Vậy là, lứa cuối cùng của thế hệ 9X đã ra trường...
Tin liên quan
Khóa 12 vừa ra trường là lứa cuối cùng của thế hệ 9X.
Trước đây, mỗi khi nhắc đến “9X”, người ta thường nghĩ ngay rằng đó là những bạn còn rất trẻ.
Với những lứa 8X hay 9X "đời đầu" thì những bạn sinh năm 1999 nghe có vẻ còn nhỏ, nhưng thực tế, những “em nhỏ” ấy giờ đây đều đã là những cô cậu chạm ngưỡng tuổi 18 trưởng thành.
Còn những bạn trẻ sinh năm 1995, 1996 đã là những sinh viên năm cuối hay sắp sửa tốt nghiệp ra trường, để chính thức bước vào đời.
Và những lứa 9X đời đầu sinh năm 1990 hay 1991 thực tế là đã chạm đến 26, 27 tuổi - độ tuổi trưởng thành và đang trong giai đoạn ổn định cuộc sống, công việc và gia đình.
Tất cả sẽ đi vào kỷ niệm, và một thế hệ mới với những bạn trẻ sinh từ năm 2000 lại tiếp bước.
Bạn Trần Thị Soa, sinh năm 1992, cựu sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội và hiện đang là nhân viên của một văn phòng luật tại Hà Nội, thấy rõ sự khốc liệt của thời gian khi là lứa "9X đời đầu".
Trần Thị Soa. Ảnh: NVCC.
“Mình ngạc nhiên khi xem ảnh kỷ yếu của các em lớp 12 và nhận ra đây đã là lứa cuối cùng của một thế hệ 9X vốn được mặc định là trẻ, để tới đây sẽ nhường chỗ cho thế hệ mới bắt đầu với những bạn trẻ sinh năm 2000. Thời gian trôi quá nhanh và chưa kịp nhìn lại thì đã thấy mình giờ đây đã là thế hệ đàn anh, đàn chị, chẳng phải được coi bé bỏng như ngày nào”, Soa kể.
Chị Soa vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm, vẫn nguyên đó cái cảm xúc khi cả lớp cấp 3 đón một cô giáo trẻ thân thiện, những ngày ôn bài trong cái nắng hè oi ả.
Đan xen đó là những phút giây tâm sự cho nhau nghe hoàn cảnh gia đình, ước mơ tương lai và cùng nhau hướng tới mục tiêu đỗ đại học... Rồi ngày chia tay nhau, các thành viên trong lớp giàn giụa nước mắt. Ấy thế mà giờ đây nhiều người đã lập gia đình, có con cái, hay trưởng thành hơn với những dự định to lớn của tương lai.
“Quãng thời gian cấp 3 có lẽ là thời gian vui vẻ, gắn kết và đẹp nhất. Giờ nhìn lại thấy những năm tháng học trò thật đẹp, đó là điểm mà những ước mơ hoài bão được chắp cánh và có những tình bạn thân thương...
Vì vậy, mình muốn nhắn nhủ các em thế hệ 10X nên trân trọng điều đó. Các em hãy chăm chú học tập để vun vén cho những ước mơ, nhưng cũng đừng quên chăm chút và quý trọng thời gian được ở bên bạn bè, thầy cô, trường lớp”, Soa chia sẻ.
Với Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1992, hiện nhân viên một cửa hàng thời trang ở thành phố Vinh (Nghệ An), lưu giữ trong tâm trí nhiều nhất với thế hệ của mình là những tờ báo Hoa Học Trò.
“Ngày ấy mạng internet chưa phổ biến và việc đọc báo trên mạng, hay sở hữu một chiếc điện thoại thông minh để lướt mạng là điều nghe có vẻ xa xỉ. Mình với lũ bạn thường và chỉ đợi có báo ra để mua và xem thông tin về giới trẻ và học đường, câu chuyện của những người nổi tiếng cùng thế hệ”, Tâm kể.
Nguyễn Thị Tâm. Ảnh: NVCC.
Với Tâm, kỷ niệm của quãng thời gian cấp ba là những tình bạn đẹp, những tình yêu mới chớm tuổi học trò, có cả những hiểu nhầm to nhỏ, rồi những lần tập thể lớp đoàn kết bảo vệ nhau, và giây phút chia xa thì đầy quyến luyến.
Theo Tâm, một trong những thuận lợi đối với các bạn trẻ giờ đây là khoảng cách giữa thầy cô và học sinh không còn quá xa, mà thay vào đó là sự gần gũi và được chia sẻ nhiều hơn.
“Các bạn trẻ giờ đây có ưu điểm vượt trội về sáng tạo hay việc tiếp cận công nghệ và các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nói đến việc quá lạm dụng mạng Internet và các trang mạng xã hội một cách tiêu cực, thậm chí một bộ phận không nhỏ không có sự phấn đấu, buông thả và sa đà nhiều vào các tệ nạn”, Tâm nói.
Tâm nhắn nhủ: “Ngày xưa ngay bản thân mình cũng rất nghịch và chưa biết tập trung cho việc học, nên mong rằng thế hệ các em sau này cố gắng học hành để có những hành trang tốt nhất bước vào đại học và cuộc đời.
Và đừng để chỉ đến khi xa nhau mới nhận ra rằng ta lưu luyến, nhớ nhung thầy cô, bạn bè biết bao nhiêu, để rồi nuối tiếc. Đặc biệt, hãy sống có mục đích và lý tưởng, đừng vì những thất bại ban đầu mà buông thả, đánh mất tương lai tốt đẹp của mình. Hãy tự tin lên các bạn trẻ”.
Phí Mạnh Cường, sinh năm 1994, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp và hiện đang là chuyên viên ươm giống cây trồng tại Hà Nội, thật sự giật mình khi nhận ra điều này. Thấm thoắt Cường đã rời xa trường cấp 3 được 6 năm và đi làm 2 năm.
Phí Mạnh Cường. Ảnh: NVCC.
“Cảm xúc của mình có lẽ là bồi hồi và có chút buồn, bởi không nghĩ một thế hệ trôi qua quá nhanh. Nghe đến điều này làm mình tự nhiên thấy nhớ lại những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Mới đó mà giờ lứa sinh năm 1994 - 1995 cũng đã tốt nghiệp hết và phải trưởng thành hơn để bươn chải tìm việc kiếm sống”, Cường chia sẻ.
Trong tâm trí của Cường vẫn in rõ kỷ niệm ngày thành lập trường tổ chức cắm trại, cả lớp đã hùa nhau góp sức chở cổng trại từ nơi làm về trường bằng một dàn tới cả chục chiếc xe đạp.
“Phía trước 2 xe, phía sau 4 xe, 2 bên mỗi cánh 1 xe, chưa kể đội hộ tống phía sau nữa. chắc tầm hơn 10 xe, cả bọn buộc lên yên xe và từ từ cẩn thận chuyển về. Xung quanh là đội hộ tống hò hét inh ỏi để dẹp đường. Lần đầu tiên thấy tất cả con trai cả lớp phối hợp với nhau nhịp nhàng, dù mệt nhưng chúng mình rất vui.
Đó sẽ là những khoảnh khắc khó có thể tìm lại được trong cuộc đời mỗi người”, Cường thích thú kể lại.
Nguyễn Quốc Chí. Ảnh: NVCC.
Còn Nguyễn Quốc Chí, sinh năm 1993, cựu sinh viên ngành Tiên tiến Toán học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, "thực sự giật mình" vì thời gian trôi nhanh quá. "Mới ngày nào, thế hệ đầu 9X như mình còn đi học, thật không nghĩ là giờ đã là khóa 9X cuối cùng và đã đến lúc nhường sân cho các em 10X. Trong suy nghĩ của mình, 9X vẫn luôn là một thế hệ trẻ, thế hệ của sự đổi mới, bùng nổ về cuộc sống và công nghệ”.
Ký ức của thế hệ 9X trong Chí là những buổi lén lút chat chit qua Yahoo hoặc điện tử nút bấm.
“Mình còn nhớ hồi học cấp 3, lúc đó internet bắt đầu chớm vào Việt Nam. Năm lớp 10, mình có thích một bạn gái và chỉ mong hết giờ học để ra quán net trò chuyện, hoặc đơn giản là thấy vui khi nhìn thấy nick bạn ý sáng đèn...”.
9X hoàn toàn có thể tự hào khi thế hệ các bạn có rất nhiều bạn trẻ thành công. Ảnh: Vũ Mạnh Duy.
Chí cho rằng các em sinh từ 2000 trở đi cần tận dụng điều kiện để phát triển thay vì lạm dụng công nghệ cho những cuộc vui vô bổ.
“Nếu thông tin không được chọn lọc, rất dễ gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức và lối suy nghĩ của các em. Hy vọng các em cho thể chọn cho mình những kênh thông tin chính thống, bổ ích, chuẩn xác để không bị cuốn theo những trào lưu, tệ nạn ảnh hưởng đến bản thân và rộng hơn là cho xã hội”, Chí mong muốn.
Theo Thanh Hùng/Vietnamnet
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất