Tình huống khó đỡ khiến cả nhà kéo nhau đi xét nghiệm ADN sau lời nói bông đùa, chuyên gia thành người giảng hòa bất đắc dĩ
Tin liên quan
Tưởng buổi tối đầu tuần sẽ là thời điểm cả nhà sum vầy bên nhau, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, nhưng không ngờ mọi thứ lại bị đảo lộn chỉ vì câu nói “lỡ miệng” của người chồng.
Hôm đó, trong lúc đang xem một chương trình trên tivi về dịch vụ xét nghiệm ADN, Lâm* đã lườm vợ và nói: “Chà! Xem chương trình này khối kẻ giật mình!”. Sau câu nói của chồng, Hoa tức tái cả mặt.
Bế đứa con gái mười tuổi tàn tật trên tay, Hoa tức tối bảo: “Anh nói như vậy khác nào chửi vào mặt em, coi em là đồ hư đốn. Em đã quá đau khổ vì đứa con gái tàn tật của mình. Thế mà giờ…”.
Có những câu nói vô tâm nhưng khiến chị em cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Ảnh minh họa.
Chị khóc nấc lên, không thể nói tiếp được nữa. Hoa muốn trừng phạt chồng mặc cho anh hết lời xin lỗi.
Sáng hôm sau, chị nhất quyết “lôi cổ” chồng bằng được đến trung tâm xét nghiệm ADN để làm “ra ngô ra khoai”. Hình ảnh người mẹ ôm chặt bé gái mười tuổi, chân tay co quắp đã khiến những người ở trung tâm xét nghiệm động lòng trắc ẩn.
Hoa ngồi phịch xuống ghế bởi sức nặng của đứa trẻ chị đã ôm suốt dọc đường và có lẽ cũng do nỗi đau đớn, mệt mỏi vì bị chồng xúc phạm. Chị muốn làm thủ tục xét nghiệm xem đây có phải là con của chồng không? Trong khi đó, người chồng với vẻ mặt hối lỗi ra sức năn nỉ vợ đừng làm xét nghiệm nữa.
Lâm khẩn khoản: “Anh đã hiểu là không cần xét nghiệm nữa. Anh lo lắng làm ăn tối ngày vì thương em, thương con. Anh trót lỡ miệng xúc phạm em. Anh xin lỗi em rồi. Anh hứa sẽ không bao giờ làm tổn thương em nữa”. Tuy nhiên, mặc kệ chồng ra sức xin lỗi, Hoa vẫn kiên quyết xin làm xét nghiệm.
Thấy thái độ dứt khoát của người vợ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền đã phải thẳng thắn đặt câu hỏi tại sao.
Người chồng thanh minh rằng cũng chỉ tại một lần trước đây, khi đi làm về, anh thấy bạn trai của vợ đang bón cơm cho con gái nên đã nảy sinh lòng nghi ngờ. Sau khi nghe bà Nga phân tích, người vợ đã ngồi im. Còn người chồng thì tiếp tục chiến dịch “xoa dịu”. Dẫu vậy, người vợ vẫn cố chấp, dứt khoát đẩy chồng ra.
Điều chị em cần ở người chồng là sự cảm thông, thấu hiểu. Ảnh minh họa.
Cuối cùng, người “hòa giải” khúc mắc của hai vợ chồng chính là cô con gái bé bỏng. Chỉ với vài câu nói ngắn gọn: “Mẹ đừng giận bố nữa mà. Mẹ biết là bố rất yêu con, rất yêu mẹ mà. Con muốn về rồi mẹ ạ”, cô bé đã khiến bố mẹ bừng tỉnh.
“Tôi thở phào nhẹ nhõm khi người vợ đồng ý ra về. Có rất nhiều trường hợp không cần đến xét nghiệm AND và đây là một ví dụ”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga bày tỏ.
Thực tế nhiều chị em phụ nữ vô cùng bức xúc, cảm thấy bị xúc phạm khi bị người thân hoặc bạn bè của chồng trêu đùa rất “ác miệng” theo kiểu đứa con “Chắc gì đã phải dòng giống của bố nó”, rồi “Con chẳng có nét nào giống bố, phải đi xét nghiệm ADN mới biết chính xác”.
Nếu chẳng may đứa con không giống bố thì mọi chuyện càng thêm tệ. Thậm chí nhiều cặp, hiểu lầm này xuất phát từ chính sự bông đùa vô tâm của người chồng. Càng cố chấp đẩy mọi thứ đi xa, có thể hạnh phúc gia đình sẽ phải trả giá rất đắt.
Theo bà Nga, để giải quyết thấu đáo vấn đề này, ngoài việc người xung quanh có ý thức trong việc phát ngôn thì rất cần sự hiểu biết, cảm thông của người trong cuộc. Cái người chồng cần nhất ở vợ là sự thông cảm, tha thứ cho lời nói hồ đồ của mình. Còn thứ người vợ cần chính là sự tôn trọng, yêu thương của người chồng dành cho mình.
*Họ tên nhân vật đã được thay đổi.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất