Trẻ bị chảy máu cam: Tưởng chuyện thường nhưng coi chừng là tín hiệu bệnh về máu
Tin liên quan
Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam có đơn giản như người lớn thường thấy?
Do ngoại thương
Trẻ bị chảy máu cam đôi khi thật sự chỉ đơn giản là do vết thương ngoài da gây ra. Trẻ nhỏ hiếu kỳ và đang trong độ tuổi khám phá xung quanh, khó tránh sự cố té ngã hay va chạm vào ngoại vật gây tổn thương vùng mũi, các mạch máu nhỏ ở đây bị nứt vỡ làm chảy máu. Bố mẹ chỉ cần kịp thời cầm máu và cho trẻ nghỉ ngơi là được.
Do thói quen xấu không được cải thiện
Một số trẻ hình thành những “tật” khó bỏ chẳng hạn như thường xuyên đưa tay ngoáy mũi, thậm chí có trẻ còn tò mò đưa cả đồ chơi trong tay chọc vào mũi của mình làm các mạch máu ở niêm mạc khoang mũi bị tổn thương, khó hồi phục nên thường xuyên có hiện tượng chảy máu cam.
Ngoài ra, nhiều bạn nhỏ còn có thói quen ít uống nước, thêm vào thời tiết hanh khô có thể khiến cơ thể dễ bị mất nước, niêm mạc mũi bị khô, bong tróc, nứt nẻ và chảy máu. Người lớn nên tập cho trẻ sớm hình thành thói quen uống đủ nước, đồng thời phát hiện trẻ có tật ngoáy mũi cũng nên chỉnh sửa ngay.
Do kích thích từ môi trường bên ngoài
Khí hậu quá nóng bức hoặc hanh khô cũng làm sức đề kháng của trẻ nhỏ bị giảm xuống, bao gồm cả khoang mũi, là khu vực nhiều mạch máu nên càng dễ bị nứt vỡ, gây ra hiện tượng chảy máu cam ở trẻ.
Khi thời tiết dễ gây mất nước, bố mẹ nên chú ý bổ sung nước cho trẻ. Nếu trẻ không quá thích uống nước đun sôi để nguội, mẹ có thể kết hợp thêm nhiều thực phẩm khác như canh súp, trái cây, nước ép v.v… giúp trẻ hấp thu đủ nước và vitamin cho cơ thể.
Do dị ứng
Khoang mũi là cơ quan khá mẫn cảm, dễ bị các thể khí hoặc vi sinh vật bên ngoài xâm nhập kích thích nên gây ra phản ứng dị ứng. Vì vậy, trẻ bị chảy máu cam có thể là do niêm mạc mũi bị sung huyết, kèm theo chảy nước mũi, hắc hơi. Trường hợp độc bệnh xâm nhập còn gây viêm mũi và nhiều vấn đề hô hấp khác.
Do bệnh về máu
Đây là một trong những trường hợp mà bố mẹ nên thận trọng. Một số bệnh về máu cũng gây hiện tượng chảy máu cam ở trẻ nhỏ. Điển hình nhất là bệnh máu trắng, tuy tỷ lệ mắc bệnh không cao nhưng không thể chủ quan.
Nếu bạn phát hiện bé nhà mình thường xuyên chảy máu mũi mà không do các nguyên nhân kể trên gây ra, kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường khác như máu không thể đông thì nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.
Phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ nên chú ý gì?
Chế độ ăn uống hợp lý
Ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ cần tập thói quen ăn uống đa dạng và cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm cả việc uống đủ nước mỗi ngày. Khi thời tiết chuyển đổi, bạn có thể tăng cường dinh dưỡng hơn để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Luôn đảm bảo khoang mũi có độ ẩm thích hợp
Khi bạn phát hiện khoang mũi của trẻ có dấu hiện bị khô, niêm mạc bong tróc, thậm chí là chảy máu thì nên dùng tăm bông nhúng vào nước ấm rồi nhẹ nhàng vệ sinh bên trong mũi cho trẻ, có thể nhỏ thêm một giọt dầu oliu vào nước.
Ngoài ra, khi thấy trẻ có tật ngoáy mũi, người lớn nên giảng giải tác hại cho trẻ và khuyến khích trẻ dần dần sửa đổi. Chú ý, nếu trẻ còn quá nhỏ thì không gian vui chơi của trẻ nên đảm bảo an toàn, tránh để các vật sắc nhọn hoặc vật mà trẻ dễ cho vào miệng, mũi v.v…
Tích cực phòng ngừa các bệnh hô hấp và bệnh về máu ở trẻ
Cảm mạo, viêm phổi, viêm amidan hay bệnh về máu đều có thể khiến niêm mạc khoang mũi sung huyết gây chảy máu bất thường. Mẹ nên chủ động nâng cao sức đề kháng cho trẻ để hạn chế nguy cơ bệnh tật.
Hy vọng bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh quan tâm hợp lý hơn khi trẻ bị chảy máu cam, có biện pháp xử lý và phòng ngừa cho trẻ.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất