PGS.Trần Xuân Nhĩ: 'Nếu có tiền tôi cũng không cho con học trường có học phí 500 triệu/học kỳ'
Tin liên quan
Thời gian gần đây, cư dân mạng dậy sóng khi một trường quốc tế công bố mức học phí khủng với con số lên đến hơn 500 triệu đồng/học kỳ (với khối lớp 11, 12) khiến nhiều người ngỡ ngàng. Lại thêm, nhiều thông tin cho rằng, mặc dù trường mới khai giảng và chiêu sinh nhưng một số lớp học tại trường này đã kín suất.
Trước thực trạng đang khiến dân mạng xôn xao trên, PV Emdep.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GDĐT.
Pv: Thưa ông, gần đây dư luận đang có nhiều bình luận về mức học phí ở một số trường quốc tế. Có trường mức học phí lên đến 500 triệu đồng/học kỳ. Từng là một người đứng đầu ngành giáo dục, ông có nhận định gì về con số khủng trên?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Đầu tiên, phải nói tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam ta nhiều người giàu thật. Nhìn xa hơn về mặt bằng cuộc sống ở một số quốc gia trên thế giới, họ thu nhập cao, có người thu nhập bình quân mỗi năm lên đến hàng trăm nghìn USD hay thấp nhất cũng phải 40.000 USD nên mức học phí của học sinh rơi vào khoảng 300-400-500 triệu/học kỳ hay trên một năm vẫn được coi là phù hợp.
Ở Việt Nam, nếu làm cán bộ nhà nước, mỗi tháng thu nhập giao động từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Nếu ở chức vụ cao, lương có thể lên đến chục triệu là cùng. Chưa tính đến những vùng sâu vùng xa, những nơi miền núi học phí chỉ 200-300 ngàn đồng/tháng.
Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT, PGS. Trần Xuân Nhĩ trao đổi với PV.
PV: Vậy theo ông mức học phí 500 triệu đồng/học kỳ nói lên điều gì?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Việt Nam đang hướng đến một xã hội rút ngắn về khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, thông tin này đang chứng minh một điều ngược lại. Cái rãnh phân biệt giàu nghèo của nước ta ngày một kéo ra rộng hơn.
Vì vậy, những trường có mức học phí đến 500 triệu/học kỳ như thế vẫn tuyển được học sinh chứng tỏ trong xã hội ta có những người giàu quá... Và chuyện này đứng ở góc độ xã hội, các nhà nghiên cứu phải xem xét lại.
Theo tôi, với mức học phí khủng như vậy thì ngôi trường này chỉ thu hút được những cậu ấm cô chiêu con nhà đại gia có điều kiện ở các thành phố.
Pv: Cha mẹ nào cũng muốn con được giáo dục trong những môi trường tốt, vì vậy nhiều gia đình cố gồng mình để con được học tập trong ngôi trường quốc tế. Phải chăng tiền nhiều là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của đứa trẻ sau này, thưa ông?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, với những trường quốc tế, có điều kiện về cơ sở vật chất, bàn ghế, thầy cô giáo, tất cả các thứ tốt... chuyện đó là bình thường, ai cũng hiểu. Tuy nhiên, để bỏ 1 số tiền lớn như thế ra thì vẫn là quá mức.
Chúng ta chỉ cần tính nhẩm, trung bình 1 năm đã mất cả tỷ rồi (Tất nhiên tùy từng cấp học có con số học phí khác nhau). Nhưng cộng dồn 12 năm và thêm những khoản lằng nhằng khác thì số tiền ấy tốn kém đến mức nào.
Hơn thế nữa, yếu tố con người mới là yếu tố tiên quyết trong việc thành công của một đứa trẻ chứ không phải đầu tư càng nhiều tiền học cho con càng tốt, càng giúp con trưởng thành.
Đỗ Nhật Nam là một điển hình, bây giờ cậu ấy đang sống bên Mỹ. Cậu ấy không phải được đào tạo ở môi trường quốc tế như vậy mà phần lớn cậu tự học ở nhà. Vì vậy, vật chất là một phần rất nhỏ quyết định đến sự thành bại của một đứa trẻ. Những yếu tố đi đầu khác phải kể tới như phương pháp học, sự chăm chỉ, sự đồng hành của phụ huynh với đứa trẻ đó suốt quá trình.
Không chỉ Đỗ Nhật Nam, rất nhiều sinh viên khác đỗ đầu trong các kỳ thi. Họ không phải là những người sống ở thành phố mà họ ở những vùng xa xôi đầy khó khăn nhưng chịu khó học tập thì vẫn có thể đạt được những kết quả tốt đẹp.
Pv: Xoay quanh về vấn đề giáo dục trong trường quốc tế với mức kinh phí khủng, ông có nhận định gì thêm gì về điều này không?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Học phí cao có thể dẫn đến chuyện những đứa trẻ được đi học ở những ngôi trường này đôi khi không xác định đúng sai mà lại sinh ra tính tự kiêu, cho rằng mình là con nhà giàu, coi thường đồng tiền, thấy tiền rẻ mạt đi. Cho nên điều đó đôi khi không phải tích cực mà còn tiêu cực, làm hư con.
Hơn nữa, khi được học trong môi trường đó, học sinh được nâng niu, chiều chuộng quá mức khiến cho trẻ có cái tôi phát triển quá cao, có thể dẫn đến những hành động chưa đúng mực.
Yếu tố kinh tế có quyết định sự thành đạt của một đứa trẻ sau này? Ảnh minh họa.
Pv: Vậy đưa ra giả định, ông sẽ đầu tư cho con mình được học tập tại ngôi trường quốc tế này không nếu đủ khả năng lo được?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Một trường học ở Việt Nam thu học phí đến mức 500 triệu/học kỳ hoặc trên cả năm, tôi thấy đó là sự lãng phí không cần thiết.
Tôi có con nhưng tôi cũng không thể nào có đủ tiền để cho con theo học 1 trường như thế... Và thậm chí nếu có tiền tôi cũng không cho con học kiểu đó. Cho dù chất lượng đào tạo của những trường đó có gấp 2 lần chất lượng các trường ở Việt Nam đi nữa mà học phí gấp mấy trăm lần như thế thì nó vẫn thể hiện sự bất hợp lý.
Thay vào đó tôi sẽ cho con học ở một ngôi trường khác với mức học phí phù hợp hơn. số tiền còn lại sẽ làm phúc lợi cho xã hội. Cách sử dụng đồng tiền như vậy có lẽ sẽ hợp lý hơn chuyện sử dụng đồng tiền 1 cách lãng phí như thế.
Xin cảm ơn ông!
Cù Hiền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất