Âm tán Hoàng cung: Càng tìm hiểu càng... kinh hãi
Tin liên quan
Mập mờ công thức, địa chỉ
Vào ngày 10/11, trang tin Emdep đã đăng bài “Sự thật Viêm Âm tán Hoàng cung chữa vô sinh, trẻ hóa… tam giác mật”. Sau đó, tòa soạn đã nhận được phản hồi của một độc giả tên là H.M.H. Người này nhận mình là chủ tên thương hiệu thuốc Viêm Âm tán Hoàng cung và cho rằng bài viết trên của chúng tôi sai sự thật, ảnh hưởng đến sản phẩm của mình.
PV Emdep đã liên hệ với độc giả này để làm rõ hơn thông tin. Theo như hình ảnh mà người này gửi thì trên vỏ thuốc Viêm Âm tán Hoàng cung chính hãng vẫn không ghi đầy đủ các vị thuốc được sử dụng, chỉ ghi một số vị như Trinh nữ hoàng cung, Cỏ roi ngựa, Đào nhân, Vỏ Hòe Trắng, Hoàng Bá, Mật Trắm, Kéo Tầm, Vỏ Quýt Hôi… mà không ghi rõ toàn bộ. Khi PV đặt câu hỏi, ông H.M.H đã giải thích rằng: “Bao bì thuốc không ghi hết tên các vị thuốc là bởi đây là thuốc gia truyền nên thầy chỉ cho tên một số vị như vậy, còn chính xác như thế nào, phối trộn ra làm sao thì thầy không cho biết”.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, thuốc Đông y gia truyền phải ghi rõ: Công thức của bài thuốc (ghi rõ tên từng đơn vị, liều lượng); Dạng thuốc; Cách dùng, đường dùng; Liều dùng; Chỉ định và chống chỉ định.
Bao bì thuốc của độc giả tên H.M.H cung cấp.
Ngoài ra, vỏ thuốc cũng chỉ ghi địa chỉ chung chung là Tây Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình. Để giải thích về điều này, người đàn ông tên H.M.H cho biết mình lấy địa chỉ sản xuất thuốc theo địa chỉ ghi trên chứng chỉ hành nghề của lương y. “Trước đây địa chỉ của thầy thuốc chưa thành phường, xã nên chỉ ghi như vậy thôi, tôi lấy theo địa chỉ hành nghề của thầy chứ không phải không có địa chỉ chính xác”.
Thực tế, theo quy định của Bộ Y tế, trên vỏ thuốc phải có địa chỉ chính xác nơi sản xuất và thành phần của thuốc, số đăng ký. Tuy nhiên, trên vỏ thuốc Âm tán Hoàng cung mà người này cung cấp lại không có số đăng ký lưu hành cũng như rõ địa chỉ, đầy đủ thành phần của thuốc. Như vậy thông tin không khác gì với bài báo mà Emdep đã đăng tải trước đó.
Lương y hành xử như xã hội đen
Qua tìm hiểu, PV Emdep phát hiện vỏ loại thuốc Viêm Âm tán Hoàng cung đã được thay đổi một số lần. Trước đây, vỏ thuốc Viêm Âm tán Hoàng cung có dòng chữ Lương y P.V.H, có nghĩa là bài thuốc này được tạo nên bởi vị lương y này. Nhưng về sau thì dòng chữ này... biến mất.
Anh H.M.H cho biết: “Thật ra, lúc trước tôi lấy thuốc từ vị lương y tên P.V.H, nhưng sau đó phát hiện ra vị lương y này lại sử dụng bài thuốc của người khác, không phải do chính ông này làm nên. Tôi đã tìm gặp người thực sự tạo nên bài thuốc này và hợp tác sản xuất thuốc, đồng thời tiêu hủy toàn bộ lô thuốc trước đó mang tên lương y P.V.H”.
PV Emdep đã yêu cầu người bảo hộ nhãn thuốc Viêm Âm tán Hoàng cung cung cấp tên của vị lương y tạo nên vị thuốc nhưng người này không tiết lộ vì lý do… an toàn: “Thật ra tôi cũng rất muốn tiết lộ tên vị lương y ấy để người dùng biết mà tin tưởng hơn. Nhưng thật sự rất khó, chỉ khi nào hoàn thiện được hồ sơ giấy tờ cấp phép thì tôi mới dám tiết lộ. Bởi vì khi tôi ngừng cộng tác với vị lương y tên P.V.H kia thì ông ấy đã lập tức cho người ném… mắm tôm vào nhà tôi, khiến tôi phải chuyển địa nhà, đổi địa chỉ. Nếu tôi tiết lộ tên của vị lương y kia thì tôi sợ sẽ có thêm rắc rối xảy ra”.
Thuốc chưa được cấp phép nhưng đã lưu hành
Ông H cũng đã thừa nhận với PV là thuốc Âm tán Hoàng cung chưa được cấp phép lưu hành, chưa đăng ký, mới chỉ nộp hồ sơ và đang chờ quyết định của Sở Y tế. Như vậy, thuốc Viêm Âm tán Hoàng cung vẫn chưa được Sở Y tế kiểm chứng lâm sàng, chưa được cấp phép nhưng đã bán tràn lan trên mạng xã hội.
Nói về điều này, người bảo hộ thương hiệu thuốc H.M.H thừa nhận: “Tôi đã quá vội vàng khi đưa thuốc ra thị trường nhưng trước đó, thuốc đã được nhiều người dùng và công nhận hiệu quả. Thuốc mới chỉ đưa ra thị trường thôi, lúc chưa có bảo hộ thương hiệu thì nhiều người cứ lấy tên Âm Tán Hoàng cung để sản xuất linh tinh. Nhưng tôi thấy lương y làm nên vị thuốc này có chứng chỉ hành nghề nên cũng yên tâm, ngoài ra khi đưa thuốc đến Tổng Cục đo lường chất lượng kiểm tra thấy cũng không có vấn đề gì nên mới đưa ra thị trường sớm như vậy”.
Như vậy, thực tế thuốc Viêm Âm tán Hoàng cung đang có những vi phạm cả về mặt bao bì lẫn giấy tờ pháp lý khi chưa đăng ký mà đã tung bán ra thị trường. Không rõ hiệu quả của thuốc có được người dùng công nhận hay không nhưng cũng không thể vì thế mà bỏ qua những bước quan trọng trong việc quản lý thuốc Đông y. Bởi nếu có vấn đề xảy ra với người dùng thuốc thì không biết sẽ truy trách nhiệm thuộc về ai khi trên vỏ thuốc không có đầy đủ những thông tin cần thiết.
Đại diện của Sở Y tế Hà Nội cũng đã khẳng định, căn cứ thông tin đăng tải trên trang Web của Cục Quản lý Dược thì sản phẩm Viêm Âm tán Hoàng cung chưa được Cục Quản lý Dược cấp phép lưu hành. Về nhãn hiệu sản phẩm cũng chưa đúng với quy định của Thông tư số 06/2016/TT-BYT ngày 08/3/2016 của Bộ Y tế Quy định ghi nhãn thuốc.
Theo quy định, bài thuốc gia truyền phải được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền theo quy định của Bộ Y tế. Người có bài thuốc gia truyền chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động.
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất