Đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ biến chứng, gây tử vong

Đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ biến chứng, gây tử vong

2016-05-06 12:00
- Vào mỗi dịp hè, số ca tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ lại có xu hướng tăng cao và nếu không chữa trị kịp thời rất dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Uống vắc xin Rotavirus vẫn có nguy cơ bị tiêu chảy cấp

Theo như ghi nhận của phóng viên Em đẹp, tại bệnh viện Nhi Trung Ương những ngày này có rất đông bệnh nhân nhi bị tiêu chảy đến đây khám bệnh. Tiếp xúc với chị Mai Phương, quê tại Hòa Đức, Hà Nội, chị cho biết bé nhà chị được 10 tháng tuổi bị tiêu chảy kéo dài, tới ngày thứ 4 bé bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, mắt lờ đờ. Quá nóng ruột, hai vợ chồng chị đã phải xin nghỉ để đưa con đi khám. “Bé nhà tôi đã uống vắc xin Rotavirus lúc 3 tháng tuổi nhưng không hiểu tại sao bé lại đi ngoài rất nhiều mấy ngày qua. Ở nhà tôi cũng đã cho bé uống thuốc cầm tiêu chảy và bù nước nhưng tình trạng đi ngoài của bé không hề thuyên giảm”, chị Phương cho biết.

Tiêu chảy cấp dễ biến chứng nguy cơ tử vong cao

Hình ảnh các mẹ si con để lấy phân xét nghiệm khá thường gặp tại bệnh viện Nhi Trung ương

Đem những thắc mắc của chị Mai Phương, phóng viên đã nhờ đến sự tư vấn của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Theo vị bác sĩ này thì: “Tiêu chảy cấp không đơn thuần là do nhiễm virus Rota mà nó có rất nhiều nguyên nhân. Rota chỉ là một trong số đó. Bệnh có thể xuất phát từ các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn lỵ, thương hàn, tả… do nấm hay ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp thường có mức độ lây lan rất nhanh, qua đường tiêu hóa thông qua ăn uống hoặc tiếp xúc với phân của người bệnh”.

Dễ bùng phát dịch khi thời tiết nắng nóng

Mùa hè thời tiết nắng nóng, thức ăn, đồ uống rất dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Đặc biệt, một số bà mẹ bận rộn để tiết kiệm thời gian nấu ăn cho trẻ thường nấu cháo và thức ăn cho con cả ngày. Trong những ngày nóng bức nếu cháo và thức ăn của trẻ không được bảo quản tốt sẽ tạo cơ hội cho các vi sinh vật tấn công gây bệnh.

“Thức ăn đã được nấu chín bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ làm vi khuẩn ngừng phát triển. Khi được mang ra nấu vi khuẩn sẽ sinh sôi rất nhanh. Vì thế đồ ăn của trẻ nên ăn bữa nào nấu bữa đó chứ không nên tích trữ nhiều ngày trong tủ lạnh”, ông Dũng nói.

Vi khuẩn gây ra tiêu chảy cấp có thể đến từ tay của cha, mẹ. Nói về điều này bác sĩ Dũng cho hay: “Trong trường hợp cha mẹ đi làm về không rửa tay đã chơi ngay với con, vi khuẩn từ tay bố mẹ có thể lây cho con. Hoặc trường hợp mẹ nấu ăn cho bé không vệ sinh tay sạch trước khi chế biến làm cho thức ăn bị nhiễm khuẩn”.

Lý giải thêm về bệnh tiêu chảy cấp thường bùng phát trong dịp hè, bác sĩ Dũng nói: “Mùa hè có rất nhiều ruồi nhặng, côn trùng, vật trung gian lây nhiễm cho trẻ. Thời gian này, các gia đình cũng thường xuyên đi du lịch, ăn uống thất thường, ăn những thức ăn lạ, ăn quán xá, vỉa hè cũng làm cho trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp”.

Biến chứng khó lường

Đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ biến chứng, gây tử vong

Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ dễ có những biến chứng nguy hiểm do mất nước kéo dài, có thể gây ra trụy tim, sốc và khiến cho trẻ dễ tử vong

Thông thường, tiêu chảy do ăn phải thức ăn lạ, kém vệ sinh thì trẻ chỉ cần uống men tiêu hóa và đi ngoài 2- 3 ngày là khỏi. Nhưng đối với các trường hợp tiêu chảy cấp khác thì cần lưu ý đặc biệt. “Trẻ có thể đi ngoài liên tục, mỗi lần đi hầu như nước trong cơ thể bị tháo ra ngoài hết. Trẻ dễ mệt mỏi do mất nước nhiều. Tình trạng mất nước kéo dài có thể gây ra trụy tim, sốc và khiến cho trẻ dễ tử vong”.

“Ngoài ra, tiêu chảy cấp còn kéo theo các biến chứng nguy hiểm khác đối với trẻ nhỏ. Tiêu chảy có thể khiến cho trẻ bị sốt cao, co giật. Những trường hợp trẻ tiêu chảy mất nước từ từ, không nhanh có thể gây suy thận, vô niệu rất khó chữa về sau. Một số trường hợp trẻ đi ngoài nhiều có thể gây loét hậu môn”, bác sĩ Dũng cảnh báo thêm.

Đối với những trường hợp trẻ nhỏ bị tiêu chảy cấp cần phải cho uống nước bù điện giải oresol. Trong trường hợp nhà không có hoặc trẻ không uống được oresol có thể dùng nước cháo loãng, nước hoa quả (nước cam, nước dừa) cho trẻ uống. Bác sĩ Dũng lưu ý: “Khi bù điện giải cho trẻ, các mẹ cần phải pha đúng liều lượng quy định. Tuyệt đối không cho trẻ uống nước pha nhiều đường hoặc các loại nước ngọt đóng chai vì sẽ làm trẻ tiêu chảy nặng hơn”.

“Khi bé có dấu hiệu nôn nhiều, không uống được nước, mẹ cần phải nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện truyền dịch để cứu mạng trẻ”, bác sĩ Dũng nói.

Trẻ bị tiêu chảy vẫn phải được ăn uống bình thường

Một số mẹ có quan niệm khi trẻ bị tiêu chảy thường cho con tạm thời không ăn gì để trẻ không đi ngoài. Theo bác sĩ Dũng, đây là một quan niệm sai lầm: “Trẻ bị tiêu chảy vẫn phải được ăn uống bình thường. Nếu trẻ ăn bị nôn trớ, mẹ cần chia nhỏ bữa ăn cho trẻ và nấu thức ăn lỏng hơn. Đối với trẻ còn bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày để bù nước. Không kiêng khem quá mức khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, cơ thể yếu và không có khả năng kháng bệnh”.

Cách phòng bệnh tiêu chảy cấp tốt nhất cho trẻ nhỏ theo bác sĩ Dũng chính là việc bảo quản đồ ăn từ lúc mua về, chế biến và sau chế biến tới lúc ăn phải sạch sẽ, an toàn. Trước khi ăn cần phải tập thói quen rửa tay cho trẻ. Khi trẻ đi vệ sinh thì lưu ý tránh để phân vung vãi. Rửa sạch đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà chỗ trẻ hay chơi.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Điểm mặt 6 con giáp là khắc tinh của nhau

Đọc nhiều nhất