Hành trình 14 năm đi tìm hạnh phúc cho con tự kỷ của một người mẹ
2016-03-03 10:49
- Từng đưa con đi cầu cứu khắp nơi mà không có kết quả, người mẹ này đã quyết định nghỉ việc để có thời gian tự tìm hiểu phương pháp trị liệu cho cậu con trai bị tự kỷ suốt 14 năm qua.
Tin liên quan
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Quỳnh Hoa (Cầu Giấy – Hà Nội), có con trai mắc hội chứng tự kỷ tên Lê Tùng Nguyên, năm nay 14 tuổi. Hành trình hơn 10 năm tự tìm tòi các phương pháp dạy con tự kỷ, đồng hành cùng con trên từng bước tiến khiến người khác không khỏi cảm phục.
Trông con cho cô giáo tự kỷ để con có thêm giờ học
Chị kể lại, trước thời điểm 20 tháng khi Nguyên chưa cai sữa, con vẫn gọi bà, gọi mẹ, nói măm măm, mẹ đi làm về thì biết đòi ti. Tuy nhiên, đến thời điểm 22 tháng sau khi cai sữa, Nguyên bắt đầu không nói, gọi không thưa, cũng không có phản ứng gì, mẹ đi làm về thì thờ ơ không quan tâm. Chị vô cùng lo lắng và đưa con đến Bệnh viện nhi TW khám và nhận được kết luận em bị hội chứng tự kỷ. Chị đã hoàn toàn suy sụp khi được bác sĩ cho biết đây là một hội chứng không thể chữa được, nó còn nghiêm trọng hơn việc con chậm phát triển.
Chị Hoa hướng dẫn Nguyên cách gói bánh chưng.
Cùng lúc ấy, chị cho con đến Khoa tâm lý của một bệnh viện lớn ở Hà Nội để gặp một bác sĩ, đồng thời là giảng viên của khoa tâm lý của một trường Đại Học ở Hà Nội. Lúc đó, chị dường như rơi vào trạng thái hoảng loạn, hoang mang, những dòng nước mắt không ngừng trào ra, trong đầu lúc ấy chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là “phải làm gì để chữa cho con ?”. Thời điểm đó, bác sĩ giới thiệu cho chị một cô sinh viên về dạy tại nhà. Vì chưa biết gì về tự kỷ nên thời điểm ấy chị phó mặc hoàn toàn cho cô giáo. Sau đó, chị có thuê rất nhiều cô giáo khác nhưng đều thấy con dậm chân tại chỗ, không có sự tiến bộ.
Chị đã tìm hiểu, nghe ngóng khắp nơi xem có ai dạy tốt thì liền xin cho con học. Khi nghe đến một cô giáo rất giỏi, chị đã cùng một mẹ nữa lập tức tìm đến cô để xin cho con học. Vì cô bận nên một tuần con chỉ được can thiệp có 3 buổi, mỗi buổi chỉ một hai tiếng đồng hồ, lúc ấy hai vợ chồng bàn bạc phân chia nhau. Một người mang đồ ăn đến nhà cô, một người trông con cho cô giáo để chồng cô nấu cơm và con mình có thêm giờ học. Nghĩ lại lúc ấy, chị đã bật cười.
Chị và con trai bên nhau.
Trăn trở dạy con tự kỷ hòa nhập
Đến năm 2006, khi chồng và chị tham gia lớp chia sẻ về kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ, được một chuyên gia có kinh nghiệm về trẻ tự kỷ chia sẻ: “Cha mẹ là người dạy con tốt nhất” thì chồng chị đã ngay lập tức quyết định một mình anh sẽ gánh vác vấn đề kinh tế để vợ có thể nghỉ việc, ở cạnh giúp con học tập.
Chị Quỳnh Hoa bắt đầu tham gia hội phụ huynh Khoa tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và quen biết được rất nhiều người mẹ có con bị hội chứng tự kỷ. Ở thời điểm này, chị có cho con tham gia một khóa can thiệp ở Viện nghiên cứu giáo dục Việt Nam nhưng được 6 tháng thì chị phải cho con nghỉ vì bé không thể tập trung học được mà chỉ chạy, nhảy, nằm và cáu. Cũng định tìm cho con một trung tâm để con có môi trường học tập hòa nhập nhưng hầu hết các trung tâm ở Hà Nội đều có không gian nhỏ, con lại có nhu cầu vận động rất lớn, còn ở những môi trường hòa nhập như mẫu giáo thì con không thể học được gì.
Ý tưởng về việc mở trường cho các con nảy nở và chỉ sau vài ngày chị đã cùng một số phụ huynh khác chung tay mở trường tự kỷ để các con có được môi trường rèn luyện, học tập tốt nhất. Đến nay, trường đã tồn tại được 6 năm. Nguyên từ một đứa trẻ chỉ cáu vì không biết thể hiện nhu cầu, sự bức xúc của mình, không thể làm được gì kể cả vệ sinh cá nhân nay đã trở thành một người biết tự vệ sinh cá nhân và giúp mẹ làm việc nhà như nhặt rau, rửa bát, lau nhà, cắm cơm... Điều tuyệt vời nhất đối với chị là những trận cáu kinh hoàng của con đã giảm đi rất nhiều vì con giờ đây đã có thể nói lên suy nghĩ, tâm trạng, nhu cầu của mình vào những trang giấy cùng mẹ và em trai. Điều đó khiến không ít bậc phụ huynh khác cảm thấy nể phục.
Chia sẻ với các bậc phụ huynh có con bị hội chứng tự kỷ, chị Hoa cho rằng: "Điều quan trọng nhất đối với các bạn là phải kiên trì, vì đối với các bạn trẻ bình thường, chỉ cần nói một lần là có thể làm được, nhưng đối với các bạn gặp phải hội chứng này thì mình phải hướng dẫn cả tháng, có khi cả năm. Bình tĩnh, cho con thời gian chủ động giải quyết vấn đề, đó là điều mà mẹ phải ghi nhớ.
Cha mẹ là người giáo viên tốt nhất của con. Đối với con, các bạn ấy rất thích học và làm việc với cha mẹ, chỉ có cha mẹ mới hiểu, cảm thông và đi hết cuộc đời con. Vì vậy, người dìu dắt đi hết cuộc đời con không ai khác chính là cha mẹ. Một số cha mẹ có suy nghĩ rằng: con nghe lời cô và chịu học với cô hơn, nhưng đó là sự thiếu tự tin về bản thân, về việc giáo dục giúp con hòa nhập cuộc sống.
Cha mẹ hãy tự tin để có thể chăm sóc, hiểu và dạy dỗ con. Các chuyên gia nước ngoài ngoài việc dạy cho trẻ tự kỷ thì việc quan trọng hơn cả là dạy cho cha mẹ cách giao tiếp với con vì thời gian cha mẹ ở với con nhiều hơn những nhà trị liệu".
Lo lắng lớn nhất đối với chị hiện nay thứ nhất là: làm thế nào để trẻ tự kỷ có thể tự lập hoàn toàn, kiểm soát hành vi, mà không bị thuộc vào mẹ. Thứ 2, Nguyên đang bước vào tuổi dậy thì việc dạy về giới tính và kiểm soát hành vi về giới tính khi đi ra ngoài đối với chị vẫn đang là bài toán, một chặng đường gian nan.
Hiện tại, chị đang tìm cho Nguyên một công việc trên lĩnh vực em yêu thích, để bạn ấy trở thành một nhân viên của công ty do chính chị sáng lập và không phải lúc nào mẹ cũng đi theo.
Dưới Nguyên có một cậu em trai và chị đã dạy bé cách chơi, nói chuyện, chia sẻ và kèm cặp anh trong tất cả các hoạt động lúc chị vắng nhà. Giờ đây, ngoài chị, Nguyên còn có một “thầy giáo” đắc lực là em trai, là chỗ dựa vững chắc cho Nguyên sau này.
Ngọc Trang
Ảnh: NVCC
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Sau tất cả, đây là những hot girl lột xác thành công nhất