Hai người chết sau gây mê ở viện Trí Đức: 2 kíp phẫu thuật bất ngờ xuất hiện người lạ
Tin liên quan
Hai nạn nhân tử vong sau khi gây mê ở bệnh viện Trí Đức là Hoàng Văn T. (34 tuổi, ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và chị Quách Thị Mai Ph. (sinh năm 1979, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội).
Trao đổi với báo chí trưa ngày 26/12, Thạc sỹ Trần Thị Nhị Hà (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, sáng cùng ngày đã ký quyết định chính thức tạm đình chỉ mọi hoạt động thủ thuật, phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức sau sự việc 2 bệnh nhân tử vong khi đang gây mê phẫu thuật.
"Với triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh nhân là tinh thần lơ mơ, huyết áp tụt... các bác sỹ có chuyên môn đều có nghi ngờ là sốc phản vệ còn nguyên nhân chính thức phải dựa vào kết quả khám nghiệm pháp y của cơ quan công an.
Hiện Công an quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Sở Y tế niêm phong toàn bộ hồ sơ bệnh án và thuốc dùng cho bệnh nhân cũng như thuốc còn lại để điều tra, làm rõ nguyên nhân", bà Hà thông tin.
Quang cảnh buổi trao đổi thông tin với báo chí.
Trước nghi vấn về số thuốc gây mê cho bệnh nhân, bà Hà cho hay: Các thuốc sử dụng cho hai bệnh nhân đều là thuốc thông thường vẫn sử dụng tiền mê cho các bệnh nhân ở cơ sở khác và không có gì khác lạ.
Các thuốc này cũng đều nằm trong danh mục của Bộ Y tế và đầy đủ hóa đơn chứng từ từ Bệnh viện.
Cũng theo bà Hà, Sở Y tế cũng đã kiểm tra quy trình gây mê hồi sức và tại thời điểm kiểm tra, tất cả hồ sơ của Bệnh viện Trí Đức đều được thực hiện đúng quy trình. Hiện các hồ sơ đã được công an niêm phong để thực hiện tính pháp lý.
"Hiện nay, kết quả pháp y thì phải 4 tuần nữa mới có vì phải tìm xem có độc chất hay không còn đối với quy trình gây mê, chúng tôi sẽ lập Hội đồng chuyên môn của ngành kiểm tra sau khi công an có ý kiến kết luận chính thức", bà Hà nói thêm.
Liên quan đến vụ việc, có thông tin cho rằng trong hai kíp phẫu thuật có một kỹ thuật viên gây mê và nhân viên dụng cụ gây mê không có tên trong danh sách cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên tại bệnh viện, bà Hà giải thích: Thông tin trong báo cáo của Sở cho biết, trong hai kíp phẫu thuật này chưa có tên của kỹ thuật viên gây mê Phạm Thị Hương và nhân viên dụng cụ Bùi Thị Kim Oanh.
Bà Hà khẳng định hai nhân viên này không thực hiện trực tiếp kỹ thuật trên bệnh nhân.
"Liên quan đến hai cán bộ y tế này, chúng tôi khẳng định, đây là hai cán bộ không thực hiện kỹ thuật trực tiếp chuyên môn trên bệnh nhân.
Ví dụ như trường hợp chị Oanh là cán bộ làm rửa dụng cụ. Đồng thời, hai cán bộ này bệnh viện xuất trình hợp đồng thử việc với bệnh viện...
Chúng tôi đã yêu cầu bệnh viện rà soát lại nhân lực tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện và yêu cầu phải xây dựng vị trí việc làm liên quan đến bằng cấp chuyên môn, chức năng, nhiệm vụ phân công", bà Hà cung cấp.
Phòng mổ tại tầng 8, Bệnh viện Trí Đức hiện đã được niêm phong.
Như thông tin trước đó, bệnh nhân P. được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg, (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron.
Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai.
Tiếp đó, bệnh nhân Hoàng Văn T được đẩy vào phòng phẫu thuật sau ca của chị P. khoảng 30 phút. Theo đó, bệnh nhân T. bắt đầu được tiêm Atropin 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê) vào khoảng 8h40 phút. Sau 15 phút, bệnh nhân được sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron.
Tương tự ca đầu tiên, sau 30 giây tiêm thuốc này bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Theo Đất Việt
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất