Tháng cuối năm, chủ trọ ấm ức vì người ở trọ “bùng” tiền thuê nhà, bí mật cao chạy xa bay trong đêm
Tin liên quan
Chỉ vì thương người ở trọ “khó khăn”
Tại khu nhà trọ trên đường Vạn Phúc, dãy nhà trọ của vợ chồng anh Đặng Hồng Sung (Q. Hà Đông, Hà Nội) luôn được lòng giới công nhân, sinh viên có nhu cầu thuê phòng. Bởi nhà của chú có giá rất vừa phải, ở tách biệt với nhà chủ, lại không yêu cầu đặt cọc. Bao nhiêu năm cho thuê nhà trọ, vợ chồng chú chưa bao giờ phải đi đòi nợ tiền nhà, vì đa phần người ở thật thà lắm, nợ tháng này là tháng sau trả ngay.
Tháng cuối năm, vợ chồng anh Đặng Hồng Sung dự định lấy được tiền thuê hai căn nhà trọ sẽ dồn vào làm ăn tháng giáp Tết. “Tổng số tiền nợ hai căn nhà trọ là gần 5 triệu đồng. Người ở trọ nói rằng họ đang khó khăn, xin nợ một tháng. Nghĩ họ ở đây đã lâu, đang gặp khó khăn thì thư thư cho hai tháng tiền nhà”, chú Sung cho hay.
Khi vợ chồng chú Sung đến thì người ở trọ đã chuyển đi lúc nào không biết. Ảnh: Thu Hà
Mặc dù vợ giục xuống đòi tiền nhà nhưng chỉ vì thương người ở trọ “khó khăn”, chú Sung đã gạt đi. Vợ chồng chú không thể ngờ ngay trong đêm hôm ấy, người ở trọ đã bí mật cao chạy xa bay cùng gần 5 triệu đồng tiền phòng trọ, điện nước.
“Gọi điện nhiều lần, người ở trọ vẫn hứa hẹn sẽ trả tiền nhưng không biết khi nào. Chỉ vì thương người mà hại đến thân. Giờ không biết họ ở đâu mà tìm”, chú Sung thở dài.
Tương tự tình cảnh trên, cô Nguyễn Thị Hoa (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cũng từng mất trắng số tiền 120 triệu đồng cho thuê nhà chỉ vì “thương người”. Cô có một căn nhà 3 tầng tại Q. Thanh Xuân cho thuê toàn bộ nhà với giá 10 triệu đồng/ tháng.
“Người thuê là một hộ gia đình, trả tiền nhà theo quý 3 tháng một lần. Sau khi trả được quý đầu tiên, người thuê khất hết lần này đến lần khác tiền nhà. Sau một năm, số tiền thuê nhà lên tới 120 triệu đồng”, cô Hoa kể.
Khi số tiền nợ thuê nhà lên đến mức quá lớn, người thuê đã rắp tâm “bùng tiền”. Mỗi hôm, họ chuyển đồ đi một ít mà cô Hoa không hề hay biết. Chỉ cho đến khi thấy người thuê chuyển giường, chuyển tủ, hàng xóm gọi điện báo cho cô Hoa. Khi đó, cô phi một mạch từ phố Hàng Chuối xuống đến nơi thì người ở thuê đã đi mất hút.
Ai cũng thắc mắc tại sao cô Hoa lại để người thuê nhà nợ số tiền quá lớn, vượt quá khả năng trả nợ? Cô Hoa cay đắng cho hay chỉ tại cô “thương người ở trọ khó khăn” mới ra nông nỗi này.
Đề phòng kẻ “túng quá làm liều” thế nào?
Theo kinh nghiệm của chị Đỗ Thị Ngọc (chủ dãy nhà trọ tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội), tháng giáp Tết và tháng nghỉ hè luôn là thời điểm dễ bị người ở thuê bùng tiền nhà nhất trong năm. Vì đây là hai tháng được nghỉ dài, về quê lâu ngày, người ở thuê muốn “tiết kiệm triệt để” tiền thuê nhà nên tìm cách “ăn không” chi phí thuê nhà.
Được ở trọ tách biệt với chủ nhà vừa có mặt lợi song cũng rất khó quản lý. Ảnh: Thu Hà
Hiện chị Ngọc có 13 nhà trọ cho sinh viên, công nhân và hộ gia đình. Với các thành phần phức tạp như thế, chị khẳng định rất khó để tránh tuyệt đối nguy cơ bị bùng tiền. Tuy nhiên, chị Ngọc vẫn có một vài “chiêu điều trị” những người có ý định trốn tiền thuê trọ.
“Số tiền thuê trọ thường không lớn, nên dù có lấy chứng minh nhân dân phô tô cũng không ai cất công tìm về tận quê người ở trọ để đòi tiền. Để tránh nguy cơ bị mất tiền ở trọ, tốt nhất nên yêu cầu người thuê phải đặt cọc một tháng tiền thuê nhà và nhất định không cho nợ đến tháng thứ hai. Như thế, nếu chẳng may họ chuyển đi thì đã có tiến đặt cọc bù vào”, chị Ngọc nói.
Còn cô Nguyễn Ánh Tuyết, chủ ba căn nhà cho thuê với giá từ 1.8 - 2 triệu đồng tại Q. Hoàng Mai thì chủ trương chỉ cần người thuê đặt cọc 500.000 đồng nhưng “thấy có dấu hiệu chày bừa, nợ tiền một tuần là…đuổi thẳng cổ”. Với cách làm như thế, cô Tuyết chưa bao giờ bị người ở trọ bùng tiền.
“Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông vào tiền cho thuê ba căn nhà trọ. Nên phải làm chặt để tránh mất cả chì lẫn chài”, cô Tuyết nhấn mạnh.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất