Trải lòng những điều chưa biết về công việc của người âm thầm ở lò hỏa táng
Tin liên quan
Cẩn thận từng centimet với người quá cố
Hỏa táng đã trở thành một hình thức an táng văn minh, hiện đại và dần trở thành xu hướng trong nhiều gia đình người Việt. Đáp ứng xu hướng đó, các dịch vụ hỏa táng đã được mở ra.
Trao đổi với PV Em Đẹp, anh Nguyễn Nô En, Phó giám đốc Đài hóa thân Thiên Đức (xã Trung Giáp - Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết, so với trước kia, nhu cầu hoả táng của người dân đã tăng lên nhiều lần. Trong đó, nhu cầu hoả táng nguyên xương chiếm tỉ lệ lớn.
Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực diễn ra toàn bộ quy trình hỏa táng, anh khẳng định bởi đây là công việc liên quan đến tâm linh của cả gia đình, dòng họ nên quy trình hỏa táng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt để tránh sự nhầm lẫn, sơ xuất.
Một đám tang đến đây thực hiện lễ hỏa táng.
Quy trình bao gồm khi xe tang đưa quan tài đến, nhà hỏa táng đã có nhân viên đón sẵn để thực hiện hành lễ đảm bảo phục vụ cho các nghi thức lễ cầu siêu theo tính ngưỡng của từng tôn giáo. Gia đình ký hợp đồng hoả táng, chọn tiểu quách theo yêu cầu, đánh mã số và thực hiện hỏa táng.
Từ đây, vai trò của người thợ vận hành lò thiêu và xử lý tro cốt vô cùng quan trọng.
Nơi hành lễ trước khi thực hiện hỏa táng.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đưa thi hài vào lò, nhấn nút hẹn giờ là xong. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Với công nghệ hỏa táng nguyên xương “không khói, không mùi” hiện đại của Thụy Điển, các gia đình sẽ được nhận 70 – 90% xương của người quá cố. Theo đó, người thợ lò bắt buộc phải có hiểu biết, bằng cấp về điện, cơ khí để vận hành lò thiêu.
Khu vực đưa quan tài vào lò. Hiện nơi đây có 4 lò hỏa táng hoạt động liên tục.
Khác hoàn toàn với tưởng tượng của chúng tôi, với sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ, nơi này không còn cảm giác lạnh lẽo của “âm khí”. Ở đó chỉ có những người thợ lò lành nghề, họ làm việc bằng kiến thức, sự cẩn trọng đến từng centimet với người quá cố.
Trải lòng của người làm nghề
“Người thợ lò bám theo ca hoả táng từ đầu đến cuối, không được phép rời đi bất cứ đâu. Nhiệt độ trong lò lên tới 1300 độ C, tất cả thông số hiển thị trên màn hình máy tính.
Vì có người béo, người gầy, tuổi tác độ cứng của xương mỗi người khác nhau, chất liệu, kích thước áo quan cũng khác nên thợ lò phải vừa làm vừa quan sát bên trong, điều chỉnh máy móc để giữ được 70 – 90% xương”, anh Nô En cho biết thêm.
Tất cả mọi thông số đều được hiển thị qua màn hình máy tính. Người kỹ thuật vận hành lò phải bám lò liên tục và điều chỉnh các thông số để giữ được 70 - 90% xương người quá cố.
Thời gian trung bình từ 1 - 2 giờ là hoàn tất các công đoạn. Sau khi hỏa táng xong, kỹ thuật viên cũng tự tay xếp gọn gàng xương của người quá cố vào tiểu quách và trao lại cho gia đình. Để làm được công việc này, họ cũng phải có chút am hiểu về giải phẫu cơ thể người để tránh xếp ngược xương bên trái thành bên phải hay ngược lại.
Theo cảm nhận của anh Nô En, với đặc thù công việc hàng ngày tận mắt chứng kiến cơ thể người thiêu như thế nào, ban đầu ai vào nghề cũng cảm thấy hơi sợ, có người không làm nổi.
Các dụng cụ chuyên dụng bên trong lò hỏa táng.
Một khi đã vượt qua nỗi ám ảnh, áp lực đó thì việc hàng ngày tiếp xúc với người chết là chuyện bình thường, không có gì ghê sợ. Anh Nô En cũng chưa bao giờ “đốt vía” sau khi đi làm về, vì theo cách anh quan niệm thì “một ngày thiêu mấy chục ca thì đốt đến bao giờ”.
Trước kia, khi Đài chỉ có hai lò, có nhiều lúc anh em phải làm việc liên tục. Bởi lò liên tục hoạt động, mà anh em không được phép rời lò.
Mỗi ca trực kéo dài 12 giờ. Trực đêm là thức trắng. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cứ một đêm trực, họ được nghỉ hai ngày. Đến ca trực là họ chỉ biết làm mọi thứ tận tâm nhất vì họ biết, ở bên ngoài kia, gia đình người đã khuất đang sốt ruột ngóng trông…
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất