Sáng nắng chiều lạnh, tập thói quen này sẽ không lo vật vã với trận ốm nào trong tiết giao mùa
Tin liên quan
Thời tiết những ngày này phổ biến kiểu sáng se lạnh, trưa nắng nóng và chiều trở lạnh. Đây là kiểu thời tiết rất dễ dẫn đến ốm, cảm cúm do cơ thể phải thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng. Nhưng với những người mẫn cảm hoặc sức khỏe yếu, đề kháng thấp rất dễ bị mắc phải.
Chị Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) suốt 2 tuần này đi đâu cũng kè kè theo áo khoác. Mặc dù hơi lỉnh kỉnh nhưng chị Thúy cho rằng cẩn thận sẽ không lo bị ốm đột xuất. Thông thường vào dịp chuyển mùa xuân sang hè và hè sang thu, là hai thời điểm nhiệt độ trong ngày có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, mới đây do chủ quan thấy buổi sáng không lạnh nên chị Thúy để áo khoác ở nhà. Cuối giờ chiều, khi hết giờ làm thấy gió lạnh mạnh hơn, chị Thúy mặc mỏng manh đi về do nghĩ không sao.
"Sau khi đi gần 10km về nhà, tôi không có vấn đề gì. Nhưng đêm hôm đó bị cảm lạnh, phải hạ sốt suốt đêm. Chỉ vì chủ quan mà tôi phải khổ sở, mệt mỏi kéo dài cả tuần", chị Thúy cho biết.
Có con đang học mẫu giáo, dù con không thích mặc áo khoác khi thấy trời nắng nhưng anh Toàn (Linh Đàm, Hà Nội) vẫn luôn mang theo cho con áo khoác và khăn quàng đề phòng trời trở lạnh vào chiều tối. Sở dĩ anh Toàn và vợ chú ý điều này do con trai anh có sức đề kháng yếu, dễ bị viêm phế quản.
"Chiều tối, trời thường lạnh hơn, người lớn có lúc còn sụt sịt nữa là trẻ nhỏ. Nhiều nhà mang áo cho con để ở lớp nhưng lại thiếu khăn quàng nên về nhà bé vẫn có thể bị viêm họng", anh Toàn cho hay.
Chú ý gì với thời tiết thay đổi thất thường?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay, những ngày thời tiết chuyển mùa nguy cơ ốm dễ hơn. Nguyên nhân do một ngày có thể có nhiều kiểu thời tiết, nóng - lạnh thất thường khiến cơ thể không thích nghi kịp.
"Thói quen chủ quan của nhiều người là nghĩ nắng to, trời ấm không cần trang bị khăn, áo khoác. Nhưng đến chiều, nhiệt độ sẽ hạ 3-4 độ C, trời lại lạnh hoặc có gió. Đây là thời điểm cơ thể mệt mỏi sau một ngày làm việc, học tập, nếu đi giữa trời gió và áo mặc mỏng manh rất dễ bị cảm lạnh. Nếu quá trình này kéo dài dễ dẫn đến ốm", bác sĩ Giàu cho hay.
Theo bác sĩ Giàu, thông thường buổi sáng những ngày này có khi có nắng nhưng nhiệt độ vẫn thấp do trên nền nhiệt của các đợt không khí lạnh nhỏ cuối mùa. Vì vậy, không chỉ mặc áo khoác buổi chiều mà ngay cả sáng sớm đi làm cũng cần mặc ấm.
"Nếu cẩn thận vẫn cần quàng khăn, đi tất chân... Với trẻ nhỏ vẫn cần giữ ấm đầy đủ, do cơ thể trẻ còn yếu, các hệ cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh để chống chọi lại điều kiện bên ngoài", bác sĩ nhấn mạnh.
Trang phục mặc trong những ngày có kiểu thời tiết sáng nắng, chiều lạnh vẫn cần kín cổ, chất liệu dày. "Không nên vì thấy thời tiết đã hơi nóng mà ăn mặc mỏng manh, tác động thấy rõ nhất là khi về chiều hoặc đêm muộn", bác sĩ nói.
Dù người lớn hay trẻ nhỏ, thời điểm chuyển mùa cũng như nóng lạnh thay đổi trong ngày liên tục cũng khiến cho hệ hô hấp bị tác động nhiều nhất. Do đó, giải pháp quan trọng là chuẩn bị khẩu trang để đeo khi ra đường. Đây cũng là cách để ngăn ngừa bụi, vi khuẩn tồn tại lơ lửng trong không khí.
"Nóng lạnh thất thường khiến ai cũng có nguy cơ bị ốm. Nhưng để cho bản thân thích nghi được lại cần sự thay đổi trong chế độ ăn để có được sức đề kháng tốt. Trong đó, chú ý phối hợp dinh dưỡng trong bữa ăn, bổ sung thêm chất đạm, các đồ ăn có tính nóng hoặc gia vị bổ sung như ớt, gừng để giúp giải cảm", bác sĩ khuyên.
Phương Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất