Thực hư hình ảnh sán nhung nhúc trên cơ thể do thói quen ăn tiết canh không đảm bảo vệ sinh

Thực hư hình ảnh sán nhung nhúc trên cơ thể do thói quen ăn tiết canh không đảm bảo vệ sinh

2018-04-20 06:45
- Theo các bác sĩ, để biết chính xác hình ảnh X quang trên của bệnh nhân có phải do sán lợn gây nên hay không cần phải dựa vào kết quả xét nghiệm, khám bệnh và tập quán ăn uống của bệnh nhân.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về “người gạo” do sán nhung nhúc khắp cơ thể. Toàn bộ hình ảnh cơ thể chụp trên phim Xquang của bệnh nhân cho thấy nang sán đóng kén khắp mọi nơi trên cơ thể.

Hình ảnh này khiến cho rất nhiều người xem bức ảnh tỏ ra kinh hãi, rợn người. Chủ nhân đăng tải bức ảnh này chia sẻ nguyên nhân khiến cơ thể người biến thành “ổ sán” là do thói quen ăn tiết canh và rau sống. Được biết, tấm phim Xquang trên của bệnh nhân được chụp cách đây không lâu vào 16/04/2018.

Ngoài những lời bình luận tỏ ra sợ hãi vì sán lợn, rất nhiều người cũng có những ý khiến nghi ngờ rất có thể hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội đã được photoshop để câu like…

Rợn người với bức ảnh sán núc ních khắp cơ thể

Hình ảnh nang sán được chia sẻ trên mạng xã hội.

Bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám và Điều trị chuyên ngành Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho hay hình ảnh của bệnh nhân trên tấm phim Xquang trên rất có thể là do nhiễm sán, nang sán làm tổ ở cơ, hình ảnh trên phim có những vệt trắng là các đốt nang sán.

Trước đây, khoa Khám và Điều trị chuyên ngành của Viện sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương đã từng gặp bệnh nhân bị sán đóng kén ở cơ nhưng hiện nay rất hiếm gặp. Hầu hết các trường hợp sán lợn làm tổ trên não khá nhiều, điều trị rất khó khăn.

“Có những bệnh nhân bị sán làm tổ trên não hư mắt sàng khiến cho bệnh nhân bị lên cơn co giật (động kinh), gia đình đưa đi chữa tâm thần không khỏi. Sau này, bệnh nhân mới được phát hiện bị sán lợn làm ổ trên não được. Sau khi được điều trị sán não, bệnh nhân không còn lên cơn động kinh”, bác sĩ Thọ nói.

Theo bác sĩ Thọ, sán lợn tại cơ hiện nay rất hiếm gặp. Vì vậy, để biết chính xác hình ảnh X quang trên của bệnh nhân có phải do sán lợn gây nên hay không cần phải dựa vào kết quả xét nghiệm, khám bệnh và tập quán ăn uống của bệnh nhân.

Không ăn thịt sống, rau sống

Nguyên nhân mắc sán lợn là do ăn phải trứng của sán lợn từ phân người bị mắc sán lợn đào thải ra môi trường thông qua thực phẩm, rau, quả, nước bị nhiễm trứng sán lợn, hoặc thói quen ăn thịt lợn chưa nấu chín, ăn tiết canh, nem chua, nem chạo, thịt sống bóp thính…

Trường hợp bệnh nhân bị sán cơ quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Những trường hợp nặng bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật khi gây đau do chạm vào dây thần kinh.

Bác sĩ Thọ cho hay: “Để phòng các bệnh sán và ký sinh trùng, mọi người không ăn thịt lợn sống, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo…), không ăn rau sống, thực hiện ăn chín uống sôi. Tại các vùng nông thôn cần phải quản lý phân, dùng nước sạch trong sinh hoạt và ăn uống. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước và sau khi ăn…”.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra việc ăn cá sống hoặc chưa chín kỹ có thể dẫn tới nhiều chứng nhiễm khuẩn do ký sinh trùng.

Năm 2014, tại Trung Quốc một người đàn ông đã “sốc” khi được phát hiện hàng trăm con sán dây trong cơ thể do sở thích ăn sashimi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng và ngứa ngáy khắp người. Kết quả chụp X-quang cho thấy hàng trăm con sán dây đang bò khắp cơ thể bệnh nhân gây nên tình trạng khó chịu trên, may mắn là bệnh nhân này không bị sán tấn công lên não.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


9 bức ảnh khiến bạn muốn xách ba lô đến Malaysia ngay lập tức

Đọc nhiều nhất