếc áo da hàng hiệu đến yêu cầu đánh bóng lại. Sờ qua chất liệu của chiếc áo da, chị Như biết da đã bị hỏng, nhăn nhúm do từng "qua tay" một cửa hàng giặt khô, là hơi chất lượng kém.
Một chiếc túi xách hàng hiệu bị rách toạc tưởng như phải bỏ đi nhưng nhờ được sửa chữa đã trở nên lành lặn (Ảnh nhân vật cung cấp).
Chị nhận áo và giải thích rõ với khách chỉ làm mới được 70% so với ban đầu. Thế nhưng khi nhận lại áo, vị khách nhất quyết cho rằng bị cửa hàng lừa đảo khi chiếc áo mang đi "tút tát" không được như ban đầu.
"Vị khách này còn lật các mặt và kiểm tra rất kĩ các mặt áo để tìm kiếm lỗi, không những không trả tiền phí làm mới mà còn đòi bồi thường áo về như lúc mới mua", chị Như ngao ngán kể lại.
Cửa hàng sửa chữa đồ da, giày dép hàng hiệu của anh Tất Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng nhận sửa một chiếc túi da hàng hiệu bị xước của một vị khách. Anh nhận sửa và báo giá 500.000 đồng, thời hạn sửa là 3 ngày và khách hàng đồng ý.
Đến ngày nhận hàng, vị khách "soi" rất kĩ từng chi tiết của túi, vết xước được yêu cầu làm mờ đã gần như biến mất nhưng khách lại chỉ thêm một vết xước nữa ở một góc đáy túi.
"Nhìn qua đã biết vết xước này đã có từ rất lâu rồi. Thế nhưng vị khách kia nhất quyết cho rằng lỗi này gây ra trong quá trình cửa hiệu nhận sửa nên không chịu trả tiền và đòi bồi thường", anh Ngọc lắc đầu kể lại.
5 tháng học các chất liệu hàng hiệu
Anh Xuân Trọng, quản lý chuỗi cửa hàng sửa chữa, làm mới đồ hiệu có tiếng nhất tại Hà Nội cho biết, cửa hàng của anh không ít lần nhận sửa những đôi giày đắt có giá vài chục triệu đồng, những chiếc túi xách có giá gần bằng chiếc xe SH, những chiếc áo da đắt tiền bị ố màu. Vì vậy, bản thân anh và nhân viên phải cẩn trọng từng li từng tí.
Theo lời anh Trọng, đối tượng khách hàng đều là những người có tiền và sẵn sàng "bạo tay" chi tiền mua cũng như bảo dưỡng hàng hiệu.
"Đối với những khách hàng lần đầu tiên đến, họ thường hay nghi ngờ và yêu cầu tôi bảo đảm sẽ trả lại cho họ chiếc túi hàng hiệu còn nguyên vẹn. Để sống được bằng nghề này phải có được niềm tin của khách. Nếu làm ăn tắc trách chắc chắn không thể tồn tại", anh Trọng cho biết.
Tại cửa hàng của anh Trọng, mỗi món đồ hiệu tùy thuộc vào mức độ sửa chữa, bảo dưỡng, làm mới mà có phí dịch vụ khác nhau. Có món đồ khi bảo dưỡng, sửa chữa mất trên dưới vài trăm nghìn nhưng cũng có những trường hợp tốn chi phí tiền triệu.
Anh Trọng cho biết, thị trường sửa chữa đồ hiệu cũng rất "thượng vàng hạ cám", giá cả đắt rẻ khác nhau nên chất lượng cũng khác, khách hàng nên biết chọn mặt gửi vàng.
"Từng có vị khách yêu cầu bảo dưỡng một chiếc túi xách và thay một chốt trên túi bị hỏng. Tổng chi phí là 800.000 đồng, người khách kêu phí như vậy quá đắt. Thật ra để nhập được nguyên liệu tốt của đúng hãng để thay thì giá như vậy là bình thường. Đôi khi khách không hiểu, nghĩ là cửa hàng muốn chặt chém", anh Trọng tiết lộ.
Để có thể hành nghề sửa chữa đồ hiệu, người thợ phải có ít nhất 5 tháng học hỏi tìm hiểu về các chất liệu đồ hiệu (Ảnh nhân vật cung cấp).
Nói về kĩ năng làm nghề cần thiết của thợ sửa chữa đồ hiệu, anh Giang (nhân viên sửa chữa hàng hiệu) cho rằng, người làm nghề này có thể không dùng đồ hiệu nhưng bắt buộc phải biết và hiểu rõ chất liệu làm nên hàng hiệu, những đặc tính, cách xử lý thì mới hành nghề được.
Bởi có rất nhiều loại da, mỗi loại da còn được phân ra rất nhiều lớp. Mỗi sản phẩm được làm nên bởi từng loại da có đặc thù khác nhau, nếu nhầm lẫn giữa các đặc tính da thì khi xử lý có thể khiến sản phẩm bị hỏng. Để làm được vậy, một người thợ phải trải qua ít nhất 5 tháng đào tạo và học nghề.
"Nếu một món đồ bị hỏng bạn có thể bỏ đi, nhưng nếu bạn vẫn muốn sửa thì phải giữ gìn, trân trọng và thậm chí nâng niu nó. Người làm nghề sửa chữa đồ hiệu cũng phải hiểu được điều này, để hết sức cẩn trọng trong việc sửa chữa", anh Giang tâm sự.
Anh chia sẻ thêm, ở mỗi món đồ hàng hiệu luôn đính kèm một dải tem khâu liền sản phẩm, trên đó ghi rõ những thứ phải tránh khi sử dụng như tránh dính nước, tránh nhiệt độ cao, tránh là hơi...
"Nhiều người mang áo da, túi hàng hiệu đi giặt khô là hơi mà không chú ý đến các chi tiết nhỏ này khiến cho món đồ bị hư hỏng, quả thật rất đáng tiếc. Bản thân người làm nghề có khi phải lên mạng tìm hiểu, tham khảo ý kiến người dùng và đọc bình luận trên các diễn đàn để có cách xử lý vết ố, vết xước hay linh kiện hỏng đúng đắn nhất", anh Giang bộc bạch.
Đọc thêm chuyện nghề nghiệp:
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất