Sau mưa lớn cần cẩn thận với loài động vật này để không bị ngộ độc do ký sinh trùng bám lên cây, rau
Tin liên quan
Nhầy nhớt ốc sên bám trên rau có thể có độc tố
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ thông tin ăn các loại rau khi ốc sên đã từng ăn hoặc bò qua có nguy cơ bị nhiễm độc rất cao. Vào mùa mưa, ốc sên thường xuất hiện nhiều và người dân phải hết sức cảnh giác.
Để hiểu rõ hơn về nguy cơ có thể nhiễm độc tố từ nhầy nhớt ốc sên để lại sau khi ăn rau, củ, quả… phóng viên đã nhờ tới sự tư vấn của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện nghiên Cộng nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội).
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, ốc sên nói riêng và ốc nói chung là động vật nhuyễn thể một mảng vỏ, sống trên cạn và dưới nước. Riêng đối với ốc sên sống trên cạn thường tàn phá cây cối, rau, cỏ, hoa vào ban đêm. Ban ngày ốc sên thường ẩn kín trong các khe, bụi cây, hốc cây hoặc chui xuống đất. Đặc biệt vào mùa mưa, ốc sên phát triển rất nhanh và nguy cơ gieo rắc nhiều bệnh tật nguy hiểm cho con người.
Ốc sên không có độc nhưng có nguy cơ bị nhiễm độc tố thuốc sâu, kim loại nặng từ môi trường bên ngoài. Trong chất nhầy của ốc tiết ra khi bám vào rau, quả sẽ có độc tố và cả ký sinh trùng gây hại cho cơ thể.
Người làm nông nghiệp thường phải diệt ốc sên với hai mục đích bảo vệ mùa màng và phòng chống nguy cơ cây cỏ nhiễm độc tố.
Xét về bản chất ốc sên không phải là động vật chứa độc tố nhưng do nó là động vật ăn tạp, ăn mọi thứ gặp trên đường đi. Cho nên, loài động vật này có thể ăn cả những cây cỏ có chứa thuốc bảo vệ thực vật, nấm độc, độc tố kim loại nặng trong đất.
“Do thường bò dưới đất nên ốc sên có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, giun sán rất cao”, PGS.TS Thịnh nói.
Sau trời mưa, ốc sên thường bò ra để kiếm ăn. Khi ốc sên ăn rau, bò trên cây thường để lại một lượng nhầy nhớt nhất định. Nhầy nhớt của ốc sên có đặc tính bám dính rất chắc vào rau, cây, quả. Trong nhầy nhớt của ốc sên thường có chứa các ký sinh trùng, vi khuẩn độc tố kim loại nặng. Có thể gây ra những bệnh cấp tính cho con người.
“Khi chất nhớt bám vào rau thường rất khó rửa đặc biệt là đối với các loại rau ăn sống, nguy cơ bị nhiễm độc tố, ký sinh trùng từ ốc sên là cao”, PGS.TS Thịnh cho hay.
Chú ý giun mạch ở ốc sên
GS.TS Phạm Nhật An, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay, đối với động vật nhuyễn thể cần lưu ý tới loại giun mạch ký sinh.
Trong các loại ấu trùng thì giun mạch xếp ở vị trí hàng đầu gây ra bệnh cho con người. Ấu trùng giun mạch có ở ốc sên khá phổ biến.
Ốc sên có ký sinh trùng do bò khắp nơi, những nơi nó đi qua có thể để lại ấu trùng giun. Người ăn phải thức ăn có nhiễm ký sinh trùng từ ốc sên, ấu trùng sẽ đi vào đường tiêu hóa, xuyên qua thành ruột, vào máu, di chuyển đến các mô, tổ chức khắp cơ thể, đặc biệt tập trung ở não gây ra gây ra tổn thương não, màng não, thần kinh trung ương, mạch máu đáy mắt và dẫn đến viêm não, màng não cấp tính.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên hạn chế ăn rau sống để phòng tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng không chỉ từ ốc mà còn từ các loại động vật, côn trùng khác. Riêng đối với ốc sên, tuyệt đối không nên dùng để chế biến món ăn hay bài thuốc chữa bệnh, đắp mặt làm đẹp…
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất