“Giải nhiệt” bằng bột sắn dây, cho thứ này quá đà coi chừng bị nhiệt miệng, tiểu đường
Tin liên quan
Bột sắn dây có thể phản tác dụng “giải nhiệt” vì lý do không ngờ
Được mẹ chồng gửi cho cân bột sắn dây ướp hoa bưởi bà tự làm, chị Nguyễn Thị Hằng (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) vui lắm.
Chẳng là con trai chị hay bị rôm sảy, còn chồng thì hay bị nhiệt miệng, nên chị Hằng muốn cho chồng con uống bột sắn dây để giải nhiệt. Tuy nhiên, chị không dám mua ngoài vì sợ “Bột sắn dây trôi nổi ngoài thị trường không biết đường nào mà lần, chỉ sợ nhất khâu làm bột kém vệ sinh và pha tạp chất”.
Nhận được bột sắn dây mẹ chồng gửi, chị pha cho con uống mỗi ngày. Để “dụ” con uống, chị đã pha nhiều đường vào cho ngọt. Chị không ngờ sau hai tuần uống bột sắn dây, con có biểu hiện bứt rứt, khó chịu cồn cào như đang nóng trong.
“Ngừng uống bột sắn dây thì con không bị như vậy nữa. Tôi không hiểu sao uống bột sắn dây để giải nhiệt mà con lại có biểu hiện nóng như vậy?”, chị Hằng thắc mắc.
Bột sắn dây là thức uống giải nhiệt khi hè đến. Tuy nhiên, nếu không biết dùng đúng cách thức uống này sẽ phản tác dụng. Ảnh minh họa.
Thời tiết nắng nóng làm cho mọi người có xu hướng tìm đến những món đồ ăn uống có tính mát. Trong đó, dùng bột sắn dây “giải nhiệt”, ngăn ngừa mụn nhọt, rôm sảy, làm mát da dẻ là lựa chọn phổ biến trong các gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng thức uống này đúng cách.
Trao đổi với PV Em Đẹp, TS. Hồ Thu Mai, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Vinmec khẳng định bột sắn có tính hàn, giải nhiệt rất mạnh. “Nhưng nếu thường xuyên uống bột sắn dây cho quá nhiều đường sẽ chính lượng đường đó sẽ khiến bột sắn dây phản tác dụng, gây nhiệt miệng, nguy cơ béo phì, tiểu đường”, TS. Hồ Thu Mai lý giải.
Điểm mặt những sai lầm dễ mắc khi uống bột sắn dây
Theo TS. Hồ Thu Mai, sắn dây là thức uống dễ uống nhưng uống không dễ. Có một số sai lầm nhiều người dễ mắc phải khi uống bột sắn dây.
Ngoài sai lầm cho quá nhiều đường còn phải kể tới thói quen uống bột sắn sống vì nghĩ uống như vậy sẽ tận dụng được tính mát của bột sắn.
“Bột sắn dây thường được chế biến thủ công. Cho nên, trong quá trình lọc tinh bột sẽ có thể không lọc hết tạp chất, tinh bột sắn nhiễm khuẩn. Để phòng nguy cơ đau bụng, tiêu chảy, tốt nhất nên pha bột sắn với nước sôi để làm chín bột sắn, không nên pha với nước nguội”, TS. Hồ Thu Mai khuyến cáo.
Nên pha bột sắn bằng nước sôi hoặc nấu chín khi ăn và ăn với liều lượng vừa phải. khi đó, bột sắn dây sẽ phát huy tác dụng giải nhiệt. Ảnh minh họa.
Có người lại cho rằng uống càng nhiều bột sắn dây thì càng có tác dụng giải nhiệt mùa nóng mà không biết đây là một việc làm sai lầm.
TS. Hồ Thu Mai khuyên: “Không uống quá 1 ly/ngày và chỉ nên cho thêm một chút đường. Với phụ nữ có thai, nếu cơ thể bị nóng thì đây là một thức uống giải nhiệt tốt. Nhưng nếu thai phụ cảm thấy mệt mỏi, bị động thai thì tuyệt đối không nên uống vì tính lạnh của sắn dây càng khiến bà bầu thêm mệt, tăng co bóp dạ con”.
Có không ít người nghĩ chè nấu từ bột sắn có thể “ăn trừ cơm” đặc biệt là những ngày hè nóng nực. TS. Hồ Thu Mai bày tỏ không nên chè bột sắn là món ăn chính trong ngày hè.
Bởi mặc dù có tính giải nhiệt tốt nhưng xét về mặt dinh dưỡng, bột sắn có năng lượng rất ít. Trong 100g bột sắn dây, protein chiếm 0,7 g; glucid 84,3 g; canxi18 mg; sắt 1,5 mg. Hàm lượng dinh dưỡng thấp nên các món ăn từ bột sắn chỉ là “ăn thêm”, “ăn chơi”. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, chè bột sắn không thể thay thế cho bữa ăn chính của trẻ.
“Mẹ chỉ nên cho trẻ ăn bột sắn khi trẻ được trên 6 tháng tuổi. Có thể chế biến đa dạng món ăn cho trẻ như nấu bột sắn cùng chè ngô non, đậu xanh, đậu đen rất mát và dễ tiêu hóa. Không cho ăn lúc đói vì có thể gây hội chứng “say” sắn”, TS. Mai nhấn mạnh.
Cách đơn giản để nhận biết bột sắn thật:
- Cho bột vào nước và sờ tay vào bột thấy mịn hoàn toàn, không có hạt sạn.
- Khi hòa với nước lạnh, bột phải tan hết, để tầm 2 phút vẫn không lắng cặn.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất