Nhiều người nghĩ tuổi già khó bị sốt xuất huyết nhưng hậu quả khi mắc cực kỳ khôn lường nếu chủ quan
Tin liên quan
Theo TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao dễ gặp biến chứng khi bị sốt xuất huyết. Ngoài người cao tuổi thì bệnh còn có thể gây ra nguy hiểm đối với nhóm đối tượng: trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính (cao huyết áp, tiểu đường…) người bị suy giảm miễn dịch (ung thư, thận mãn tính…).
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh lây từ người mắc bệnh sang người lành qua véc tơ muỗi. Bệnh sốt xuất huyết mắc quanh năm tại miền Nam và tại miền Bắc, bệnh gia tăng nhiều vào mùa mưa. Sốt xuất huyết rất dễ bùng phát thành dịch lớn ở các khu đông người sinh sống, vệ sinh kém…
Người già bị sốt xuất huyết rất dễ bị biến chứng, ảnh minh họa.
Người cao tuổi khi bị sốt xuất huyết có nguy cơ cao bị sốc do tính thấm mao mạch gia tăng, huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn gây tình trạng cô đặc máu. Bệnh nhân bị sốc nếu không được điều trị đúng có thể dẫn tới suy đa phủ tăng và tử vong.
“Người cao tuổi bị sốt xuất huyết ngoài nguy cơ sốc cao có thể bị rất nhiều biến chứng khác khó lường trước được như bội nhiễm viêm phổi nặng… Đặc biệt, nếu người già có bệnh lý mãn tính kèm theo thì bệnh sốt xuất huyết biến chuyển xấu nếu không kiểm soát tốt”, TS. Kính nói.
Tuyệt đối không chủ quan
Mọi người thường nghĩ bệnh sốt xuất huyết khó bị ở người già nhưng trên thực tế thì không phải vậy. TS. Kính cho hay Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân cao tuổi bị mắc sốt xuất huyết vì vậy mọi người không nên chủ quan.
Những triệu chứng nghi ngờ khi bị mắc sốt xuất huyết như: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, đau hóc mắt, đau họng… Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng vã mồ hôi, mệt mỏi cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới viện. Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tùy thuộc vào bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn nào, tình trạng bệnh sẽ có cách chăm sóc khác nhau.
Trong trường hợp bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại nhà vẫn phải tái khám hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đánh giá được lượng tiểu cầu hàng ngày.
Hiện nay, đang bắt đầu vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu người dân không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống.
Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất