Khổ như cảnh sống 7 người chen chúc mái nhà thuê ọp ẹp

Khổ như cảnh sống 7 người chen chúc mái nhà thuê ọp ẹp

Hoàng Sa 2014-09-29 15:24
- (Em đẹp) - Những căn nhà cấp bốn tồi tàn, nhỏ bé, ẩm thấp là nơi cư ngụ của hàng chục số phận nghèo khó.
>>> Chuyện trĩu lòng ở xóm chài chạy ăn mùa nước nổi ven đô

Lần theo con ngõ ngoằn nghoèo, sâu hun hút, phóng viên Emdep.vn có mặt tại xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên (Phúc Xá, Ba Đình). Đối với hầu hết người dân nơi đây, những ngày mưa bão luôn nơm nớp lo lắng. Họ hầu hết là những người dân ngoại tỉnh, không việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, quanh năm lam lũ.

7 người trong căn nhà ọp ẹp

Gần chân cầu Long Biên, có những căn nhà ọp ẹp, tường được dựng từ nhiều vật dụng, mái lợp pro xi-măng xập xệ, diện tích chỉ khoảng trên dưới 10m2 nhưng được cho thuê với giá 900.000 đồng/tháng, điện 4.000 đồng/số, nước 35.000 đồng/người. Vật liệu làm nhà chủ yếu là các thanh phên, nứa tạm bợ, nham nhở. Phía sau dãy trọ là rác và cống nước thải từ khắp nơi đổ về. Phía trên mái nhà được "chống nắng" bởi thùng xốp và những chiếc chăn bông rách nát.

Ban ngày, những căn nhà trọ dưới chân cầu Long Biên (Phúc Tân, Hoàn Kiếm) phải bật đèn mới nhìn rõ khung cảnh bên trong vì khoảng ánh sáng chiếu vào trong nhà rất ít.

Khác hẳn với cuộc sống sầm uất, phồn hoa trong thành phố, những khu trọ xập xệ dưới chân cầu Long Biên tranh tối tranh sáng ken đặc như những "tổ chim", vô cùng ngột ngạt. "Thời tiết vào thu dễ chịu hơn nhiều. Chứ mùa hè vừa nóng, vừa hôi thối, khổ lắm", chị Hoa (Phúc Thọ, Hà Nội) vừa ngồi nhặt rau vừa nói.

Theo chị Hoa, những người dân sinh sống ở đây chủ yếu là dân ngoại tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Tây (cũ)… Trái với quy luật thông thường, buổi tối ở đây khá vắng vẻ, vì đa phần những người sống ở đây làm nghề bốc vác ở chợ hoa quả Long Biên.

Những căn nhà này được "xây" bằng các vât liệu tạm bợ từ gỗ ép, bạt,... và không có tường gạch. Mỗi phòng trọ có giá 900.000 nghìn đồng, điện 4.000 đồng/số, nước 35.000 đồng/người.

"Nhiều hộ gia đình dắt díu theo con cái, chị em lên trên này đi làm thuê, bán hàng rong kiếm sống. Cách đây 2 nhà là chỗ ở của chị Loan, 7 người cùng sống trong một nhà trọ. May mà mỗi người làm một giờ khác nhau, người bốc vác ban đêm, người bán hàng rong ban ngày, nếu không chẳng có chỗ mà ngủ", vừa nói, chị Hoa vừa chỉ vào căn nhà phía cuối dãy.

Khoảng không gian giữa sân được sử dụng cho việc nấu nướng. Để tiết kiệm tiền điện, ga, thức ăn chế biến bằng bếp củi được nhặt về từ chợ hoa quả Long Biên.

Trên khuôn mặt lam lũ, khắc khổ, chị Nguyễn Thị Bình (Thanh Oai, Hà Nội) trông già hơn so với tuổi 30. Ngày ngày, chị đạp xe bán hoa quả đến rã chân, chắt chiu lắm mới đủ tiền cho mấy đứa con ở quê ăn học.

Vừa lúi húi dọn dẹp xe hoa quả, chị Bình tâm sự, ban ngày, ở đây không bao giờ có nắng, chỉ có ánh sáng tù mù bởi khoảng không gian đi lại được nhường chỗ cho dây phơi quần áo và mấy tấm bạt che nắng.

"Điện cũng chẳng dám sử dụng, phải tiết kiệm vì giá 4.000 đồng/số. Chúng tôi chỉ mua thùng gỗ đựng hoa quả về làm củi đun. Chỉ khi nấu cơm mới sử dụng nồi cơm điện vì dùng nồi gang, cơm bị cháy, bỏ đi thì phí lắm", chị Bình than thở.

Ba tháng tuổi theo mẹ đi ở trọ

Những năm gần đây, khu nhà xập xệ cũng dần mở rộng, nhiều gia đình dắt díu nhau lên đây kiếm sống, trong đó có những đứa trẻ chỉ mới 2, 3 tháng tuổi.

Ánh mắt khát khao có một cuộc sống đẩy đủ của trẻ bãi giữa sông Hồng.

Bước vào căn nhà trọ phía đầu dãy cũng là lúc chị Nguyễn Thị Tú (Thanh Oai, Hà Nội) đang chuẩn bị nấu bột cho cô con gái vừa tròn 6 tháng tuổi. Chị Tú cho biết, ông xã đi làm ăn xa, 2 đứa con gái lớn để lại cho ông bà nội trông ở quê. Cô con gái út theo mẹ lên Hà Nội kiếm sống. Hàng ngày, chị Tú đi bán hàng rong, để con gái ở nhà cho cô em gái trông hộ.

Bé Tú Anh (6 tháng tuổi) theo mẹ từ quê lên Hà Nội kiếm sống. Bé đã ở trọ cùng mẹ tại "xóm liều" từ khi được 2 tháng tuổi.

"Định bụng chỉ sinh 2 đứa rồi kế hoạch nhưng chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà nên đành phải cố. Ai ngờ lại sinh thêm 1 cô con gái. Cháu còn nhỏ quá, ở trên này nóng nực nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành phải chịu. Trộm vía, chắc nó thương tôi vất vả nên cứ ăn xong là ngủ, không ốm đau bệnh tật gì", chị Tú nhoẻn miệng cười khi nói về cô con gái kháu khỉnh.

Căn phòng rộng chừng 6 - 7m2 là nơi cư trú của hai mẹ con chị Tú và 5 người phụ nữ cùng cảnh ngộ.

Tiếp tục bước vào căn nhà nằm giữa khu trọ, mấy đứa trẻ đang tranh giành nhau quyển sách vừa được cho. Nhìn quần áo lem luốc, cũ rách khiến nhiều người không khỏi xót xa. Chị Lan (quê Chí Linh, Hải Dương), mẹ của mấy đứa nhỏ cười gượng: "Vợ chồng tôi cũng định gửi ở nhà để ông bà trông hộ nhưng sợ không có người dạy bảo, chăm sóc nên đành đưa hết lên đây. May mà xin được cho chúng học ở gần đây không thì cũng tội lắm”.

Chồng chị Lan hàng ngày đi đánh giày từ sáng tới tối mịt mới về, trông lũ trẻ cho chị đi gánh hàng thuê ở chợ hoa quả Long Biên. "Cũng mệt mỏi lắm. Nhiều khi nhìn chúng nheo nhóc trong những ngày nắng nóng mà rớt nước mắt cô ạ", chị Lan thở dài.

Có thể bạn quan tâm:

Rơi nước mắt chuyện những em bé đón Trung thu bên hóa chất

Những cái chết xót xa trong lặng lẽ và bị xa lánh vì Ebola

Thuê trọ chữa bệnh: Nhà dột, giá cao, chủ nhà "chảnh"



Hoàng Sa
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Trước khi đàn bà trở nên bất cần thì họ cũng đã từng yêu một người hơn cả bản thân mình

Đọc nhiều nhất