Hốt hoảng cách chữa viêm tai giữa bằng giun, ai đọc cũng kinh hoàng chứ chưa nói áp dụng

Hốt hoảng cách chữa viêm tai giữa bằng giun, ai đọc cũng kinh hoàng chứ chưa nói áp dụng

Thu Hà 2017-11-22 06:45
- Giun đất 5 con, mổ ra rửa sạch, hòa với đường trắng, lọc lấy nước nhỏ vào tai. Mật lợn tươi, băng phiến… đều được “bác sĩ Google” mách nghiền ra để chữa viêm tai giữa.

Chớ chữa viêm tai giữa theo lời truyền miệng “kinh dị không tưởng”

Chỉ cần gõ từ khóa “bài thuốc chữa viêm tai giữa” sẽ hiện lên một tràng kết quả khiến người xem phải khóc thét khi đọc. Có thông tin cho rằng, dùng giun đất mổ rồi cho đường trắng, lọc lấy nước nhỏ vào tai hoặc dùng mật lợn tươi trộn băng phiến nghiền nhỏ cho vào tai sẽ khỏi.

Nhỏ nước nghiền từ…giun đất, băng phiến, mật lợn chữa viêm tai giữa, coi chừng điếc vĩnh viễn

Chớ nghe "bác sĩ Google" mách cách chữa viêm tai giữa. Ảnh minh họa. 

Một trang mạng khác hướng dẫn lấy gốc cây hẹ tươi một lạng giã vắt lấy nước cốt, cho một viên băng phiến vào hòa tan ra, lấy nước đó nhỏ tai hằng ngày. Mỗi ngày nhỏ 2 lần, mỗi lần 1 giọt một bên tai. Hôm sau lấy bông vệ sinh tai rồi lại nhỏ tiếp như vậy. Bệnh sẽ khỏi sau 10 – 16 ngày điều trị.

Chị Hồng Trang (37 tuổi, Hà Nội) cho biết, ngày bé chị hay bị bệnh viêm tai giữa. Cứ mỗi lần thấy chị bị chảy mủ tai xanh lè, mẹ chị lại ra vườn hái lá bỏng, giã lấy nước nhỏ vào tai.

“Giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình với những kiểu chữa viêm tai giữa truyền miệng. Mẹ tôi nói thấy người ta mách thì làm, chứ không biết thực hư thế nào”, chị Trang chia sẻ.

BSCKII Nguyễn Văn Hải, chuyên ngành thính học, Đại học Y dược TP.HCM nhận định viêm tai giữa là bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất vẫn ở độ tuổi từ 1 – 3 tuổi. Theo các tài liệu nghiên cứu, thống kê có đến 20% bệnh viêm tai giữa gặp ở lứa tuổi này. “Ít khi phụ huynh phát hiện kịp thời, khiến bệnh tiến triển nặng lên và gây nhiều biến chứng khác”, BS. Nguyễn Văn Hải nói.

Bác sĩ chuyên khoa khẳng định những bài thuốc truyền miệng chữa viêm tai giữa nói trên là phản khoa học, có thể gây tác hại khôn lường cho thính lực của người bệnh, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.

Triệu chứng nghèo nàn, phát hiện sớm chữa sẽ rất đơn giản

Theo bác sĩ Hải, mục đích của vòi nhĩ là dẫn lưu dịch từ trong tai giữa ra ngoài và đồng thời dẫn khí theo vòm mũi họng lên để cân bằng áp lực trong tai giữa góp phần truyền dẫn âm thanh.

Nhưng cũng chính vòi nhĩ là đường truyền mọi viêm nhiễm từ vòm mũi họng lên gây bệnh lý ở tai giữa. Do ứ đọng dịch ở trong tai giữa mà gây ra bệnh lý viêm tai giữa thanh dịch. Ngoài ra, vòi nhĩ cũng có thể bị rối loạn chức năng khi thay đổi áp suất đột ngột như đi máy bay, lên núi cao, lặn xuống biển sâu và từ đó gây viêm tai giữa.

Nhỏ nước nghiền từ…giun đất, băng phiến, mật lợn chữa viêm tai giữa, coi chừng điếc vĩnh viễn

Thấy trẻ có dấu hiệu tỏ ra khó chịu ở tai, cha mẹ nên cho con đi khám sớm. Ảnh minh họa. 

Vòi nhĩ ở trẻ cấu tạo ngắn hơn so với người lớn nên trẻ dễ bị viêm tai giữa và rất dễ tái phát. Tắc không khí dẫn lên tai cộng với ứ đọng dịch trong tai giữa sẽ làm ảnh hưởng đến sức nghe của người bệnh. Viêm tai giữa khiến trẻ rất khó chịu nhưng do trẻ chưa biết nói, khó diễn tả cảm giác nên người lớn không phát hiện sớm trẻ mắc bệnh.

“Điều oái oăm là triệu chứng viêm tai giữa thường rất nghèo nàn. Người bệnh không sốt, không đau tai, không chảy dịch mủ ở tai. Với trẻ em, viêm tai giữa giai đoạn sớm thường có triệu chứng “nghễnh ngãng”, hay bứt rứt tai, lắc đầu nhưng người lớn thường dễ bỏ qua. Cần phải thật tinh ý phát hiện biểu hiện bất thường này để đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay từ sớm”, Bác sĩ Hải khuyến cáo.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ ngoài khai thác tiền sử sẽ nội soi tai. “Khi nội soi tai, chúng tôi thấy dịch ứ đọng trong tai giữa ở giai đoạn sớm. Nếu đến khám muộn sẽ thấy sơ dính màng nhĩ lõm vào, co lõm màng nhĩ hoặc màng nhĩ chuyển qua màu vàng nhạt”, bác sĩ Hải nói.

Bác sĩ Hải khẳng định nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì bệnh viêm tai giữa không hề “ác mộng” như mọi người lo sợ. Viêm tai giữa cấp, người bệnh cần điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc tiêu dịch hoặc loãng dịch.

Nếu bệnh trở nặng, mạn tính, ngoài điều trị nội khoa, người bệnh sẽ phải can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật nhỏ và trở nên thường quy trong tai mũi họng.

“Người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay nếu xuất hiện dấu hiệu nghễnh ngãng, ít tập trung, bứt rứt trong tai. Tránh để bệnh trở thành mạn tính, phải kết hợp ngoại khoa cho người bệnh. Viêm tai giữa ngoài ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ còn làm hạn chế ngôn ngữ, tạo lúi lõm trong hòm nhĩ gây nguy cơ bệnh viêm tai giữa thể Cholesteatoma rất nguy hiểm”, Bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Đề đề phòng viêm tai giữa, bác sĩ Hải khuyến khích người bệnh điều trị triệt để nếu bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, tránh để lai rai lâu ngày lây lan vi khuẩn lên vòi nhĩ. Trong tình huống thay đổi áp suất đột ngột như đi máy bay, lên cao, lặn biển, phòng tránh viêm tai giữa bằng phương pháp bịt mũi – ngậm miệng – thổi bùng sau đó nuốt nước bọt nhằm làm cân bằng áp suất trong tai.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bí kíp mặc đồ gam màu hồng pastel đón hè không bị sến súa

Đọc nhiều nhất