Tiểu thương khóc ròng vì lỗ nặng khi thuê gian hàng hội chợ Xuân "cá kiếm" ngày Tết

Tiểu thương khóc ròng vì lỗ nặng khi thuê gian hàng hội chợ Xuân "cá kiếm" ngày Tết

2018-02-12 10:05
- Nhiều chị em mạnh tay chi tiền để thuê gian hàng hội chợ Xuân để bán hàng Tết, nhưng vì còn "non tay", thiếu kinh nghiệm trong việc kinh doanh hàng Tết nên dẫn đến tình trạng lỗ nặng, bán thốc bán tháo và chỉ mong thu lại vốn.

Những năm gần đây, bên cạnh việc bán hàng online trên mạng xã hội để "cá kiếm" vào những ngày cận Tết, nhiều chị em còn mạnh tay chi tiền để thuê gian hàng hội chợ Xuân để bán hàng với suy nghĩ càng đầu tư thì sẽ thu lại được càng nhiều. Tuy nhiên, điều này không phải bao giờ cũng đúng, đặc biệt là những mẹ còn "non tay", thiếu kinh nghiệm trong việc kinh doanh hàng Tết.

Câu chuyện của chị Hà Tú Linh (Long Biên, Hà Nội) là một ví dụ. Cách Tết 2 tháng, chị Linh bắt tay vào việc kinh doanh nến thơm phật thủ. Việc kinh doanh qua các kênh mạng online và thương mại điện tử tương đối ổn định, mặc dù không quá đắt hàng nhưng cũng đủ giúp chị thu lãi.

Không cảm thấy hài lòng ở đó, chị Linh tìm cách để mở rộng thị trường, tăng thêm lãi để kiếm tiền tiêu Tết. Thấy có người bạn tham gia hội chợ Xuân, chị cũng đầu tư tiền để tham gia, tuy nhiên kết quả thu về không được như mong đợi.

Chị Linh buồn rầu cho hay: "Mình quá sai lầm khi vội vàng mua gian hàng hội chợ xuân để bán hàng trong khi lượng khách của mình chưa thực sự ổn định. Số tiền vốn mình bỏ vào gian hàng hội chợ lên đến gần 50 triệu đồng, giờ chỉ mong thu hồi được vốn đã bỏ ra".

Chị chia sẻ, chị thuê lại mặt hàng gian hàng hội chợ từ một người chủ trước muốn nhượng lại, giá thuê là 13 triệu đồng từ ngày 2 - 10/2, tức là được 8 ngày. Sau đó chị lại mất khoảng 5 triệu để trang trí lại, làm băng-rôn quảng cáo, thuê người, còn lại là tiền vốn bỏ vào hàng.

Hứng khởi trước ngày khai mạc hội chợ bao nhiêu thì những ngày diễn ra hội chợ chị càng rầu rĩ, buồn bã bấy nhiêu.

"Khách mua hàng ghé vào rất lẻ tẻ, nếu có mua thì cũng chỉ mua 1 - 2 chiếc. Có buổi còn không bán được món nào, nhiều khách còn mặc cả đến sát đất, mình chỉ biết cười rồi tiễn khách. Vì bán ở hội chợ, phải có được lãi để bù số tiền đã bỏ ra nên mình phải bán với giá cao hơn thị trường một chút, nhưng nhiều khách đến hỏi giá đều kêu đắt rồi bỏ đi" - Đến sát ngày kết thúc hội chợ, chị Linh lo sốt vó khi hàng chưa đẩy đi được bao nhiêu.

Chị em khóc ròng vì lỗ nặng khi thuê gian hàng hội chợ Xuân cá kiếm ngày Tết

Vì không nắm bắt được lượng khách nên người mua hàng lèo tèo, khiến nhiều chị em bỏ chục triệu đầu tư gian hàng hội chợ phải nhận trái đắng

"Cực chẳng đã, mình đành buông bỏ, để biển là bán phá giá, bán đúng giá nhập vào để mong gỡ gạc lại được ít vốn liếng đã bỏ ra. Buồn lắm, xót tiền lắm nhưng chả biết làm sao, Tết đến cửa rồi, mà hàng này bán không hết trong năm thì cơm Tết mình không nuốt nổi" - chị Linh đã post lên các trang diễn đàn mạng xã hội để mong các chị em giúp đỡ, mua ủng hộ để "đẩy" hàng nhanh hơn.

Trên thị trường 1 cặp nến thơm phật thủ có giá 200.000 - 250.000 đồng/cặp thì chị chỉ bán giá 150.000 đồng/cặp. Nhiều bà mẹ bỉm sữa vì thấy hàng rẻ, lại đồng cảm với tâm trạng của chị Linh nên đơn hàng đổ về ầm ầm.

Chị Linh cho hay: "Cũng may, ngày kết thúc hội chợ là ngày hàng được bán hết. Dù không có lãi lời gì nhưng mình vẫn không khỏi vui mừng vì không bị hụt quá nhiều tiền vốn. Cũng may có các mẹ trên diễn đàn đặt hàng mua, có người còn đến tận nơi mua ủng hộ. Đây thực sự là một bài học lớn với mình, khi mà không tìm hiểu trước thị trường đã xăm xăm đầu tư lớn".

Chị Linh cũng nhận xét, phần lớn các gian hàng tại hội chợ đều là do các công ty hay cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình thuê mở, những đơn vị này đều đã có tiềm lực kinh tế, việc bán các mặt hàng tại hội chợ phần lớn mang tính chất quảng bá hình ảnh sản phẩm. Đối với những "tay mơ" như chị Linh thật không dễ để trụ được ở hội chợ nếu không có nguồn cầu ổn định.

Cũng cùng tình huống như chị Linh, chị Ngọc Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng suýt khóc khi nghe lời bạn thuê một gian bán hàng tại một hội chợ được mở tại công viên gần nhà, bán thịt bò gác bếp Tây Bắc.

Chị Thảo cho biết, chị "ngây thơ" nghĩ rằng món thịt bò gác bếp Tây Bắc thường được nhiều người chọn mua vì ngon, được dùng làm quà biếu tặng nhiều, làm món ăn vặt Tết cũng rất phù hợp thế nên không lo ế. Tuy nhiên, chị Thảo không hề tính đến việc giá thịt bò khô Tây Bắc khá cao, trong khi bản thân chị Thảo phải nhập về qua 2 - 3 tay nên giá đội lên không ít.

Chị em khóc ròng vì lỗ nặng khi thuê gian hàng hội chợ Xuân cá kiếm ngày Tết

Nhiều chị em đặt cược lớn vào hội chợ Xuân nhưng suýt khóc vì ế hàng, chưa có kinh nghiệm bán hàng hội chợ

"Khi mình bán hàng trên mạng thì không cần tính đến tiền thuê mặt bằng, chỉ cần bán giá chênh lên để ăn lãi là được. Nhưng khi bắt tay thuê gian hàng Tết thì mình mới biết mình còn quá nhiều thiếu sót, tiền hàng sẽ phải cộng thêm cả tiền thuê mặt bằng, nếu không nâng lên thì sẽ không có lãi, mà dù không thêm phần lãi của mình vào thì giá thịt cũng cao hơn giá thị trường rồi.

Trong khi hội chợ này được tổ chức chủ yếu cho người dân quanh phường mua sắm Tết, họ thường mua những loại hàng như nem, chả lụa, mứt để ăn tết chứ ít ai quan tâm đến mặt hàng đắt đỏ như thịt bò gác bếp" - chị Thảo buồn rầu chia sẻ.

Rốt cục, kết thúc 5 ngày diễn ra hội chợ, chị Thảo đành ôm hàng về nhà tiếp tục bán trên mạng xã hội và chấp nhận chịu lỗ gần chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng gian hàng hội chợ.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tình yêu chưa bao giờ sai, cái sai có chăng là 'người yêu'...

Đọc nhiều nhất