Cách phòng chống bệnh do vi rút Zika
Tin liên quan
Ao tù, nước đọng là môi trường lý tưởng cho lăng quăng, muỗi phát triển.
Ông Dũng khuyến cáo cần thực hiện tích cực các giải pháp phòng chống, nhất là sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ với ý thức trách nhiệm cao của người dân, của cộng đồng dân cư và các ban ngành đoàn thể.
* Thưa ông, những dấu hiệu nào cảnh báo mắc vi rút Zika?
- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Bệnh do vi rút Zika đến nay vẫn được cho là một loại bệnh nhẹ. Bệnh tự khỏi trong vòng 1 tuần, với các biểu hiện phát ban trên da, sốt, viêm kết mạc mắt sung huyết không mủ, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ. Khi nghi ngờ mắc Zika người dân, đặc biệt là thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ khám, điều trị và tư vấn.
* Vì sao khuyến cáo thai phụ khi mang thai tránh nhiễm Zika?
- Khoảng 80% trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng, biểu hiện bệnh nhẹ. Tuy nhiên các biến chứng của bệnh do virut Zika gây ra rất trầm trọng. Nếu thai phụ bị nhiễm vi rút Zika, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể bị những biến chứng. Thứ nhất là tật đầu nhỏ: Sọ và não của các trẻ sẽ không phát triển bình thường dẫn đến chu vi vòng đầu nhỏ hơn 31,5 - 32 cm lúc mới sinh. Sự không phát triển của sọ và não trẻ sẽ làm cho cơ thể và trí tuệ trẻ chậm phát triển; trẻ bị rối loạn ngôn ngữ; thị giác, thính giác kém phát triển. Các trẻ mắc tật đầu nhỏ ra đời mang đến một gánh nặng hết sức nặng nề cho gia đình và xã hội. Thứ hai là viêm đa rễ thần kinh ngoại biên Guillain-Barré: dị cảm tê cóng các chi, yếu và liệt cơ ở các chi, liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong. Thứ ba là viêm não màng não, viêm tủy.
* Người dân, đặc biệt là thai phụ phòng tránh Zika bằng cách nào?
- Tương tự như bệnh sốt xuất huyết, Zika do muỗi vằn truyền. Do đó để phòng tránh nhiễm vi rút Zika, người dân cần thực hiện các biện pháp, như sau:
Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và lăng quăng: Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, đốt nhang muỗi. Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất. Diệt lăng quăng (bọ gậy): đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, chùi rửa dụng cụ chứa nước nhỏ; thu dọn, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, không để nước đọng ở những vật dụng như vỏ lốp, gáo dừa…; thường xuyên thay nước lọ hoa, bỏ dầu hoặc muối vào chân chén,…
Hiện tại TP.HCM đang triển khai giám sát vi rút Zika tại 30 bệnh viện (danh sách xem tại đây), nếu các thai phụ thấy bản thân hoặc người nhà có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi rút Zika có thể đến một trong các bệnh viện trên để được khám, tư vấn và xét nghiệm vi rút Zika.
Đối với người sắp mang thai thì cần sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục. Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, sớm phát hiện nhiễm vi rút Zika và các dị tật của thai nhi.
Đối với phụ nữ có thai và phụ nữ dự định có thai ngoài thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng như trên, còn thực hiện theo các khuyến cáo sau của Tổ chức Y tế thế giới và Cục Y tế dự phòng: Chỉ đi đến vùng dịch khi thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika. Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch, nếu có các triệu chứng như phát ban và 2 trong 4 triệu chứng của bệnh (sốt; viêm kết mạc mắt sung huyết, không mủ; đau khớp hoặc phù quanh khớp; đau cơ) cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.
Khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và kịp thời phát hiện dị tật bẩm sinh nếu có. Các cặp vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định có con cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.
Hiện tại TP.HCM đang triển khai giám sát vi rút Zika tại 30 bệnh viện, nếu các thai phụ thấy bản thân hoặc người nhà có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi rút Zika có thể đến một trong các bệnh viện trên để được khám, tư vấn và xét nghiệm vi rút Zika. Danh sách các quốc gia, lãnh thổ báo cáo có vi rút Zika, được cập nhật trên website của Tổ chức Y tế thế giới.
* TP.HCM đã triển khai những biện pháp nào để dự phòng, xét nghiệm?
- Đối với các quận công bố có trường hợp nhiễm vi rút Zika, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế dự phòng quận để tiến hành điều tra, xử lý ca bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kịp thời kiểm soát không để dịch bệnh lan trong cộng đồng. Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM tiếp tục duy trì hệ thống giám sát vi rút Zika đã triển khai từ đầu năm 2016 tại 30 bệnh viện tại TP.HCM, đến cuối tháng 10.2016 Trung tâm sẽ phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM mở rộng hệ thống giám sát vi rút Zika tại các phòng mạch tư, phòng khám và toàn bộ nhà thuốc tư nhân tại quận 2.
Ngoài đợt tập huấn cho quận, huyện về vi rút Zika đầu năm 2016, ngày 20.10, Trung tâm tiến hành thêm đợt tập huấn cho 24 quận huyện về giám sát, phòng chống bệnh do vi rút Zika để nâng cao khả năng ứng phó của hệ thống y tế dự phòng thành phố khi có dịch bệnh do vi rút Zika xảy ra trên đại bàn mỗi quận, huyện.
Bệnh do vi rút Zika có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên có thể để lại biến chứng trầm trọng là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ nhiễm vi rút. Người dân không nên quá lo lắng và cũng không quá chủ quan. Mọi người, đặc biệt là thai phụ và các cặp vợ chồng có dự định có con cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi người mọi nhà cần chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng chống bệnh do vi rút Zika.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Thanh Niên)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất