Nửa đêm sưng vú, sốt cao, mệt mỏi, sản phụ loay hoay không biết cách xử trí sao cho hợp lý
Tin liên quan
Giảm đau nhanh khi viêm tuyến vú
Nửa đêm bị sốt cao do bị viêm tuyến vú khiến cho rất nhiều chị em loay hoay không biết làm cách nào để giảm đau hạ sốt mà vẫn cho được con bú.
Viêm tuyến vú thường gặp ở người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ. Do không có kinh nghiệm cho con bú cho nên dễ bị tổn thương vùng da khi trẻ cố gắng bú sữa. Trên đầu vú sẽ xuất hiện những vết nứt hay còn gọi “nứt cổ gà” tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào tuyến sữa sinh sôi phát triển và gây ra viêm. Ngoài ra, một số phụ nữ dùng tay nắn bóp vùng ngực làm tổn thương núm vú khiến cho vi khuẩn phát triển và gây viêm. Một số trường hợp vệ sinh vú kém, ứ đọng sữa, sữa bị tắc không thể thông sau khi sinh cũng dễ dẫn tới viêm.
Viêm tuyến vú thường gặp ở phụ nữ mang thai và cho con bú nhưng có thể phòng tránh được bệnh.
Ths.BS Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay khi bị viêm tuyến vú thường có biểu hiện sốt và đau. Trong trường hợp bị viêm tuyến vú do tắc sữa, người mẹ cần cố gắng vắt cạn sữa, sốt cao có thể dùng thuốc chỉ định chuyên dùng cho phụ nữ nuôi con bú. Nếu thấy tình trạng nặng hơn thì cần nhanh chóng đưa sản phụ đi khám để được can thiệp kịp thời.
Nếu viêm tuyến vú thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị cho sử dụng thuốc và điều trị tại nhà dùng kháng sinh, uống liên tục trong vòng từ 1,5 – 2 ngày. Trong trường hợp tắc tia sữa sẽ được thông và hướng dẫn cách chăm sóc để không bị tắc lại…
Còn theo chuyên gia sản khoa PGS.TS. BS Nguyễn Thị Hoài Đức, viêm tuyến vú hay còn gọi là viêm tuyến sữa thường xảy ra ở phụ nữ đang mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối và phụ nữ cho con bú. Viêm tuyến vú là bệnh lành tính không gây nguy hiểm nhưng gây ra khó chịu cho người phụ nữ. Viêm tuyến vú thường có xuất phát từ những vết xước da đầu vú, nứt da, vệ sinh không sạch sau khi cho trẻ bú.
Đừng để thành áp xe
Bệnh viêm tuyến vú không được điều trị kịp thời có thể biến chứng thành áp xe vú, viêm tuyến vú mãn tính. Bệnh tiến triển nặng có thể gây hoại tử vùng bị áp xe do nhiễm vi khuẩn có độc tính cao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức cho hay: "Trong trường hợp có áp xe, bệnh nhân sẽ được trích dẫn lưu ổ viêm và phải dừng cho con bú. Do vi khuẩn trong tuyến vú có thể lan rộng vào sâu trong các tổ chức mỡ của tuyến vú. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh theo đúng phác đồ điều trị”.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Đức, viêm tuyến vú là căn bệnh có thể phòng tránh được. Khi mang thai ở 3 tháng cuối nên vệ sinh đầu vú sạch sẽ, thường xuyên kéo đầu vú ra để không bị tụt vào trong. Mặc áo ngực rộng rãi không bó sát gây khó chịu. Khi có con bú cần phải cho bú đúng thư thể tránh để trẻ nhai, cắn núm vú gây xây sát da đầu vú. Vệ sinh miệng trẻ sạch sẽ để tránh vi khuẩn từ miệng lây sang mẹ.
Bà mẹ trước và sau khi cho trẻ bú cần phải vệ sinh đầu ti sạch sẽ, cho trẻ bú hết bên này rồi chuyển sang bên còn lại. Một cữ bú của trẻ chỉ nên kéo dài 10-15 phút. Không để trẻ có thói quen chỉ bú một bên vú (dễ xảy ra với mẹ sinh con đầu)
“Khi thấy sốt, đau, tức ngực cần đi khám sớm không nên cố cho con bú, bệnh lý sẽ càng trở nên nghiêm trọng dẫn tới áp xe. Khi bị áp xe sẽ làm cho bà mẹ đau đớn, số lượng sữa giảm, ảnh hưởng tới việc nuôi con bằng sữa mẹ…”, bác sĩ Đức nói.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất