Số phận đáng thương của bé gái 3 tuổi mồ côi bố, mẹ khù khờ

Số phận đáng thương của bé gái 3 tuổi mồ côi bố, mẹ khù khờ

2018-04-22 07:00
- Sinh con ra mắc chứng bệnh bại não, người chồng cũng vì vậy mà biệt tích, không đoái hoài cuộc sống của hai mẹ con. Chị Hiền ôm con về nhà ngoại ở. Gánh nặng đè lên vai người mẹ già bất hạnh.

Gánh nặng vai gầy.

Trong căn nhà đại đoàn kết do sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con nhân dân xây dựng, bà Danh Thị Ngọc Liên (59 tuổi, ngụ ấp Tân Vinh, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) ngồi đung đưa chiếc võng, cố gắng vỗ về cháu ngoại ngủ. Đã hơn 3 tuổi nhưng bé Danh Thị Mỹ Hạnh (cháu ngoại bà Liên) chỉ nằm một chỗ, miệng há hếch, khuôn mặt vô hồn vì căn bệnh bại não.

Bà Liên bên con gái khù khờ, cháu ngoại bại não

Nhắc đến số phận bất hạnh của cháu ngoại, bà Liên chỉ biết gạt nước mắt nhớ đến số kiếp khổ đau của cả gia đình.

Bà lấy chồng, sinh được hai người con thì cậu con trai đầu là Hồ Văn Tý (33 tuổi) may mắn được mang họ bố. Khi sinh con gái thứ 2, người chồng bỏ về nhà nội sống, không đoái hoài cuộc sống của 3 mẹ con. Một mình bà Liên thui thui nuôi 2 đứa con. Cô con gái cũng vì vậy mà phải mang họ mẹ.

Bất hạnh vẫn không chịu buông tha cho bà khi nhận thấy càng lớn, hai đứa con không được thông minh, nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác mà khù khờ, chậm chạp.

3 tuổi, bé Hạnh chỉ nằm một chỗ vì bệnh hiểm nghèo.

4 năm trước, con gái bà là Danh Thị Hiền (27 tuổi) may mắn được một thanh niên cùng cảnh đem lòng yêu thương, nên nghĩa vợ chồng. Bà đã vui mừng vì nghĩ rằng số phận được an ủi. Từ đây, con gái mình sẽ có chỗ dựa cho cuộc đời, cũng được làm vợ, làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Ngày chị Hiền mang thai, hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, giận dỗi nhau, chị bỏ về nhà mẹ ruột sống.

"Ngày sinh con, chồng nó cũng có đến bệnh viện chăm sóc. Khi xuất viện cũng thường xuyên lui tới thăm nom. Thế nhưng, khi đứa bé được gần 2 tháng tuổi, phát hiện bị bại não, con rể cũng bặt tăm. Từ đó đến nay chẳng một lần ghé đến thăm hỏi xem mẹ con nó sống chết thế nào", bà Liên thở dài chia sẻ.

Bé Hạnh khi sinh ra cũng bình thường, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, khi 2 tháng tuổi, phát hiện cháu ngoại có những biểu hiện bất thường, khuôn mặt vô thức, ít bú, ít quấy khóc, bà Liên đưa đi khám thì chết lặng khi biết cháu ngoại bị bại não bẩm sinh.

Bé Hạnh mang họ mẹ, suốt 3 năm không được bố ghé thăm

Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, người mẹ khù khờ, sau khi nghe bác sỹ giải thích đây là một trong những căn bệnh hiểm nghèo, Bà Liên chỉ biết ngậm ngùi gạt nước mắt, ôm con về chấp nhận số phận.

Bé Hạnh mang họ mẹ, lớn lên trong tình thương của gia đình bên ngoại. Đã 3 tuổi nhưng Hạnh chỉ nằm một chỗ, ăn cháo loãng xay nát, cơ thể ngày càng yếu ớt, vô thức.

Thảm cảnh gia đình.

Từ ngày chị Hiền sinh con bệnh tật, cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng thêm túng thiếu. Con trai lớn của bà Liên dù đã 33 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Hàng ngày, anh Tý theo chân người dân đi khuôn vác gỗ với tiền công 80 đến 100 nghìn đồng/ ngày. Số tiền này đủ để cả gia đình 4 miệng ăn chi tiêu một cách tằn tiện. Bà Liên dù đang có khả năng bươn chải với cuộc sống nhưng vẫn phải ở nhà chăm sóc cháu ngoại.

Đứa trẻ lớn lên trong tình thương yêu của mẹ và bà ngoại

Hơn một năm nay, chị Hiền đi làm cỏ lúa thuê cho người ta. Mỗi ngày như vậy cũng kiếm được 100 nghìn đồng, đủ mua thức ăn cho con hàng ngày, trang trải chi phí mỗi lần ôm con nằm viện.

Ông Nguyễn Văn Thới (trưởng ấp Tân Vinh) cho biết, gia đình bà Liên là một trong những hộ gia đình nghèo triền miên của xã. Hai đứa con thì khù khờ, cháu bại não. Trong nhà chỉ một mình bà khỏe mạnh, bình thường thì tuổi cũng đã cao, hàng ngày ở nhà chăm lo cho cháu ngoại bất hạnh.

Mấy năm trước, chính quyền địa phương cùng bà con đã chung tay góp công, góp của xây cho gia đình bà căn nhà đại đoàn kết, thay thế căn nhà cũ, xuống cấp trầm trọng.

Hoàng Hải

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đừng rơi nước mắt quá nhiều lần cho một nỗi đau

Đọc nhiều nhất