Ngày 20/10: Chuyện nghề không mấy ai biết của một nữ hộ sinh có lúc làm việc 15 tiếng không nghỉ

Ngày 20/10: Chuyện nghề không mấy ai biết của một nữ hộ sinh có lúc làm việc 15 tiếng không nghỉ

Ngọc Minh 2017-10-20 08:58
- Tìm hiểu về công việc của một người hộ sinh mới biết không hề đơn giản và trên vai gánh nhiều áp lực.

Công việc không có thời gian để nghỉ ngơi

Một ngày cuối thu đến bệnh viện Phụ sản để tìm hiểu về công việc hộ sinh, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào sự khác biệt so công việc của một y tá. Các nữ hộ sinh chịu áp lực công việc rất lớn mà ít người hay biết, họ phải làm việc luôn tay, bất kể thời gian dù đã về khuya.

Chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1983, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) chia sẻ, chị đến với nghề hộ sinh như là một duyên nợ. Chị Hà sinh ra trong gia đình có nhiều người theo nghề y, từ nhỏ nữ hộ sinh này đã khát khao được nối nghiệp. Khi đó, chị Hà học 2 ngành dược và y, nhưng sau đó vì đam mê với ngành y mà chị  quyết tâm trở thành nữ hộ sinh.

Nhớ về lần đầu tiên đỡ đẻ, chị Hà chưa quên cảm giác vừa lo lắng xen lẫn với vui mừng. Lúc đó, chị Hà đang tham gia thực tập tốt nghiệp ở Bệnh viện phụ sản Trung ương. “Tôi cảm thấy rất may mắn vì các thầy đã tin tưởng cho tôi được đỡ đẻ, không phải  học viên nào cũng đều được trực tiếp đỡ đẻ. Lúc chứng kiến một sinh linh ra đời, thấy em bé cất tiếng khóc, tôi cảm giác rất hạnh phúc vì đã làm một công việc có ý nghĩa”, chị Hà tâm sự.

Nghề hộ sinh và những hy sinh chưa được “gọi tên”

Vì quá yêu nghề, nữ hộ sinh nên chị Hà đã không nối nghiệp bố mẹ làm nghề điều dưỡng.

Ca đỡ đẻ đầu tiên thành công là động lực thôi thúc chị Hà cố gắng và yêu công việc mà mình đang làm hơn. Sau khi ra trường năm 2005, chị Hà may mắn được về khoa A2 (khoa Đẻ) của bệnh viện Phụ sản Hà Nội công tác.

Theo chị Hà, công việc của một nữ hộ sinh khá vất vả đòi hỏi cần phải có sức khỏe và sự kiên nhẫn mới làm được. Một ca làm việc của nữ hộ sinh thường bắt đầu từ 7 giờ sáng tới 19 giờ tối, có những hôm nhiều bệnh nhân có thể làm đến 22 giờ mới được rời khỏi bệnh viện. Chị Hà nhớ có những ngày số lượng bệnh nhân đến sinh con nhiều nên chị phải căng sức làm việc tới 15-16 tiếng đồng hồ liên tục. 

Nghề  hộ sinh không phải là một nghề đơn giản như mọi người nhìn vào. Nhiều người nghĩ bác sĩ sẽ đỡ đẻ nhưng không phải vậy. Bác sĩ chỉ can thiệp trong những trường hợp ca sinh khó. Vì vậy người hộ sinh không tránh khỏi những áp lực.

“Người hộ sinh thường xuyên phải theo dõi bệnh nhân  trong suốt quá trình chuyển dạ, sản phụ thường rất đau, mệt mỏi và lo lắng, nữ hộ sinh luôn phải động viên giúp bà bầu sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông. Nhiều bệnh nhân chuyển dạ kéo dài, người nhà sốt ruột hỏi nhiều, nữ hộ sinh có mệt tới đâu cũng phải giữ thái độ niềm nở", chị Hà nói.

Ngồi 1 tiếng tê dại chân chỉ để giữ tầng sinh môn…

Trường hợp khiến cho chị Hà nhớ nhất là ca đỡ đẻ cho thai phụ có thai nhi ngôi ngược. Chị Hà phải ngồi 1 tiếng giữ tầng sinh môn cho bệnh nhân để không bị rách tới khi sản phụ chuyển dạ. Rất may em bé chào đời an toàn, khỏe mạnh.

Trong quá trình làm việc, ngoài những phút giây hạnh phúc, chào đón các thiên thần chào đời, không ít lần nữ hộ sinh này rơi nước mắt, buồn và thất vọng do không thể cứu được em bé. Đó là trường hợp thai 40 tuần, mẹ mở được 3 phân nhưng thai nhi mất tim thai đột ngột. Sự ra đi của em bé quá nhanh không chỉ gây “sốc” cho chính bà mẹ mà còn để lại những nỗi buồn không nguôi cho chị Hà. 

Nghề hộ sinh và những hy sinh chưa được “gọi tên”

Chị Hà đang ân cần chăm sóc bệnh nhân sau mổ.

Hộ sinh là một công việc không hề đơn giản đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và ân cần. Ngay cả khi mệt mỏi kiệt sức vẫn phải quan tâm tới bệnh nhân. 

“Suốt ca trực, có lúc nữ hộ sinh phải thức suốt đêm theo dõi bệnh nhân và quá trình chuyển dạ của sản phụ. Có những ca chuyển dạ kéo dài khoảng 24 tiếng, tai biến có thể xảy ra trong tích tắc như: tim thai suy, mất tim thai, chảy máu, vỡ tử cung ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ cũng như em bé nên tôi không dám lơ là dù chỉ 1 phút", chị Hà tâm sự.

Mỗi tháng, chị Hà có 8 buổi trực đêm. Một ca trực đêm của một nữ hộ sinh có thể phải đỡ từ 4-5 ca, nếu đông có thể lên đến 9-10 ca.

Dù có những lúc mệt mỏi, có thời điểm con ốm vẫn phải đi làm… nhưng chị Hà chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ nghề hộ sinh. Một mặt chị vẫn hoàn thành tốt công việc tại bệnh viện, mặt khác chị Hà vẫn phải làm tốt công việc nhà.

Hiện nay, chị Hà đã chuyển sang công việc chăm sóc các bệnh nhân sau mổ. Công việc này không hề đơn giản, bệnh nhân sau mổ cần theo dõi sát sao: dịch truyền, đo huyết áp cho bệnh nhân. Hơn 10 năm gắn bó với nghề cũng là 10 năm trời, chị Hà không được đón giao thừa cùng gia đình. Tuy nhiên, chị Hà vẫn thấy vui vì đón Tết tại bệnh viện cùng đồng nghiệp và bệnh nhân cũng có những kỷ niệm đặc biệt.

Không chỉ làm tốt công việc tại bệnh viện, chị Hà còn tham gia tích cực công việc Đoàn Thanh niên, tham gia hiến máu nhân đạo, khám tình nguyện cho bà con ở vùng khó khăn. Khi bước ra khỏi phòng làm việc, chị Hà lại trở về với vai trò của một người mẹ, người vợ của gia đình và hoàn thành trách nhiệm của một người phụ nữ.

Chị Hà chia sẻ: "Nghề hộ sinh là vậy đó không chỉ là tôi mà các chị đồng nghiệp khác trong cả nước, cả bệnh viện phụ sản nói riêng đều như vậy. Nhưng chúng tôi không hề than vãn về công việc vất vả mà chỉ nhắc nhở nhau cố gắng, hoàn thành tốt công việc, lấy niềm vui của sản phụ và gia đình bệnh nhân làm niềm vui của mình".

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 cung Hoàng đạo này bước vào tuần mới gặp may mắn tới tấp, làm gì cũng suôn sẻ thuận lợi

Đọc nhiều nhất