Mảnh đời bước ra từ bóng tối, nuôi con chưa một lần nhìn thấy mặt con
Tin liên quan
Vậy mà vợ chồng khiếm thị nghèo khó này đã bước qua nghịch cảnh để thành vợ, thành chồng, sinh những đứa con và chung tay nuôi dạy con ăn học nên người. Đạo vợ chồng, tình cha, nghĩa mẹ cũng như tình yêu cuộc sống của họ sáng lên trong từng bước chân, từng cử chỉ lần mò trong bóng đêm vĩnh viễn.
Đó là câu chuyện tình đẹp và khá lãng mạn của cô học trò Ngô Thuý Nga và thầy giáo Bùi Văn Đồng. Tình yêu của hai người như một giấc mơ nhưng là giấc mơ có thật.
Trước kia, ông Đồng là giáo viên dạy chữ nổi ở trường Ba Đình. Bà Nga là học sinh trong trường. Vượt qua rào cản của những định kiến xã hội, vượt qua bao nỗi khó khăn nhọc nhằn trong cuộc sống, họ yêu nhau và quyết tâm xây dựng gia đình.
Bà Nga tâm sự: "Tôi bị khiếm thị từ nhỏ. Năm 15 tuổi, bố mẹ cho tôi vào học trường chữ nổi Ba Đình. Tôi được vào học lớp của thầy giáo Đồng suốt những năm học ở đó. Tuy không nhìn thấy nhau nhưng chúng tôi được nghe giọng nói của nhau hàng ngày. Dần dần chúng tôi có cảm tình với nhau".
Và cứ thế, thời gian thấm thoắt trôi đi, sau một quãng thời gian dài 19 năm quen biết và chia sẻ những buồn vui của cuộc sống, người thầy giáo khiếm thị dạy chữ nổi và cô sinh viên Nga đã nên duyên vợ chồng.
Để nên duyên vợ chồng, đôi vợ chồng này đã phải bỏ mặc ngoài tai những lời nói ra nói vào của người xung quanh rằng "Người khiếm thị lấy nhau thì làm sao lo nổi cuộc sống cho nhau. Đặc biệt là, nếu sinh con ra lại “giống mình” thì sao?"…
Mất đi đôi mắt, bà Nga bước vào đời bằng cuốn lịch chỉ là một tờ mà tờ lịch ấy dài bằng chính cuộc đời họ.
Sau lễ cưới giản dị nhưng đầm ấm của hai người là cả một quãng thời gian vợ chồng khiếm thị này phải thích nghi với cuộc sống hôn nhân tự lập. Suốt thời gian mang thai, bà Nga lo lắng với việc tìm hiểu ly, bát, bình sữa, núm vú, thìa…cho đứa con sắp sửa chào đời.
“Thực tình, biết hoàn cảnh của mình khó khăn là thế nhưng hai vợ chồng vẫn hy vọng đứa con sinh ra sẽ được lành lặn”, bà Nga chia sẻ. Và ông trời đã cho họ toại nguyện mong ước khi qua những tháng bầu bí khó nhọc của bà Nga, bé Bùi Tiến Đạt đã chào đời.
Ngày bé Đạt chào đời, tất cả người thân trong gia đình cũng như bà con làng xóm, láng giềng ai cũng phấn khởi đến chia vui và khen cháu bụ bẫm, dễ thương. Cha mẹ khiếm thị chỉ biết sờ tay, nắm chân con lớn từng ngày.
“Nó mập mạp, trắng trẻo, sạch sẽ như một cậu bé công tử con nhà giàu”, bà Nga kể ai cũng khen con trai bà như vậy. Tuy không biết mặt con nhưng bà vẫn bế bé Đạt ra cửa hàng chụp ảnh “thấy cháu đẹp trai, mấy bác hàng xóm còn xin ảnh của cháu để đăng báo nữa cơ đấy!”.
Lần đầu đặt Đạt xuống đất, thấy con trai choài người ra rồi chập chững bước đi là khoảnh khắc bà Nga không bao giờ quên. Hàng xóm nhà bà thì ngạc nhiên, còn bà Nga mừng quýnh reo lên: “Thế là nó đã biết đi rồi, nhanh thật đấy”.
Nhưng khi bé Đạt biết đi rồi, bà Nga lại thấy sợ. Bà chỉ sợ nếu bé Đạt sơ sẩy chân tay một cái thì… nguy hiểm khôn lường. Vì thế, để biết con luôn trong vòng an toàn, ông bà đã nghĩ ra cách đeo vào cổ con một cái lục lạc để dõi theo từng bước con đi. Bởi theo như bà Nga bảo: “Hoàn cảnh của mình không được như người ta thì phải cẩn trọng, thật cẩn trọng”.
Cứ thế, bé Đạt dần lớn lên từ những bát cháo, củ khoai do chính tay người mẹ mù dò dẫm hàng ngày nấu chín. Vợ chồng bà Nga hy sinh tất cả để nuôi con khôn lớn và cho con đi học bằng bạn bằng bè.
Ngày nghe mọi người xôn xao chuyện bé Đạt đoạt giải học sinh giỏi, ông bà mừng rơi nước mắt. Đến nay, bà vẫn giữ kỹ những kỷ vật, những tấm ảnh, bằng khen mà Đạt đã nỗ lực đạt được cho dù chưa một lần được chiêm ngưỡng nụ cười của con ra sao.
Bà Nga kể lại cảnh chăm con trong bóng đêm làm người nghe phải nhắm mắt lại để hình dung: “Tôi đã bế nó trên tay suốt gần một năm. Không dám rời ra một phút vì chỉ sợ nếu rời cháu sẽ chạy đi xa tôi…”.
Tình vợ chồng, tình cha, nghĩa mẹ cũng như tình yêu cuộc sống của họ sáng lên trong từng bước chân, từng cử chỉ lần mò trong bóng đêm vĩnh viễn.
Mười mấy năm trời kể từ khi có con, ngày nắng cũng như ngày mưa, khoẻ mạnh cũng như đau yếu, ông Đồng vẫn tiếp tục công việc dạy học ở trường chữ nổi Ba Đình. Ông vẫn chăm chỉ ngày hai buổi đến trường dạy cho các em thơ. Còn bà Nga thì ở nhà trông con và làm tăm tre bán kiếm chút tiền phụ giúp gia đình.
Năm Đạt lên 18 tuổi, cậu thi đỗ vào Đại học Bách Khoa cũng là lúc bố của cậu mất. Bao khó khăn gian khổ lại chồng chất lên đôi vai gầy của người mẹ khiếm thị. Được sự giúp đỡ bà con khu phố, của hội người mù thành phố Hà Nội, bà Nga cũng nuôi Đạt tốt nghiệp được Đại học.
Bà Nga tâm sự: “Được cái cháu nó rất ngoan và chăm học. Ngoài hai buổi đến trường, đêm về cháu còn đi dạy thêm ở các trung tâm gia sư để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con”.
Nhờ sự nỗ lực trong học tập, Đạt ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu và tìm cho mình một công việc ổn định.
Tâm sự với PV Emdep.vn, Đạt bảo: “Bố mẹ đã hy sinh tất cả để cho em ăn học. Bây giờ em đã trưởng thành, đi làm và nguyện sẽ dành hết tất cả để chăm sóc mẹ”.
Giang Vương
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất