Nước ăn chân tay, gãi cả ngày vẫn không yên
2015-09-23 09:27
- Mưa lớn và ngập lụt nhiều ngày qua tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã khiến nhiều người khổ sở khi mắc phải bệnh nước ăn chân tay.
Tin liên quan
Bệnh nước ăn chân tay hay còn gọi là nấm da khi tay và chân phải tiếp xúc với nước thường xuyên. Bệnh này khiến vùng da ở tay hoặc ở chân bị tổn thương, gây ngứa rát, lở loét cho người bệnh. Việc điều trị bệnh này không quá khó khăn, song người dân cần phải lưu ý phòng tránh trong mùa mưa ngập lụt để không bị một số bệnh lây nhiễm khác.
Nhiều người “khóc ròng” vì bệnh nước ăn chân tay
Chị Trần Thị Liễu (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) nhiều ngày qua phải sống trong cảnh nhà bị ngập, không những chị không ngủ được vì lo lắng và lạnh mà còn mắc phải chứng bệnh nước ăn chân. Vì hầu như ngày nào chị cũng phải lội nước đi lại trong nhà và ra đường. Chị Liễu cho biết: “Hiện nay thì nước cũng đã rút gần hết, nhưng tôi lại bị nước ăn chân. Lúc đầu là những vết rộp ở khe các ngón chân nổi lên, sau đó ngứa và loét ra. Cảm thấy rất khó chịu, mặc dù mấy hôm trước đã bôi thuốc nhưng cảnh cứ lội ra lội vào thì bôi thuốc vào cũng phản tác dụng”.
Tuy nơi ở không bị ngập nhưng nước ăn chân chỉ vì ngõ bị ngập sâu, cô sinh viên Hoàng Hạnh trọ ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh hằng ngày đi học vẫn phải xắn quần lội qua ngõ dài 10m. Việc nước tích đọng nhiều ngày, cộng thêm chất bẩn của rác xung quanh đã khiến chân của Hạnh bị nước ăn, nhưng vì phải đi học nên buộc Hạnh phải sống chung với căn bệnh này.
Bệnh nước ăn chân tay khiến nhiều người khổ sở. Ảnh minh họa.
Anh Nguyễn Văn Hà (Hoàng Mai – Hà Nội) làm nghề chạy xe ôm ở khu vực Minh Khai, cũng phải nghỉ làm mấy ngày qua để chữa bệnh nước ăn chân. Anh Hà chia sẻ: “Nghề xe ôm của mình thì nghỉ ngày nào đói ngày đó, nên mặc dù mưa thì mình cũng phải chạy xe để kiếm tiền. Mặc dù đã mặc áo mưa nhưng mình cũng không thể che kín người. Chân và tay vẫn hở ra, chưa kể đi qua nhiều chỗ còn ngập nên chân mình dường như ngâm trong nước nhiều giờ nên mới bị nước ăn chân. Vì ngứa và rát quá nên ngày qua mình đã phải nghỉ làm cho khỏi bệnh đợi đến khi trời nắng ráo rồi lại cày cuốc kiếm tiền tiếp”.
Căn bệnh “trời hơi đất hỡi” này dường như chỉ xảy ra ở một số vùng nông thôn hoặc vùng biển khi người dân nơi đây phải thường xuyên tiếp xúc với đồng ruộng, ao hồ, biển. Nhưng giờ đây, người dân thành phố cũng phải “điêu đứng” khi phải hứng chịu căn bệnh này.
Cách phòng chống bệnh nước ăn chân tay
Theo bác sỹ da liễu Nguyễn Hạnh Nguyên, bệnh nước ăn chân, tay là thuật ngữ không mấy xa lạ từ xưa đến nay. Nguyên nhân là do người bệnh tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm trong nhiều giờ đồng hồ. Dẫn đến vi khuẩn tấn công các vùng da ở kẽ bàn chân, bàn tay. Khiến vùng da bị sưng rộp và lở loét, gây ngứa rát khó chịu cho người bệnh. Triệu chứng này giới y học còn gọi là nấm da.
Để điều trị bệnh này khá đơn giản, người bệnh cần mua thuốc kem trị nấm da lên vùng da bị tổn thương trong vòng 4 ngày thì bệnh sẽ đỡ. Song để điều trị dứt điểm buộc người bệnh phải luôn để chân khô ráo, vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nước. Sau khi tiếp xúc với nước thì cần hong khô chân.
Bên cạnh việc bôi thuốc thì dân gian cũng có nhiều cách chữa nước ăn chân, tay khác như: Dùng lá trầu không, đường phèn đun sôi lấy nước để rửa vết thương, dùng lá kim ngân sắc đặc để ngâm chân; dùng lá chè xanh và lá phèn đen nấu nước đặc để ngâm vết thương. … Cần tham khảo các bài thuốc kỹ trước khi thực hiện để có hiệu quả nhanh nhất.
Để phòng tránh bệnh nước ăn chân, tay cần phải vệ sinh sạch sẽ chân và tay thường xuyên nhất là các kẽ của ngón. Sau khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm thì cần rửa sạch chân, tay và ngâm vào nước muối, việc ngâm chân, tay vào nước muối để diệt khuẩn. Bên cạnh đó cần phải lau khô chân tay sau khi tiếp xúc với nước.
Nếu trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với nước, cần phải trang bị cho mình như ủng chống nước, găng tay. Nhằm ngăn cách chân và tay tiếp xúc với mặt nước, nhất là vùng nước ô nhiễm nặng.
Khi thấy có biểu hiện vệt đỏ, không gãi nhiều. Tránh việc lở loét và tổn thương vùng da trở nên trầm trọng hơn. Trường hợp nếu trong gia đình có người mắc bệnh tránh tiếp xúc như dùng chung tất, giày dép, để hạn chế việc lây nhiễm.
Khi có các triệu chứng bất thường cần tới gặp bác sỹ kịp thời để có phương pháp điều trị, tránh gây tổn thương nặng cho vùng da.Trong trường hợp bệnh khiến người bệnh nóng, sốt thì bắt buộc phải dùng kháng sinh để điều trị.
Vũ Minh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Lựa đồ 'chuẩn chỉnh' theo dáng người, giúp nàng nấm lùn, mi nhon cũng mặc đẹp chẳng kém sao hạng A