Trẻ hay thở bằng miệng: Cảnh giác những nguy hiểm từ sức khỏe
Tin liên quan
Nguyên nhân trẻ thở bằng miệng có thể gây nguy hiểm nếu bố mẹ không sớm phát hiện
Trẻ bị nghẹt mũi do bệnh
Một trong những nguyên nhân trẻ phải há miệng để thở là do tình trạng nghẹt mũi nghiêm trọng. Hô hấp bình thường của con người chỉ được đảm bảo khi mũi thông thoáng. Nếu bé nhà bạn cảm sốt, sổ mũi, viêm mũi khiến dịch tiết bị ứ đọng nhiều sẽ gây khó thở do nghẹt.
Trẻ hay thở bằng miệng có thể không ý thức được vấn đề này và khó tự xử lý vấn đề hô hấp khi còn quá nhỏ. Người lớn cần quan sát thường xuyên để sớm phát hiện mũi trẻ bị nghẹt do bệnh tật gây ra.
Có dị vật trong khoang mũi
Trẻ nhỏ rất nghịch ngợm và hiếu kỳ, chưa đủ hiểu biết về vấn đề an toàn nên rất dễ đưa dị vật vào mũi của mình, ví dụ như một viên kẹo nhỏ hay cục bông gòn trong đồ chơi v.v… Ngoài ra, một số côn trùng cũng có thể chui vào mũi bé gây cản trở hô hấp.
Lưỡi bị to
Một số đứa trẻ bẩm sinh có kích thước lưỡi to hơn bình thường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ hay thở bằng miệng khi ngủ do gốc lưỡi có thể “che mất” đường hô hấp.
Trẻ bị béo phì
Nghe tưởng chừng không mấy liên quan nhưng thực tế nếu trẻ bị béo phì có thể khiến phần hầu họng bị tích trữ nhiều mỡ thừa, ảnh hưởng đến lượng khí lưu thông qua khoang mũi. Đặc biệt trẻ có hiện tượng khó thở nặng hơn khi đang vận động mạnh.
Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp
Nếu trẻ có thể chất nhạy cảm hoặc do bố mẹ chăm sóc chưa đúng cách có thể dễ mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, điển hình như viêm mũi dị ứng, lệch vách ngăn mũi, viêm amidan v.v… Các bệnh này cũng làm cản trở hô hấp, khiến trẻ hay thở bằng miệng để đảm bảo đủ oxi cho cơ thể hoạt động.
Trẻ hay thở bằng miệng gây ra những tác hại nào? Bố mẹ nên sớm phát hiện và điều trị để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ
Thay đổi diện mạo và hình thể
Khi người lớn không kịp thời phát hiện và đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, xử lý vấn đề hô hấp thì tình trạng trẻ thở bằng miệng lâu ngày có thể làm thay đổi khuôn mặt khi trưởng thành.
Do trẻ phải há miệng liên tục sẽ khiến xương hàm cũng như bộ phận răng nướu dần dần xuất hiện biến dạng, xương gò má có thể dài hơn, mũi bị lệch, miệng hô, môi dày hơn v.v… Đây là lý do bạn cần chú ý tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc trẻ để sớm xử lý tình huống.
Ngoài ra, nếu thở bằng miệng trong thời gian càng dài thì phần đầu của trẻ cũng có xu hướng “đổ” về phía trước, cột sống xiêu vẹo, thậm chí có trẻ còn bị lệch xương vùng chậu khi trưởng thành.
Chất lượng giấc ngủ bị suy giảm
Khi hô hấp không thuận lợi, trẻ sẽ khó ngủ hơn, giấc ngủ không sâu và dễ gặp ác mộng. Tình trạng này không những ảnh hưởng sức khỏe của trẻ mà còn gây mất tập trung, tinh thần uể oải, làm trở ngại đến việc học tập và sinh hoạt.
Các biến chứng của bệnh tật
Trẻ thở bằng miệng có thể là nguyên nhân do bệnh tật, đặc biệt là liên quan đến đường hô hấp. Vì vậy, nếu bố mẹ không sớm đưa trẻ đi điều trị triệt để sẽ khiến bệnh âm ỉ kéo dài, gây trở ngại cho quá trình hồi phục, thậm chí lâu ngày còn tăng nguy cơ biến chứng thành bệnh mãn tính nguy hiểm.
Hy vọng bài viết sẽ là lời cảnh tỉnh các bậc phụ huynh chú ý hơn khi thấy trẻ hay thở bằng miệng. Dù là do nguyên nhân gì, bạn vẫn nên sớm xử lý để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất