Người đi thu thập hài nhi: "Từng có người nói tôi hâm dở"

Người đi thu thập hài nhi: "Từng có người nói tôi hâm dở"

Thủy Nguyên 2014-09-19 10:34
- (Em đẹp) - Từng có người nói là "hâm dở" khi đi thu thập hài nhi bị bỏ rơi, nhưng với tấm lòng nhân ái, vẫn có những con người âm thầm làm công việc đầy nhân văn ấy.
Dưới những ngôi mộ được đổ bê tông chắc chắn ở nghĩa trang thôn Đồi Cốc (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) là gần 7 vạn hài nhi không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời khi phải chia lìa sự sống khi đang thành hình.

>>> Chuyện ở phòng phá thai: Tâm sự thật của những cô gái trẻ bên bàn "thủ thuật"

Những nấm mộ vô danh

Đi dọc theo những ngôi mộ thẳng tắp, phóng viên Emdep.vn đã dừng thật lâu trước những tấm bia mà ngày sinh của các bé trùng với ngày mất. Những nấm mộ được chăm sóc, trông nom nhưng vẫn toát lên cái gì đó khá lạnh lẽo. Ông Nguyễn Văn Thạo (Quản lý nghĩa trang thai nhi thôn Đồi Cốc, Sóc Sơn) dẫn chúng tôi lại gần hơn với nơi lưu trữ hàng trăm xác hài nhi đang được bảo quản để chờ hạ huyệt.

Trầm ngâm khi nhấc lên túi nilon màu đen mà bên trong là những sự sống nhỏ đã bị tước đoạt, ông Thạo nhẩm tính: "Cũng gần 600 em rồi…". Vừa dứt lời, ông thở dài và hướng đôi mắt về phía những ngôi mộ đang được đắp dở, phía dưới ngôi mộ là những lớp tiểu sành đã được chuẩn bị một cách cẩn thận.

"Hầu hết những thai nhi được chôn cất ở đây đều vô danh. Có những cháu đã 4 – 5 tháng tuổi, đã thành hình, chúng tôi cho riêng vào một tiểu và đặt cho các cháu một cái tên. Nhưng mỗi lần đặt những hài nhi đã thành hình ấy vào tiểu khiến tôi không khỏi xót xa. Thậm chí, không ít lần, tôi phải nén lòng mình quay đi vì nước mắt cứ chực chảy ra trên mắt. Bên cạnh đó, có những hình hài không còn nguyên vẹn, vì phải qua các thủ thuật phá thai khiến tim tôi như bị bóp nghẹt",
ông Thạo chia sẻ.



Những nấm mộ với ngày sinh và ngày mất trùng nhau.


Cùng chung tâm sự với ông Thạo, bà Nguyễn Thị Nhiệm - người mà gần 10 năm qua cùng chồng âm thầm đi nhặt xác hài nhi trên địa bàn Đông Anh, Sóc Sơn… để đưa về giúp "cho các em có được một mái nhà và không phải nằm lại nơi bãi rác", bà Nhiệm nói khi tiếng kinh cầu nguyện vẫn đang vang lên đâu đó quanh khu nghĩa trang.

Hàng năm, bà Nhiệm cùng mọi người tổ chức sinh nhật cho các hài nhi xấu số vào dịp Tết Trung thu và lấy ngày 28/12 (dương lịch) làm ngày cúng giỗ cho tất cả các em. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 xác hài nhi được mang về nghĩa trang bảo quản, có ngày cao điểm lên tới 70 em bị tước bỏ quyền sống.

"Đó mới chỉ là một vài phòng khám, bệnh viện ở ngoại thành mà chúng tôi kết nối được. Còn trong nội thành Hà Nội, các gia đình thường mang các hài nhi xấu số tới tận nhà tôi để nhờ sự giúp đỡ", bà Nhiệm xót xa kể.



Ông Thạo bên tủ đá để những hài nhi chờ chôn cất
.

Đều đặn 2 lần/ngày, ông Yên (chồng bà Nhiệm) lại tới các phòng khám thai để mang những hài nhi xấu số vừa bị chính bố mẹ tước đi quyền sống đưa về nghĩa trang Đồi Cốc.

"Trước đây, khi còn giấu gia đình, chỉ có mình tôi đi thu gom các hài nhi ấy. Không biết đạp xe, tôi bắt xe buýt tự đi. Cực là thế lại bị mọi người nói là hâm dở, mang "mầm bệnh" về địa phương. Nhưng cái tâm không cho phép tôi bỏ cuộc. Đã không ít lần tôi đau xót khi nhìn các thai nhi bị rũ bỏ mà không có nơi chôn cất, chỉ vì các phòng khám không đồng ý bàn giao lại. Bởi vì, chính họ tự xử lý theo "nguyên tắc" của mình", bà Nhiệm kể.

Hiện nay, bà Nhiệm có thêm chồng hỗ trợ chuyện đi lại thu thập các hài nhi. Cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, bà Nhiệm phải tới những địa điểm mà hai vợ chồng bà vẫn lui tới. Tuy nhiên, không phải lúc nào chuyện tìm kiếm cũng dễ dàng, có lúc bà Nhiệm phải bới trong thùng rác tìm những túi nilon màu đen được gói gọn kèm cả dụng cụ y tế từ bông băng, dịch truyền, kim tiêm…

Những sự sống không nguyên vẹn

Bà Nhiệm không sao quên được hình ảnh một cặp nam - nữ sinh viên năm nhất cầm trên tay bọc nilon màu đen chứa một hài nhi đến nhờ chôn cất. Trong đó là một hai nhi đã được 7 tuần tuổi. Cả hai sinh viên đã khóc rất nhiều, tiếng khóc ấy cứ đọng lại mãi và ám ảnh bà cho đến tận bây giờ.

"Mặc dù, hai bạn sinh viên đó đưa ra quyết định phá thai nhưng không dám đối diện sự thật. Mãi tới khi mang em bé đang dần thành hình tới cho tôi mới dám xin mở túi để một lần được nhìn mặt con", câu chuyện của bà Nhiệm bỗng đứt đoạn bởi những tiếng nấc lòng của người phụ nữ luôn mong mình được "thất nghiệp" để hàng ngày không phải nhìn thấy những cảnh đau lòng.



Bà Nhiệm từng bị nhiều người nói sao lại đi làm việc thu thập hài nhi nhưng rồi càng ngày bà càng thấy việc làm này rất nhân văn
.

Thậm chí có những lần khi mở túi nilon ra, bà Nhiệm thấy cả những hài nhi bị khuyết tật: có 6 ngón chân, 6 ngón tay, sứt môi... Không chỉ đi thu thập các thai nhi về chôn cất, bà Nhiệm còn trực tiếp liên hệ với các bác sĩ, nếu có trường hợp nào nào "lỡ làng" hoặc gia đình không có điều kiện nuôi con thì tìm đến bà. Với những trường hợp như vậy, bà Nhiệm sẵn sàng giúp đỡ đến khi sinh nở. Bởi vì bà quan niệm, việc làm đầu tiên là phải bảo vệ sự sống của các bé.



Những nấm mồ của các hài nhi thỉnh thoảng vẫn có các bạn trẻ đến thăm lại "con" của mình


Thậm chí, có khi những ngày giáp Tết, vợ chồng bà Nhiệm vẫn còn tất tả trên chặng đường thu gom xác các hài nhi bị vứt bỏ. Rồi đến khoảng mồng 4 Tết, guồng quay công việc ấy lại bắt đầu… Đã không ít lần, bà Nhiệm cũng như ông Thạo thấy những bạn trẻ về đây thắp hương, họ dừng lại rất lâu và gạt vội những giọt nước mắt để rồi vội vã bước đi…

Trước khi chia tay chúng tôi, bà Nhiệm nói: “Mỗi lần đặt hài nhi xuống huyệt, tôi luôn tâm niệm rằng, các bé không được làm người nhưng chúng ta cũng phải cho các bé được nấm mồ và chỗ nghỉ ngơi để các bé không phải ở nơi bãi rác”.
Thủy Nguyên
logo smaill


Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chung Sở Hy khoe cổ thiên nga cực gợi cảm trong bộ ảnh mới

Đọc nhiều nhất