Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ "tấn công" chị em công sở
Tin liên quan
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Khoảng 2 tháng trước, chị Thanh Vân (Gia Lâm – Hà Nội) thấy mình bị đau cứng vùng cổ. Nhưng do chủ quan nên chị cũng không đi khám ngay mà chỉ bóp thuốc, dán cao dán. “Tôi tưởng hôm đó bị trúng gió mới đau cổ như vậy nên không đi khám. Nào ngờ càng ngày càng đau, tôi đành đi chiếu chụp xem sao” - Đó là lời tâm sự của chị Vân. Chị bị đau mỏi hết vùng vai gáy, cổ không thể quay đi quay lại được một cách bình thường. Khi không thể chịu đựng được nữa, chị mới quyết định đi khám để tìm ra bệnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa đốt sống cổ, cần phải điều trị gấp.
Chị Vân vì thế mà phải nghỉ mất cả tuần làm việc để chữa trị. Sau một tuần đến cơ sở y tế để làm thủ thuật kéo giãn cơ cổ, chị Vân đã dần hồi phục nhưng chưa hết liệu trình điều trị chị đã bỏ dở. Chị chủ quan nghĩ là bệnh đã khỏi nên không chữa nữa. Được một thời gian sau, chị lại thấy mình bị đau cứng khớp bả vai, không thể giơ tay lên cao hay cho tay ra sau được nữa. Tá hỏa đi khám, chị mới biết mình bị biến chứng từ bệnh thoái hóa đốt sống cổ, dẫn tới dính khớp ổ bả vai. Lúc này, chị mới hối hận vì coi nhẹ bệnh tình mà phải chịu đựng đau đớn, ảnh hưởng tới cuộc sống. Bệnh này phải mất một thời gian dài điều trị mới có kết quả.
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ, dẫn đến đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ. Bệnh này thường gặp ở những đối tượng phải ngồi lâu 1 chỗ, ít vận động, ngồi làm việc với tư thế sai, người thích gối đầu thật cao khi ngủ, nằm xem TV gác đầu lên thành giường…
Ngoài ra, bệnh này còn có thể phát sinh khi cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết nóng chuyển lạnh, đang ở ngoài trời nóng bước vào phòng lạnh một cách đột ngột… Khi đó, khí huyết sẽ bị ứ trệ, giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu và dẫn đến hiện tượng đau.
Lưu ý: Châm cứu bấm huyệt kết hợp với những bài tập phù hợp là phương pháp hữu hiệu đối với căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Bệnh thoát vị đĩa đệm
Một căn bệnh khác mà nhiều chị em văn phòng cũng hay mắc phải đó là bệnh thoát vị đĩa đệm. Căn bệnh này nguy hiểm hơn gấp nhiều lần so với bệnh thoái hóa đốt sống cổ kể trên.
Mấy tháng trước, chị Thanh Hà (Mễ Trì – Hà Nội) đến bệnh viện kiểm tra sau 1 tuần nằm bẹp vì đau lưng. Nằm ở nhà, chị chỉ nghĩ mình bị trẹo lưng do xách xô nước nặng hôm đó chứ không nghĩ mình bị thoát vị đĩa đệm. “Đầu tiên, tôi thấy đau nhức vùng thắt lưng, xong có cảm giác tê bì dọc thắt lưng xuống tận chân và mông. Càng nằm nghỉ ngơi tôi càng thấy tình trạng nặng hơn” – chị Hà nhăn nhó kể tình trạng bệnh của mình.
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân dẫn đến đau đốt sống cổ, đau đốt sống thắt lưng, chân tay… Bệnh là do đĩa đệm cột sống bị dịch chuyển chệch ra khỏi vị trí giữa các đốt sống, từ đó gây chèn ép vào tủy sống và các dây thần kinh khiến cho người bệnh bị đau đớn.
Mỗi lần đau có thể kéo dài từ 1 – 2 tháng. Bệnh sẽ tái phát nhiều lần nếu không được điều trị dứt điểm. Thoát vị đĩa đệm ở dạng nhẹ có thể chỉ là cảm giác đau âm ỉ, nhưng khi chuyển nặng thì người bệnh sẽ phải chịu những cơn đau dữ dội, nhất là mỗi lần cúi, bị ho hoặc hắt xì. Bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ sẽ gây đau ở vùng cổ, lan dần xuống cánh tay, tê bì, mất cảm giác ở bàn tay… Bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng thì sẽ đau vùng thắt lưng và dây thần kinh liên sườn. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tê, đau đớn ở vùng mông, bàn chân, không thể cúi thấp. Nếu bệnh không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng teo chân và bị liệt.
Lưu ý: Trong trường hợp người bệnh quá đau đớn thì phải nằm bất động và có thể nằm nghiêng về bên ít đau hơn để giảm đau đớn. Người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị đúng cách.
Những lưu ý để hạn chế mắc phải bệnh văn phòng
Đầu tiên, bạn cần giữ gìn bảo vệ sức khỏe của mình. Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột vào sáng sớm hoặc bị lạnh khi vừa bước vào phòng điều hòa.
Ngồi làm việc đúng tư thế, trong quá trình làm việc phải có thời gian nghỉ ngơi, đi lại để cơ thể được thoải mái.
Chú ý các thói quen, tư thế ngồi: không ngồi cong vẹo làm ảnh hưởng tới cột sống, mang vác vật nặng hàng ngày không đúng tư thế. Thay vì cúi xuống để nhấc vật gì đó, bạn nên từ từ ngồi xuống, ổn định tư thế rồi mới cầm nắm để nhấc vật đó lên.
Tập thể dục đều đặn, áp dụng những bài tập phù hợp với tuổi tác của mình.
Khi thấy có bất kì dấu hiệu đau vai gáy, đốt sống cổ, đau vùng thắt lưng, tê bì chân tay… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để khám chữa kịp thời. Tránh tình trạng chủ quan, tự mua thuốc về xoa bóp, dẫn đến bệnh không khỏi mà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Hạnh Vân
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất