Thành kiến quy chụp: Đừng vì một cá nhân mà vội vã phán xét cả cộng đồng
Tin liên quan
Cách đây chưa lâu, những tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đang được ngợi khen như những “người hùng” khi xung phong bay vào vùng dịch để giải cứu đồng bào mình, vì quyết tâm “Không bỏ lại ai phía sau” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nhưng cũng chính họ, giờ đã trở thành “tội đồ” đáng nguyền rủa trong mắt đám đông sau sự việc một nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly khiến dịch bệnh quay trở lại bùng phát trong cộng đồng.
Không ai phủ nhận lỗi sai lớn của nam tiếp viên cũng như Vietnam Airlines sau sự cố trên, để xảy ra sai phạm, Vietnam Airlines sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Song, nhiều người vì quá giận dữ nam tiếp viên nọ mà “chụp mũ” phán xét, chửi rủa không ngớt toàn bộ tiếp viên của hãng hàng không này. Không chỉ trên mạng xã hội, thậm chí cả ngoài đời, đã có những phản ứng manh động, đầy tiêu cực ngay giữa nơi công cộng nhắm vào các tiếp viên đang mặc đồng phục. Một nữ tiếp viên hàng không khi đang di chuyển trên đường cùng chồng, thì bị người đi đường nén tàn thuốc lá vào áo dài cô đang mặc và chửi bới. Một tiếp viên khác, sau khi kết thúc chuyến bay dài mệt nhoài và căng thẳng, đã bị người lạ mặt ném trứng sống vào người.
Không chỉ các đồng nghiệp của nam tiếp viên (BN 1342) vô tình rơi vào sự kỳ thị của đám đông, mà ngay cả cộng đồng LGBT cũng bị đem ra chế nhạo và trút giận vô lý khi có tin đồn về mối quan hệ đồng tính giữa BN 1342 và 1347. Cư dân mạng đã lùng sục danh tính và mạt sát xu hướng tính dục của họ. Trong khi tất cả tin đồn về mối quan hệ trên mới đang là những suy diễn chủ quan, nhưng đám đông đã một lần nữa “đánh đồng” và miệt thị cả cộng đồng LGBT đều là “những người lăng nhăng, không có ý thức phòng bệnh”.
Thành kiến quy chụp
Thành kiến quy chụp vốn đã có từ rất lâu. Quy chụp có thể hiểu nôm na là hành động đổ lỗi, kết tội người khác theo định kiến có sẵn hay “vơ đũa cả nắm”. Hành động quy chụp thể hiện sự thiếu tôn trọng nhân phẩm của người khác, là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ.
Có nhiều người mang thói quen hễ thấy ánh mắt hay hành động của ai đó đã vội phán xét họ là người như thế nào. Đó là những định kiến hằn sâu trong tâm trí, dù sự việc xảy ra theo cách nào, trong lòng họ đã vốn có thành kiến sẵn nên sẽ không thể nhìn thấy chân tướng sự việc.
Hiện tượng không được dùng để giải thích cho bản chất
Dù đối mặt chuyện gì, đừng vội gán mác cho nó mà hãy quan sát đủ kỹ, ngẫm nghĩ đủ lâu. Có như vậy thì sự hiểu biết của bạn mới là thông tuệ, không phải là chủ kiến hay vọng kiến. Nên nhớ, hiện tượng không bao giờ được dùng để giải thích cho “bản chất”. Chỉ cần lòng không định kiến, mắt và tâm mới đủ sáng rõ.
Bên trong mỗi người đều đang chiến đấu trong những “trận chiến” mà chúng ta chẳng thể hiểu hết, thay vì phán xét, sao không có một cái nhìn công bằng hơn với những đánh giá của mình?
Giữa cơn bức xúc về làn sóng dịch bệnh quay trở lại lần 3, không ít người đang không còn phân biệt được đúng sai, đâu là hành vi đáng lên án, đâu là điều cần được bảo vệ. Trước hết hãy hiểu gốc rễ vấn đề ở đâu, thay vì vội vàng quy chụp và nguyền rủa. Đó mới là cách hành xử văn minh.
Tâm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất