Mùa dịch sốt xuất huyết: Bệnh nhân la liệt nằm truyền dịch mọi nơi tại cơ sở truyền dịch tư
Tin liên quan
Nằm truyền nước la liệt ngoài hiên nhà
Vừa thoát khỏi trận sốt xuất huyết, anh Trần Văn Dũng (Q. Hà Đông, Hà Nội) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại cảnh xếp hàng đi truyền dịch của mình.
“Ban đầu, tôi định đến bệnh viện 103 điều trị. Nhưng đến nơi thì quá đông, sợ lây nhiễm chéo nhiều bệnh truyền nhiễm khác nên tôi đã về nhà và đến nhà một bác sĩ đã về hưu trong làng để truyền dịch. Do quá đông bệnh nhân nên mọi nơi trong nhà bác sĩ đều được tận dụng làm nơi truyền dịch.
Có những hôm bệnh nhân ùn ùn kéo tới, bác sĩ phải tận dụng hiên trước nhà, thậm chí gầm cầu thang cho bệnh nhân nằm truyền”, anh Dũng kể lại.
Đây là ảnh các bệnh nhân truyền dịch tại nhà y sĩ H. (Nghĩa Lộ, Q. Hà Đông), nơi anh Dũng đã điều trị bệnh sốt xuất huyết. Ngoài truyền dịch tại nhà mình, ông còn liên tục phải đi truyền dịch tại nhà cho các bệnh nhân.
Bệnh nhân nằm truyền dịch la liệt tại nhà thầy thuốc. Ảnh: NVCC
Trong mùa dịch sốt xuất huyết năm nay, Quận Hà Đông là một trong những địa điểm "báo động đỏ" sốt xuất huyết.
Chia sẻ với chúng tôi, một thầy thuốc khác hành nghề khám chữa bệnh tại nhà cũng tại Q. Hà Đông cho biết, mùa sốt xuất huyết năm nào ông cũng trong tình trạng "chạy show" truyền nước. Người bệnh đến nhà nằm truyền nước la liệt, điện thoại liên tục réo gọi giục đi truyền nước.
“Vỡ trận” người bệnh sốt xuất huyết, bất đắc dĩ lắm, người thầy thuốc mới đành sắp xếp người bệnh nằm truyền nước trong tình cảnh như vậy.
Tránh tự ý truyền dịch tại nhà bừa bãi
Theo TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, việc người dân tự ý đi truyền dịch tại nhà thuốc, phòng khám tư nhân là phổ biến trong mùa dịch. Tuy nhiên, việc làm này ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe của người bệnh.
“Sốt xuất huyết dễ bị nhầm lẫn với sốt phát ban vì có chung dấu hiệu da đỏ, phát ban trên da. Thậm chí, sốt xuất huyết còn có thể bị nhầm với bệnh cảm cúm thông thường ở giai đoạn sớm do có dấu hiệu nhức mỏi, ho. Sự nhầm lẫn đó sẽ làm lệch hướng điều trị ngay từ đầu”, TS. Duy Cường cho biết.
Điều nguy hiểm nhất là người dân tự ý truyền dịch bừa bãi tại nhà hoặc cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là ngày thứ 4 trở đi của bệnh. Vì lúc này, truyền dịch sẽ thừa dịch, biến chứng phù phổi, điều trị rất phức tạp.
TS. Cường tư vấn nếu mức độ bệnh nhẹ, người dân có thể chăm sóc, điều trị tại nhà dưới sự giám sát của trạm y tế phường, xã theo phác đồ của Bộ Y tế. Hạ sốt bằng Paracetamol đơn chất, tuyệt đối không dùng Aspirin bởi thuốc này gây chảy máu đường tiêu hóa, kéo dài bệnh.
“Bù dịch bằng đường uống Oresol là tốt và an toàn nhất. Ngoài ra, có thể uống nước dừa, cam, nước canh. Chế độ ăn đồ dễ tiêu để cơ thể chóng phục hồi, không cần quá kiêng khem gây suy kiệt”, BS. Cường lưu ý.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất