Phòng sốt xuất huyết: Chỉ cần loại cây dân dã này, nhà bạn sẽ đuổi được muỗi hiệu quả
Tin liên quan
Đang sinh sống ở quận Hà Đông nơi có ổ dịch sốt xuất huyết, bác Đặng Thị Mai hạn chế các cháu nhỏ trong nhà không cho ra đường chơi nhất là chiều tối. Theo bác Mai, tâm lý sợ trẻ nhỏ ra đường chơi muỗi đốt sẽ mang bệnh. Tại nhà bác Mai còn áp dụng dùng nước cây sả nấu lên lau nhà để xua muỗi. Tại một số nơi ẩm ướt trong nhà, bác Mai còn dùng lá sả khô rải lên mặt sàn
Ngoài ra, bác Mai còn sắm thêm đèn đốt tinh dầu bạc hà thắp vào buổi tối khi đi ngủ. Bác Mai cho biết, nhờ cách thực hiện này mà nhà bác hầu như không có con muỗi nào trong nhà. Vậy cây sả có thể đuổi được muỗi hay không?
Bí quyết xua muỗi của bác Mai là đèn tinh dầu và sả.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế cho hay, trong tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, muỗi đẻ trứng ngay cả ở những nơi khô thì khi có nước sẽ phát triển. Người dân dùng các phương pháp dân gian đuổi muỗi là nên làm. Có thể dùng tinh dầu sả, dầu bạc hà thắp để xua muỗi. Tuy nhiên, vẫn cần phải vệ sinh nhà cửa hàng ngày, úp các dụng cụ chứa nước, phát quang bụi rậm, không để các hố nước tồn đọng sau mưa…
Tinh dầu sả và tràm có hiệu quả?
Nói về khả năng chống muỗi của cây sả, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho hay, sả là loại cây được dùng trong dân gian từ rất lâu. Trong cây sả có một lượng tinh dầu nhất định có khả năng xua đuổi côn trùng, muỗi. Thời xưa, khi chứa có thuốc diệt muỗi người dân thường nấu một nồi nước sả để trong nhà. Ở những nơi xó nhà, góc nhà, gầm giường, trên tường… thường để lá sả khô để đuổi muỗi.
Hiện nay khoa học phát triển, con người đã chế được tinh dầu sả. Người dân sống ở khu vực có nhiều muỗi ngoài phát quang bụi rậm, ngủ bỏ màn có thể dùng tinh dầu sả để xua đuổi muỗi ra khỏi nhà. Đặc biệt, là muỗi gây bệnh sốt xuất huyết có đặc tính thích sinh sống quanh nhà.
“Dùng tinh dầu sả lau nhà vừa có tính sát khuẩn, vừa đuổi được muỗi. Mùi thơm của sả còn giúp thư giãn và ngủ sâu giấc”, PGS.TS Thuần nói.
Ngoài cây sả, PGS.TS Thuần cho biết, tinh dầu tràm cũng có khả năng đuổi muỗi rất tốt. Cách đây hàng chục năm, để phòng muỗi sốt rét trong rừng, nhiều người dùng dầu tràm. Dầm tràm không chỉ có đặc tính đuổi được muỗi và côn trùng còn phòng các bệnh cảm cúm rất tốt vì nó sát khuẩn và ức chế được vi rút.
Tuy nhiên, khi mua tinh dầu tràm hay sả đều phải chọn cơ sở và địa chỉ uy tín có nhãn mác rõ ràng, không mua ở cơ sở không đảm bảo.
Hiện nay, tại một số nơi người dân tự ý thuê dịch phụ phun thuốc diệt muỗi. Theo khuyến cáo của chuyên gia, việc tự ý phun thuốc diệt muỗi ở cá thể một hộ gia đình là không nên, không mang hiệu quả diệt muỗi và có nguy cơ muỗi sẽ kháng hóa chất nếu khi có dịch xảy ra.
“Có một số đối tượng lợi dụng dịch sốt xuất huyết đang lưu hành tới mời chào phun thuốc diệt muỗi để kiếm lợi nhuận. Tôi khẳng định phun thuốc muỗi là phải do nhân viên y tế làm. Người dân không nên tự ý thuê dịch vụ. Vì để diệt muỗi hiệu quả cần phải phun trên diện rộng để tránh nguy cơ muỗi bay từ nhà nay sang nhà kia nếu chỉ phun ở một hộ gia đình”, PGS.TS Phu nói.
Vì sao sốt xuất huyết có thể gây tử vong?
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể xuất hiện hội chứng sốc dangue, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, dẫn đến các biến chứng như:
- Viêm gan và hoại tử tế bào gan cấp tính, là nguyên nhân làm bệnh nhân mệt mỏi rã rời, men gan tăng, có thể khiến bệnh nhân tử vong.
- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 - 48 giờ; gây tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to.
- Xuất huyết nội tạng: có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não gây tử vong nhanh chóng.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất