Nghỉ lễ 30/4: Đi du lịch vùng núi không biết mấy mẹo này dễ bị muỗi, ong 'quấy rầy'
Tin liên quan
Cẩn trọng với muỗi sốt xuất huyết
TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho hay: “Người lạ khi tới vùng mới (núi, đồi, khu nghỉ dưỡng…) do khả năng miễn dịch vẫn chưa được tốt so với dân bản địa, nếu mắc phải mầm bệnh thì triệu chứng thường rất nặng. Khi đi chơi tại vùng núi, buổi sáng cần phải lưu ý phòng chống muỗi sốt xuất huyết đốt và vào ban đêm thì phải lưu ý tới muỗi sốt rét. Ngoài ra, cần phải lưu ý tới một số loại côn trùng có độc tố như rắn, rết, bọ cạp, ong…”
Trong trường hợp có trẻ nhỏ đi cùng phải luôn đề phòng côn trùng đốt trẻ. Vì trẻ nhỏ dễ hấp dẫn muỗi hơn so với người lớn do tiết mồ hôi nhiều sau khi chạy nhảy. Trong mồ hôi có chứa axit lactic và CO2 nên dễ thu hút muối hơn so với người lớn. Đối với người lớn, người có màu sắc tố da tối thường dễ bị muỗi đốt nhiều hơn so với người da sáng.
Khi đi du lịch vùng núi buổi sáng cần đề phòng muỗi sốt xuất huyết vào ban ngày và muỗi sốt rét vào ban đêm.
Người bị muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết đốt sẽ có triệu chứng sốt cao đột ngột. Trẻ nhỏ đang chơi khỏe mạnh tự sốt cao, sau khi uống thuốc sẽ đỡ nhưng nhanh chóng sốt lại. Trẻ sốt 2 ngày sẽ kèm thêm triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, ăn kém, nhức mỏi người giống như triệu chứng của cúm…Trẻ có thể bị chảy máu chân răng, sốt huyết dưới da…
Đối với bệnh sốt rét, triệu chứng thường sốt cao, rét run, vã mồ hôi… Sốt kéo dài từng cơn trong nhiều tiếng đồng hồ. Người bệnh có thể kèm theo triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
TS Vũ Đức Chính cho biết, trước khi đi du lịch vùng núi cần phải chuẩn bị kem thoa đuổi muỗi. Luôn mặc quần áo dài khi đi chơi, tham quan, buổi tối ngủ cần phải mắc màn. Hạn chế để trẻ chơi một mình ở những nơi có lùm cây, nơi ẩm ướt nơi có nhiều côn trùng, rắn rết...
Xử lý khi bị ong đốt
Cha mẹ khi cho con đi chơi núi cần phải lưu ý tới việc trẻ hiếu động và trèo lên cây dẫn đến bị ong đốt. Khi trẻ bị ong tấn công, cha mẹ cần phải bình tĩnh dạy trẻ che kín vùng đầu. Tuyệt đối không dùng cách giết chết ong càng làm cho chúng hung dữ tấn công mạnh mẽ hơn. Bị ong rừng đặc biệt là ong bắp cày, ong vò vẽ đốt có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Cần phải mang theo thuốc điều trị côn trùng đốt. Nếu bị ong bắp cày, ong vò vẽ đốt cần phải tới bệnh viện gần nhất để hỗ trợ y tế.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, khi bị ong hay côn trùng đốt cần phải gắp bỏ nọc và vệ sinh trên da bằng cồn 70 độ. Vệ sinh xong bôi lên da thuốc mỡ corticoid (Gentrison 4-6 lần/ngày) và Phenaegan (8 – 10 lần/ngày). Khi đi chơi vùng núi, các gia đình nên mang sẵn các loại thuốc trên để sơ cứu khi bị ong và côn trùng đốt.
Trong trường hợp bị ong vò vẽ hay bắp cày đốt cần phải nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. 2 loại ong này có độc tính rất cao, nếu bị đốt ở những vị trí như cổ, mắt, mặt có thể gây phù nề thanh môn dễ tới khó thở. Với những người có cơ địa dị ứng có thể sốc phản vệ và tử vong nhanh chóng.
Để giảm đau đớn khi bị ong đốt cần chườm đá lên vết ong đốt. Nếu có 10 nốt ong đốt trở lên thì cần phải đến các cơ sở y tế để cấp cứu.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất