Để trẻ không bị ốm khi giao mùa, dinh dưỡng chưa đủ mà cần phải biết thêm điều này
Tin liên quan
Đừng quên uống nước
Nhiều cha mẹ chỉ nghĩ tới việc nâng cao sức đề kháng cho con bằng cách cho trẻ ăn thật nhiều nhưng lại quên bổ sung thêm nước cho trẻ. Trẻ không được bổ sung đủ nước dễ rơi vào mệt mỏi khiến cho vi rút, vi khuẩn dễ tân công và phát thành bệnh.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khẳng định: “Uống đủ nước cũng là cách để nâng cao sức đề kháng cho con trong thời tiết giao mùa. Thường xuyên nhắc trẻ uống nước, nguồn cung cấp nước có thể bằng cách uống nước lọc, nước hoa quả, cháo, súp…”.
Trong thời gian này, cha mẹ cần lưu ý chế độ ăn của con lượng thức ăn phải thích hợp để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, luôn đảm bảo trẻ phải được ăn đủ bữa, đúng bữa và bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ.
Uống đủ nước cũng là cách để nâng cao sức đề kháng cho con trong thời tiết giao mùa.
Nếu thời tiết mưa, nắng thất thường, trẻ không được tắm nắng cha mẹ, cần phải bổ sung thêm vitamin D cho trẻ. Trong khẩu phần ăn, mẹ nên tăng lượng thức ăn chứa vitamin D, vitamin B1, B2, vitamin C và vitamin A để làm tăng khả năng thích ứng với thời tiết cho con.
TS.BS Sơn khuyến cáo: “Do thời tiết chuyển mùa nắng mưa thất thường nên hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Với trẻ có các bệnh lý mạn tính ví dụ, bệnh hen cần phải cảnh giác bệnh sẽ dễ tái phát”.
Ăn những thực phẩm tự nhiên có màu sắc
Theo chuyên gia, chế độ dinh dưỡng hợp lý cần phải đảm bảo đủ các nhóm dưỡng chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước hoặc sữa) giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn. Cha mẹ nên chọn các thực phẩm giàu đạm có tác dụng kích thích sản sinh nhiệt cao hơn các thức ăn khác, vì vậy có khả năng giữ ấm tốt khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh.
TS.BS Sơn cho biết, thời tiết thay đổi thất thường, trẻ rất dễ bị cảm lạnh, cúm mùa (trời mưa lạnh đột ngột) cần cho trẻ ăn các thực phẩm giàu viatmin A giúp tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Nếu thiếu vitamin A, khả năng chống lại vi rút của tế bào giảm, chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp yếu đi khiến trẻ dễ nhiễm bệnh.
Những thực phẩm giàu vitamin A có thể kể tới như: trứng, gan, sữa, rau lá sẫm màu (rau ngót, mùng tơi, muống, cải ngọt (bó xôi), bí đỏ, cà rốt...). Trái cây màu vàng hoặc da cam như xoài, đu đủ, chuối, cam, hồng chín… cũng chứa nhiều vitamin A và tiền tố của vitamin A.
Ngoài vitamin A, trẻ cần được bổ sung thêm các loại vitamin C sẽ giúp tăng cường thể lực và phòng chống vi rút lây nhiễm. Vitamin C còn giúp hỗ trợ sự hình thành kháng thể, tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể.
Trong trường hợp trẻ bị cảm hoặc sốt bổ sung thêm vitamin C. Một số thực phẩm giàu vitamin C thích hợp cho trẻ ăn hàng ngày như cam, chuối, xoài, quýt, bưởi, rau xanh…
“Mẹ nên biết cách tận dụng một số gia vị như tỏi, gừng cho vào các món ăn sẽ giúp trẻ phòng tránh cảm lạnh hắt hơi, sổ mũi. Tỏi tây có chứa nhiều vitamin B và C, khoáng chất (sắt, canxi, phốt pho, magie, natri, kali…) bổ thần kinh, giúp tránh cảm. Hành tây có tác dụng lợi tiểu, dễ tiêu hóa, trị ho, an thần nhẹ, bồi bổ cơ thể. Củ gừng tươi có khả năng đánh bại nhiều loại cảm cúm”, TS.BS Sơn nói.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất