Thủ tục chấm dứt nhận con nuôi và làm giấy khai sinh có quá rườm rà?
Tin liên quan
Mới đây, tòa soạn Emdep.vn nhận được nhiều mail thắc mắc của bạn đọc về các thủ tục làm giấy khai sinh cho con. Để giúp độc giả hình dung đầy đủ về thủ tục này, chúng tôi đã liên hệ với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội giải đáp thắc mắc cho độc giả.
Trẻ bị bỏ rơi sau đó được 1 gia đình nhận nuôi và làm giấy khai sinh. Sau ba năm nuôi trẻ đến thời điểm hiện tại gia đình không muốn nhận bé làm con nữa và không muốn đứng tên là mẹ. Xin hỏi có làm thủ tục được không và hướng dẫn làm thủ tục như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quan hệ giữa cha mẹ nuôi với con nuôi như sau:
Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi
1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.
Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.
3. Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010, các trường hợp sẽ dẫn tới chấm dứt việc nuôi con nuôi:
“Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Giấy khai sinh cho con. Ảnh minh họa
2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi.
3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi.
4. Vi phạm các điều bị cấm khi nuôi con nuôi, được quy định tại Điều 13 của luật này”.
- Thứ nhất, Thẩm quyền của tòa án giải quyết việc chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Theo Điều 10 Luật nuôi con nuôi quy định về Thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì theo đó Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thành phố nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi (Theo Khoản 1 điều 28 và Điểm l, Khoản 2, Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự).
- Thứ hai, các bước tiến hành giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi tại tòa án:
Khi muốn giải quyết việc chấm dứt việc nuôi con nuôi, người nuôi con nuôi thực hiện các thủ tục được quy định theo thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam. Thủ tục gồm các bước sau:
Bước 1: Gửi đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền (đơn yêu cầu giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi). Đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự được quy định tại Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm viết đơn;
b) Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;
c) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;
đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;
e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;
g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
Gửi kèm theo đơn yêu cầu là tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Bước 2: Tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa giải quyết việc dân sự và sẽ ra quyết định về việc giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi. Người yêu cầu giải quyết việc dân sự phải nộp lệ phí, án phí theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án (nếu có): Nếu cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham dự phiên tòa giải quyết việc nuôi con nuôi không có kháng cáo với quyết định của tòa cho chấm dứt việc nuôi con nuôi thì quyết định của tòa án sẽ có hiệu lực pháp luật.
Tôi làm giấy khai sinh cho con ở quê. Tuy nhiên phường xã nơi tôi sinh sống hẹn cấp giấy khai sinh trong vòng 1 tháng.
Quý báo cho tôi hỏi thời gian cấp giấy khai sinh tối đa là bao lâu, trong trường hợp tôi muốn làm giấy khai sinh sớm có được hay không? Nếu được tôi cần chuẩn bị những thủ tục gì?
Luật sư Đặng Văn Cường: Thủ tục đăng ký làm giấy khai sinh đúng hạn theo các bước dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Người đi đăng ký khai sinh (cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích khác của trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Nếu không có người làm chứng, người đi khai sinh làm giấy cam đoan việc sinh là có thực.
- Sổ Hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ. Trường hợp đã ly hôn thì mang hộ khẩu của người đi khai sinh.
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn). Nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ quan hệ hôn nhân của cha mẹ, không bắt buộc xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
- CMND/Hộ chiếu Việt Nam (bản chính và bản photo) của cha mẹ hoặc người đi làm thay.
- Điền mẫu tờ khai đăng ký khai sinh (Mẫu TP/HT-2012- TKKS.1 quy định tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực).
Ảnh minh hoạ
Bước 2. Thủ tục làm giấy khai sinh quá hạn cho con
Người đăng ký khai sinh quá hạn nộp các giấy tờ:
- Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định): Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi sinh ra cấp; nếu sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đẻ (nếu cha, mẹ của người được khai sinh có đăng ký kết hôn).
Sau khi nộp đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký quá hạn.”
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 5 ngày.
Khi đi đăng ký khai sinh nếu có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì sẽ được đăng ký đúng theo nội dung đó.
Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.
Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký khai sinh quá hạn. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ bạn trong trường hợp cha, mẹ bạn đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ bạn vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ sẽ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
Bước 3. Thủ tục làm giấy khai sinh cho con khi ba mẹ chưa đăng ký kết hôn
Theo luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng như sau:
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Theo quy định mục II, khoản 4, điểm b thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn chi tiết Nghị định 58/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch quy định: b) Trường hợp con sinh ra trước ngày cha, mẹ đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận, thì tên của người cha sẽ được ghi ngay trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con mà người cha không phải làm thủ tục nhận con.
Cho nên, với trường hợp ba mẹ chưa kết hôn nhưng có căn cứ cho thấy đã sống chung như vợ chồng, người cha vẫn được nhận con và con sẽ mang họ bố.
Thủ tục nhập hộ khẩu cho con mới sinh
Trẻ được nhập khẩu theo bố hoặc mẹ. Việc nhập khẩu cho trẻ là hoàn toàn miễn phí. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ. Nếu quá thời hạn này mà chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu thì bị phạt tiền.
Trang Lê
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất