Phu vàng náo loạn trốn khỏi thung lũng chết Mà Sa Phìn
Trước khi quyết định thâm nhập vào “thung lũng chết” Mà Sa Phìn, chúng tôi đã thấy từng tốp phu vàng lầm lũi lê những bước chân mệt nhoài đi qua UBND xã Nậm Xây. Ai cũng nhỏ thó, trẻ lắm, áng chừng 18-20 tuổi. Tại đó, có một chiếc ô tô trắng toát, 1 gã trung niên và một người phụ nữ chờ sẵn đẩy các em lên xe để thoát sự truy vấn của báo chí.
“Muốn biết chuyện phu vàng, phải cắt suối đi vào con đường độc đạo phía trước, con đường dẫn lên Mà Sa Phìn ấy. Mấy hôm nay, ngày nào chả có hàng chục người bỏ chạy về quê” - một người dân cho biết
Cạnh UBND xã Nậm Xây có một cây cầu bằng bê tông cốt thép nhưng đã bị lũ đánh sập. Mấy ngày trước, nước lớn, chảy xiết, chả ai dám lội qua con suối này cả. Hôm nay, người ta ghép tạm mấy thân cây làm cầu.
Lũ cuốn phăng cầu, người ta phải ghép tạm mấy thân cây để đi
Cây cầu tạm này được làm để vận chuyển thi thể những phu vàng xấu số qua suối. Muốn đưa một thi thể qua cầu, phải trả 3 triệu đồng - người dẫn đường Bàn Phúc Bảo nói.
Tôi và các đồng nghiệp men theo những hòn đá cuội, bám lấy nhau để vượt qua dòng nước cuồn cuộn chảy xiết, thẳng hướng đến Mà Sa Phìn. Người dẫn đường ái ngại: Từ đây vào đến đó chính xác là 22km, chỉ di chuyển xe máy được tầm 4km, còn lại, phải đi bộ. Các anh muốn quay về bây giờ vẫn còn kịp.
5 chúng tôi vẫn bám vào nhau, vượt qua con suối đỏ ngầu như màu máu đang gào thét, chẳng ai đoái hoài đến lời cảnh báo của người dẫn đường. Đồng hồ chỉ 12 giờ trưa.
Vượt qua con suối đầu tiên, di chuyển thêm 2 km nữa, đã thấy một đám người ngồi cạnh hang đá trú mưa. Tất cả đều run rẩy, ánh mắt bạc thếch, mặt cúi gằm, thi thoảng mới đưa ánh mắt hãi hùng lén nhìn chúng tôi.
Đường từ xã Nậm Xây vào Mà Sa Phìn, nơi các phu vàng thiệt mạng
Hỏi về cơn lũ quét ở Mà Sa Phìn, ai cũng đồng thanh: Không biết, không chết; một nhóm khác thì lí nhí rằng chỉ có 1-2 người chết thôi. Người dẫn đường rỉ tai tôi: Bọn nó không dám nói đâu, trước khi về đây, đã bị bưởng vàng nhốt lại quán triệt phải trả lời báo chí như vậy.
Đi một quãng, lại gặp một tốp chừng 10 người đi ngược hướng chúng tôi. Phải thuyết phục mãi các em mới chịu nói, rất kiệm lời, và tuyệt nhiên không hé lộ tên tuổi mình.
Một em trẻ nhất, quê ở tít tắp miền núi Cao Bằng kể: Các em làm cho vợ chồng Hiểu Linh ở Thái Nguyên. Trước khi mưa lũ, họ đã bỏ về quê, chỉ có các em ở trong lán trại với nhau. May mắn là thời điểm lũ quét kinh hoàng, lán của các em vẫn an toàn. Dù chủ vàng còn nợ lương nhưng họ vẫn bỏ về nhà. Hỏi: Có quay trở lại nữa không, các em lí nhí: Sợ lắm rồi, ở nhà làm ruộng với bố mẹ thôi.
“Chết nhiều lắm”
13h, mưa trắng trời, nước ừng ực tuôn về từ thượng nguồn, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ ven đường mua thêm ít nước, ăm tạm bát mì gói để chuẩn bị cho hành trình đi bộ vào thung lũng chết Mà Sa Phìn.
Chủ quán tầm 20 tuổi, tên Triệu Tòn Nhất (thôn Phù Lá, xã Nậm Xây) bảo: Chết nhiều lắm, chính mắt em nhìn thấy hơn 20 thi thể phu vàng được đưa qua đây, thời gian chủ yếu là từ chiều cho đến 12 giờ đêm. Cứ nhìn tốp nào mà 4 người đi cùng 1 cái cáng, y như rằng đó là thi thể của những nạn nhân xấu số được vận chuyển về quê. Các bưởng vàng thuê dân bản địa “cõng” các phu vàng đến nơi ô tô có thể di chuyển được. 4 người thay nhau cáng ra gần trụ sở UBND xã.
Quán của Triệu Tòn Nhất mở cửa từ tờ mờ sáng đến 12h đêm. Và, con số những phu vàng vì miếng cơm manh áo bỏ mạng giữa đại ngàn chỉ là “tính đến 12 giờ đêm”.
Chủ quán cho biết: "Từ hôm lũ quét, có khoảng 20 người bị thiệt mạng được dùng cáng đưa qua đây".
Một người đàn ông bước vào quán mua mấy phong lương khô lót dạ. Ông tên Giàng A Khua, nhà ở Mù Cang Chải, Yên Bái, là một trong hàng trăm người được các bưởng vàng thuê vận chuyển những người vắn số may mắn được tìm thấy dưới đống đất đá.
Giàng A Khua bảo, ông được các ông chủ hầm vàng thuê cáng các phu vàng thiệt mạng. Mỗi lần như vậy, họ được trả 2 triệu đồng cho 8 tiếng đi bộ.
Chúng tôi rời quán, bắt đầu hành trình đi bộ vào Mà Sa Phìn. Con đường nhão nhoẹt, trơn truột. Những viên đá to bổ chảng như những con trâu rừng bị cuốn phăng, án ngữ giữa đường. Có những cung đường bị sạt lở gần hết, chỉ đủ để đặt 1 bàn chân men theo và bước qua.
Một người đàn ông tầm hơn 40 tuổi ngồi mệt nhoài bên một lán trại bỏ hoang. Ông tên là Nông Văn Thành, ở Ngân Sơn, Bắc Kạn.
Ông Thành kể: Đêm đó sấm chết đì đoằng, mưa như ném đá vào mặt. Đang ở lán phía dưới, thấy kế bên nước ào ào tràn xuống, lán của ông bị lấp một phần. Hoảng, cả 4 người vội đu cây, cố men lên phía lán chỉ huy trong đêm tối mịt mùng.
Một lán trại của phu vàng bị sập
Vừa lên đến lán chỉ huy - nơi vợ chồng ông chủ tá túc, lại thấy một đợt mưa lớn nữa. Chưa kịp định thần thì đã nghe một tiếng động lớn. Đất đá, cây cối ầm ầm đổ xuống. Chủ hầm vàng tên Chu Đình Ngao bị vùi lấp trong chốc lát, người vợ tên Chiến bị dòng nước cuồn cuộn cuốn xuống dưới, giơ đôi tay cầu cứu trong vô vọng. Ông Thành may mắn thoát chết trong gang tấc.
Lán ông Thành có 3 người bị chết, 1 người bị thương. Ở lán trại bên cạnh, ông nhìn rõ đất đá từ từ lấp đầy một cháu bé mới 15 tuổi mà bất lực.
Một phu vàng thất thần trở về từ Mà Sa Phìn
“Nhà tôi ở cạnh nhà chủ hầm vàng bị thiệt mạng. Tiền công còn chưa được lĩnh mấy tháng rồi nhưng thôi, bây giờ vợ chồng ông chủ chết hết rồi, vợ còn chưa tìm thấy xác nữa. Sau đợt này, tôi ở nhà hẳn luôn, sợ lắm rồi”- ông Thành thở dài.
Từng tốp người vẫn lầm lũi trở về nhà sau đêm động rừng ấy. Ai cũng hoảng loạn. Giữa đại ngàn Mà Sa Phìn ấy, vẫn còn những thân hình không nguyên vẹn nằm lại.
Chẳng ai biết đã có bao nhiêu người bỏ mạng, bao nhiêu người nằm xuống dưới thung lũng chết Mà Sa Phìn. Câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ Lào Cai vẫn là: 2 người chết, 4 người bị thương.
(Theo Vietnamnet)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất