Trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ chần chừ coi chừng hối không kịp

Trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ chần chừ coi chừng hối không kịp

Kim Anh 2016-06-03 09:21
- Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm thường gặp vào mùa hè. Nếu không được chữa trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể gặp phải biến chứng như sốc, suy hô hấp, suy gan, suy thận, tổn thương đa cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong.

Suýt mất con vì một phút chần chừ

Sáng ngày 31/5, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, đã cứu sống bé trai tên L. T. Đ. K. 7 tuổi, ngụ tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Bé bị sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 bé có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh nên người nhà đưa bé nhập bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốc sâu, huyết áp tụt, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, suy đa cơ quan bao gồm suy gan, suy thận, tổn thương phổi, hôn mê. Sau nhiều lần giành giật từng giờ từng phút với lưỡi hái thần chết, bé đã vượt qua nguy hiểm để bình phục.

Trường hợp bé Bin, con trai chị Nguyễn Thu Ngọc (32 tuổi ở Giảng Võ, Hà Nội) mới chỉ hơn 1 tuổi đã được mẹ cho uống hàng chục loại thuốc kháng sinh, hạ sốt ... chỉ vì bệnh sốt xuất huyết. Bé Bin bị sốt cao liên tục nhưng chị Ngọc nghĩ là con ốm sốt do thay đổi thời tiết nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt. Thấy bé không đỡ, chị lại tiếp tục cho con uống kháng sinh. Đến ngày thứ 4, người bé bắt đầu nổi mẩn đỏ, sau đó nôn ói chị mới hốt hoảng đưa con đến bệnh viện. Được biết con bị sốt xuất huyết, để chậm một chút nữa thì sẽ biến chứng khó lường, chị vô cùng xót xa, ân hận vì sự chủ quan của mình. Bác sĩ còn cho biết thêm, tình trạng của bé chuyển biến nặng còn do chị Ngọc cho con uống thuốc kháng sinh, trong khi loại thuốc này không được dùng cho bệnh sốt xuất huyết.

Trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ chần chừ coi chừng hối không kịp

Ảnh minh họa.

Cũng suy nghĩ đơn giản như chị Ngọc, chị Hoa (ở Đồng Nai) khi thấy con sốt lại tưởng chỉ là cảm mạo bình thường, tự ý mua thuốc cho uống. Sau 3 ngày bé không hết sốt mà rơi vào trạng thái mê man li bì. Chị vội đưa con đến bệnh viện thì được các bác sĩ cho biết bé bị sốc sốt xuất huyết khiến suy đa cơ quan và xuất huyết nội tạng ồ ạt. Sau 3 tuần chăm sóc đặc biệt, cháu đã có thể tự thở mà không cần máy.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh này lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu truyền từ người này sang người khác. Bệnh phát triển mạnh nhất vào mùa mưa tháng 7, tháng 8.

Đây là một bệnh nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ vì sức đề kháng yếu, làm việc chuẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn hơn người lớn. Có nhiều trường hợp nhập viện quá muộn khiến bệnh nhân suy đa cơ quan gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị và đe dọa tính mạng của trẻ.

Trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ chần chừ coi chừng hối không kịp

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết gồm 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, có trường hợp lên đến 15 ngày, sau đó xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị không kịp thời.

Bệnh khó phát hiện, các triệu chứng ban đầu tương tự với các bệnh nhiễm vi-rút khác như sốt siêu vi, sốt phát ban.… Ở trẻ em, thường có triệu chứng đau họng và đau bụng. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thì hạ sốt và thường có xuất huyết nhẹ dưới da, đầu tiên ở thân mình và lan dần đến mặt, lòng bàn tay, chân và lòng bàn chân. Nặng hơn có thể xuất huyết tiêu hóa và sốc.

Cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh

Sốt xuất huyết ở trẻ nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao. Nếu phát hiện bé có những biểu hiện của sốt xuất huyết, chúng ta nên:

- Đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chữa trị. Trong trường hợp bé không có dấu hiệu nặng sẽ được bác sĩ đề nghị chăm sóc và tiếp tục theo dõi tại nhà. Khi đó, bố mẹ cần làm theo những hướng dẫn chi tiết của bác sĩ.

- Hạ sốt cho bé đúng cách: Khi bé sốt cao ≥ 38 độ C, cho bé uống thuốc hạ sốt, lặp lại 4-6 giờ một lần nếu trẻ còn sốt, lau mát bằng nước ấm để hạ sốt, tránh biến chứng gây co giật.

- Cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem. Ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa và đầy đủ dinh dưỡng như cháo, súp, sữa…

- Cho bé uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải do sốt cao. Đồng thời uống nhiều loại nước thích hợp là nước lọc, nước cam, chanh, nước dừa… để bổ sung thêm lượng vitamin C, giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trên cơ thể.

Ngoài ra, không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen (có thể gây chảy máu dạ dày) và ăn, uống những thực phẩm có màu đen hoặc đỏ (dễ lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ).

Cách phòng tránh sốt xuất huyết

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, chúng ta cần tích cực diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng), vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng, thường xuyên lau chùi, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng. Đồng thời cho bé mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, tránh xa những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng và bôi thêm kem chống muỗi cho bé trong trường hợp cần thiết.

Kim Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 bài tập đơn giản trước khi đi ngủ giúp nàng "lười chảy thây" cũng có eo thon, chân dài

Đọc nhiều nhất